Theo tổng kết của Ban tổ chức, đã có hơn 1.000 bạn trẻ đăng ký tham dự và có 173 câu hỏi gửi đến hội thảo. Số câu hỏi chiếm tỷ lệ cao nhất 25% được các bạn tìm hiểu liên quan đến nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT và chất lượng đào tạo, tiếp đến 24% mong muốn biết yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và 23% câu hỏi muốn hiểu rõ những kỹ năng phục vụ cho công việc cùng với phương pháp rèn luyện kỹ năng.
Bạn Trần Xuân Hùng, sinh viên năm 1 Trường ĐH KHTN đặt ngay câu hỏi như tên chủ đề của hội thảo “học CNTT ra trường làm nghề gì?”. Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, Giám đốc CMC Phía Nam chia sẻ: “Những nghề nghiệp khi học ngành CNTT có thể lựa chọn (để đi làm) là: Lập trình viên phát triển phần mềm, Chuyên viên quản trị cơ sở dữ liệu, Kiểm lỗi phần mềm, Quản trị hệ thống thông tin, Quản trị mạng, Thiết kế web, Mỹ thuật đa phương tiện, Giảng viên… Nhắm đến vị trí nào thì cần biết yêu cầu chuyên môn của công việc đó để học tốt nhất các môn học cần thiết cho công việc. Điều quan trọng là cần biết được những đặc tính cá nhân mà công việc đòi hỏi như tư duy logic tốt, giao tiếp tốt, sẵn sàng làm việc nhóm, luôn tiếp thu kiến thức mới…”.
Bạn Phạm Nguyễn Vĩnh Nguyên, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn hỏi: Xu hướng học CNTT và cơ hội việc làm ở VN? Ông Thiều Phương Nam, Giám đốc kinh doanh Intel Việt Nam cung cấp những dự báo từ Intel cho biết: CNTT Việt Nam trong 5 - 10 năm tới sẽ tiếp tục phát triển với mức tăng trưởng 25% – 30%/năm. Ông Phí Anh Tuấn cho biết thêm, các ngành gia công phần mềm, hệ thống thông tin có số lượng tuyển dụng lớn.
Ông Thiều Phương Nam, Giám đốc kinh doanh Intel Việt Nam (áo sẫm) và Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, Giám đốc CMC Phía Nam (áo sáng) trả lời các câu hỏi của các thính giả
|
|
Bạn Nguyễn Đức Tùng, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp quan tâm đến những kỹ năng mà sinh viên CNTT cần trau dồi để đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng sau này? Ông Trịnh Trúc Linh, Giám đốc Trung tâm Phần mềm thuộc FPT Software cho biết, yêu cầu chuyên môn là điều tất yếu phải có, tuy nhiên quan trọng hơn là kỹ năng mềm, vốn là điểm yếu của số đông các bạn sinh viên, cụ thể là kỹ năng giao tiếp, sự tự tin, tự kiểm soát bản thân, khả năng làm việc nhóm, khả năng tiếp nhận cái mới và ngoại ngữ. Hiện nay kỹ năng mềm vẫn chưa có những chương trình, giáo trình đào tạo chính thức tại các trường ĐH, CĐ, do đó các bạn trẻ phải chủ động tự rèn luyện. Thuận lợi của các bạn hiện nay là có nhiều cơ hội được tiếp xúc với các doanh nghiệp qua các buổi hội thảo, giao lưu, và môi trường Internet.
Câu hỏi khá thú vị được đánh giá có tính khát vọng mà bạn Nguyễn Khải, sinh viên Học viện Quản lý giáo dục đặt ra là “Làm thế nào trở thành tỷ phú đô la nhờ CNTT?”. Ông Trần Ngọc Tuấn, Tổng giám đốc FPT-Aptech & FPT-Arena có lời khuyên các bạn nên chia nhỏ mục tiêu ra, thử nghĩ xem làm thế nào kiếm được 1 đô, 10 đô và nhiều lần tích lũy lại sẽ có con số lớn. “CNTT thực sự tạo cơ hội cho nhiều người có cơ hội làm giàu từ những ý tưởng không quá cao siêu, ví dụ điển hình là câu chuyện của 2 sinh viên sáng lập Google với thông điệp "sắp xếp dữ liệu của thế giới bằng công cụ tìm kiếm". Hoặc bạn cũng thấy các phương tiện chia sẻ media như Youtube đã thành công với ý tưởng "quảng cáo trên từng pixel màn hình", mang lại cho tác giả trẻ hàng triệu đô. Hay hiện nay các ứng dụng, game trên thiết bị di động đang tạo nhiều cơ hội cho các bạn trẻ làm giàu…”, ông Tuấn chia sẻ.
Bạn Lê Anh Phan, sinh viên FPT-Aptech muốn tìm hiểu về cơ hội thăng tiến cho một lập trình viên không có bằng ĐH khi làm cho công ty phần mềm? Ông Trịnh Trúc Linh và ông Phí Anh Tuấn cùng khẳng định, các nhà tuyển dụng luôn quan tâm đến khả năng làm việc và đóng góp mang lại cho doanh nghiệp, hơn là chú trọng bằng cấp. “Các bạn trẻ hãy tự tin và phấn đấu để trang bị cho mình những kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm cần thiết nhất công việc và hãy làm hết sức mình, đi đến cùng với niềm đam mê, ham học hỏi. Tại doanh nghiệp chúng tôi có không ít các bạn trẻ đang đảm nhận các vị trí cao, thăng tiến nhanh mà khởi sự không có bằng đại học”, ông Trịnh Trúc Linh nói.
Từ trái sang phải: Ông Trịnh Trúc Linh, Giám đốc Trung tâm Phần mềm thuộc FPT Software. Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, Giám đốc CMC Phía Nam. Ông Trần Ngọc Tuấn, Tổng giám đốc FPT-Aptech & FPT-Arena
|
|
Ông Phí Anh Tuấn nhận xét: “Thực tế hiện nay các bạn sinh viên chưa thực sự học như là một sinh viên mà chỉ là học sinh cấp 4 (sau tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông). Các bạn thiếu sự năng động, chưa xem việc học là trách nhiệm của mình. Chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận và chia sẻ định hướng, giải đáp cho những câu hỏi, thắc mắc từ các bạn”.
Trong bối cảnh khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp CNTT đang còn rất lớn, rất đông sinh viên ra trường hàng năm nhưng không thể tìm được việc làm vì không đáp ứng được yêu cầu của công việc, không ít sinh viên ra trường có việc nhưng không làm đúng chuyên môn đã học, còn doanh nghiệp CNTT vẫn luôn “than” thiếu nhân lực đạt yêu cầu, Hội thảo đã phần nào cung cấp những thông tin giúp các bạn trẻ định hướng được mục tiêu nghề nghiệp của mình.
Một số hình ảnh:
|
Đông đảo các bạn sinh viên, học sinh tham gia hội thảo
|
|
Tích cực tham gia các trò chơi
|
|
Tiết mục văn nghệ
|
|
Các bạn sinh viên hào hứng đặt câu hỏi
|
|
Các bạn may mắn trong phần Xổ Số với giải thưởng là Laptop và các sản phẩm giá trị khác
|
(theo PC World VN)