Lộ trình 60 tỉ USD
Theo ông Nguyễn Trọng, Nguyên Chủ tịch Hội tin học TP.HCM (HCA), nếu trong vòng 15 năm tới Việt Nam tập trung tiền bạc đầu tư để tinh lọc khoảng 1 triệu kỹ sư phần mềm có khả năng quốc tế thì khoản đầu tư này sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với các dự án khai thác khoáng sản thiên nhiên. Cũng theo ông Trọng, 80% tổng số vốn đầu tư trong phát triển công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT là chi cho đào tạo kỹ sư phần mềm.
Theo tính toán của ông Trọng, nếu từ nay cho tới năm 2025 chúng ta chi khoảng 10.000USD để đào tạo một kỹ sư PM có trình độ quốc tế thì tổng số tiền đầu tư sẽ vào khoảng 10 tỉ USD. Trong khi đó, doanh thu trung bình của một kỹ sư Việt Nam hiện nay là 15.000USD (Mỹ - 10 ngàn USD; Ấn Độ và Philippines là 30 ngàn USD). Trong khoảng thời gian từ 2025- 2026, mỗi kỹ sư PM Việt Nam sẽ kiếm được ít nhất là 30 ngàn USD/năm (bằng với đồng nghiệp Ấn Độ và Philippines ngày nay).
Cứ cho là trong vòng 15 năm tới, số 1 triệu kỹ sư trên “rơi rớt” còn 500 ngàn người, thì tổng doanh thu từ những “trí tuệ” này sẽ vào khoảng 15 tỉ USD. Đó là chưa tính rằng từ năm 2015, khi đã có khoảng 1/3 số kỹ sư trên, và năm 2020 khi đã có khoảng 70% số kỹ sư trên thì dễ dàng phác thảo ra số doanh thu mà họ mang về năm 2026 là 60 tỉ đồng. Ông Trọng khẳng định rằng con số này là không hề ảo tưởng. Ngay như ngành xuất khẩu phần mềm nhỏ bé của Philippines trong năm 2009 cũng đã đạt 1 tỷ USD, thì với xu thế chung hiện nay ngành phần mềm VN hoàn toàn có thể tiến xa hơn.
Cũng theo ông Trọng, nếu chúng ta có 2 triệu kỹ sư PM có trình độ quốc tế thì cũng không sợ thất nghiệp bởi thị trường CNTT nói chung, và thị trường phần mềm & outsourcing thế giới nói riêng, không suy giảm cho dù nền kinh tế thế giới đang trong đà suy thoái.
Khó khăn và thách thức
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội tin học TP.HCM, tuy ngành phần mềm Việt Nam đã được thế giới biết đến nhưng thông tin trong các tài liệu quốc tế nói về ngành này vẫn còn rất ít và hạn chế. Ngay trong các báo cáo mà tổ chức quốc tế công bố về ngành phần mềm Việt Nam hầu như không có thông tin đáng kể nào để các nhà đầu tư quốc tế xem xét.
Ngoài ra, cũng theo ông Dũng, sức cạnh tranh trên trường quốc tế sẽ khốc liệt hơn vì thị trường phần mềm và dịch vụ CNTT tuy không suy thoái nghiêm trọng nhưng đang có xu hướng suy giảm. Việt Nam đang chịu sức ép lớn từ các đối thủ sản xuất phần mềm nước ngoài. Suy thoái kinh tế khiến cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước cắt giảm chi tiêu cho CNTT. Đơn hàng vì thế cũng giảm sút nghiêm trọng; ngay cả những đơn hàng ký kết rồi cũng bị dừng lại vô thời hạn.
Trong các năm trước, việc xác định mục tiêu tăng trưởng của ngành phần mềm luôn khả quan và tối thiểu ở con số 30%. Tuy nhiên, theo ước tính của VINASA, năm 2008 đã giảm xuống dưới 20% (tối đa doanh số 2008 là 600 triệu USD, năm 2007 là 498 triệu USD) và năm 2009 sẽ còn thấp hơn nhiều. Nếu bi quan có thể nói đến không tăng trưởng, hoặc tối đa 10% so với năm 2008.
Trong khi các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam gặp nhiều khó khăn về thị trường, vốn, và đối tác, thì Trung Quốc vẫn tiếp tục phái triển mạnh với tỉ lệ tăng trường 29,8%, đạt doanh số khoảng 110,8 tỷ USD trong năm 2008. Ấn Độ đạt 52 tỷ USD và tăng 24,4% so với năm 2007. Riêng Philippines đạt gần 1 tỉ USD, cao gấp gần 5 lần so với doanh số của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam.
Có thể nói điểm mạnh duy nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam hiện nay là giá thành. Tuy nhiên, điểm mạnh này đang ngày càng lung lay trước sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ quốc tế. Các doanh nghiệp Đông Âu đang tăng tốc để chiếm lĩnh thị trường Châu Âu nhờ lợi thế về địa lý và gần gũi văn hóa. Doanh nghiệp Trung Quốc giảm giá để giữ khách hàng Nhật; còn doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường hiệu quả với thị trường Mỳ và Anh. Ngay cả trên sân nhà, các doanh nghiệp phần mềm Việt cũng đang bị lấn lướt bởi các đối thủ “ngoại”.
Thuận lợi trong khó khăn
Tất nhiên, nói thế không có nghĩa ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam sẽ khó có thể phát triển. Theo thời gian, những lợi thế không thể chối cãi của ngành công nghiệp này đã được thực tiễn chứng minh. Thuận lợi đó sẽ tác động tới nhận thức và suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, và thậm chí là cả người tiêu dùng. Một khi ngành phần mềm và dịch vụ CNTT vẫn được coi là ngành công nghiệp chiến lược thì cơ hội phát triển của nó vẫn là rất lớn.
Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, cho nên nhu cầu nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, hệ thống hành chính, giáo dục đào tạo, thuế, tài chính, giao thông vận tải, bảo hiểm… là rất lớn. Chính vì thế mà ngành phần mềm và dịch vụ CNTT sẽ được giao những trọng trách và vai trò to lớn. Ngoài ra, lực lượng lao động trong ngành này đã trưởng thành theo năm tháng, có thể giải quyết những vấn đề phức tạp đòi hỏi trình độ cao.
Thuận lợi tiếp theo là quan điểm ủng hộ rất rõ ràng của Chính phủ đối với ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT. Trong Quyết định 55/2007/QĐ-TTG ngày 23/4/2007 phê duyệt "danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến năm 2020" thì ngành công nghiệp CNTT được xác định là ngành công nghiệp mũi nhọn với những chính sách ưu đãi rất cụ thể.
Gần đây nhất, Quyết định 698/QĐ-TTg ngày 1/6/2009 Thủ tướng chính phủ phê duyệt "Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020" đã thể hiện sự quan tâm đến nguồn nhân lực CNTT mà chủ yếu là nhân lực cho phần mềm và ứng dụng CNTT.
Gia Vũ
(theo VnMedia)