Từ bộ sưu tập chứng chỉ quốc tế “khủng” đến làm đại sứ ITPEC Việt Nam.
Lựa chọn chỉ vào Aptech Việt Nam sau khi tốt nghiệp THPT năm 2008, chàng trai sinh năm 1990 Lê Quang Hiệu mau chóng thu nhận được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm nhờ học cùng với những người lớn tuổi hơn, những anh chị đang học năm cuối ngành CNTT tại các trường đại học lớn.
Đến nay, Hiệu vẫn tin rằng, đó là một trong những quyết định tạo ra bước ngoặt của cuộc đời mình, thay vì lựa chọn thi vào một trường đại học như các bạn cùng lứa.
Lê Quang Hiệu hòa nhập rất nhanh với môi trường làm việc mới sau khi ra trường.
Sau khi hoàn thành khóa học tại Aptech Việt Nam, Hiệu mạnh dạn thi tuyển vào một trong những công ty phần mềm (Software) lớn nhất cả nước và trở thành lập trình viên trẻ tuổi của đơn vị.
Cũng nhờ sức trẻ đó, Hiệu đã tích cực tham gia “săn” các chứng chỉ công nghệ quốc tế, qua đó làm dày thêm kiến thức cho bản thân, như chứng chỉ Programming in C# Specialist, MCSE Designing Database Solutions for Microsoft SQL Server 2012 hay MCTS, MCSD...
Tuy vậy, theo Hiệu, đam mê và cảm giác vui sướng khi chinh phục thành công một chứng chỉ công nghệ khó mới là động lực thôi thúc anh. "Mình còn trẻ mà, cứ học và thi thôi”, chàng trai 9X vô tư trả lời.
Đặc biệt, vào năm 2016, Hiệu đã vinh dự trở thành người đại diện cho ITPEC Việt Nam (đại sứ) nhờ đạt thành tích cao trong kỳ thi sát hạch Kỹ sư ứng dụng công nghệ thông tin AP do VITEC (đơn vị tổ chức kỳ thi sát hạch của ITPEC ở Việt Nam) tổ chức.
Lê Quang Hiệu chụp ảnh lưu niệm với đại diện của ITPEC Nhật Bản.
Hiệu cho hay: “Sở hữu chứng chỉ AP và trở thành đại sứ ITPEC Việt Nam có ý nghĩa rất lớn với mình, giống như cột mốc đánh dấu, ghi nhận những kiến thức và thành quả đã đạt được trong suốt quá trình học tập và làm việc trong ngành CNTT. Đồng thời, nó còn mở ra cơ hội việc làm từ những công ty hàng đầu tại Nhật với mức lương đáng mơ ước từ 2.000 – 5.000 USD”.
Nhớ lại thời kỳ học tại Aptech Việt Nam, Hiệu nói vui, đi học thích vì khóa học có nhiều bạn… hotboy và hotgirl. “Nhưng điều tuyệt vời hơn cả là tại Aptech, sinh viên được tự do phát triển theo đam mê của bản thân, được thực hành rất nhiều để hoàn thiện kiến thức, kỹ năng. Công nghệ vốn đã là điều khô khan, nhưng tuyệt đối không nên gượng ép”, Hiệu cười nói.
Cô nàng xinh đẹp đam mê làm BrSE
Cũng tốt nghiệp Aptech Việt Nam và sinh năm 1990, nhưng cô nàng xinh xắn Ngô Thu Huyền lại chọn hướng đi khác cho bản thân – sang Nhật và trở thành một Kỹ sư cầu nối (BrSE). Xuất phát điểm zero với tiếng Nhật trước khi tham gia khóa học nên chặng đường theo học kỹ sư cầu nối thực sự là một thử thách rất lớn đối với cô gái trẻ khi đó.
Mặc dù vậy, với đam mê muốn thực hiện được ước mơ sang Nhật làm việc, Huyền đã nỗ lực vượt qua “rào cản” ngôn ngữ để tốt nghiệp lớp Kỹ sư cầu nối với chứng chỉ loại "Very Good". Hiện, Huyền trực tiếp tham gia vào dự án của khách hàng Nhật với tư cách là một thành viên phát triển tại thị trường này.
Ngô Thu Huyền đang “tận hưởng” những ngày tháng làm việc trên đất nước Nhật Bản.
Nói về nghề BrSE, cô nàng 9x cho biết, áp lực trong thời gian huấn luyện rất căng thẳng, không phải ai cũng đủ nghị lực để vượt qua. “Thế nhưng bù lại, nếu đã là một BrSE thực thụ, bạn sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị, đặc biệt về nền văn hóa Nhật Bản. Và hơn hơn, đó là cơ hội lớn phát triển nghề nghiệp trong tương lai, nâng cao giá trị của bản thân”, Huyền bộc bạch.
Khi được hỏi về bí quyết thành công trong nghề BrSE, Huyền cười nói, có lẽ nhờ thói quen ganh đua được “rèn luyện” từ thời còn học tại Aptech Việt Nam, cho đến lúc tham gia lớp đào tạo BrSE. Có lần bị điểm kém Huyền đã khóc cả đêm và sau đó “cày ngày cày đêm” để vươn lên. Chính vì thế mà xuất phát điểm của Huyền không bằng mọi người nhưng sau đó Huyền đã vươn lên trong Top dẫn đầu của lớp.
Ngô Thu Huyền chụp ảnh lưu niệm tại lễ tốt nghiệp Aptech Việt Nam vào năm 2012.
Trong quá trình làm việc trực tiếp với khách hàng Nhật Bản, Huyền càng tích lũy cho mình thêm nhiều kinh nghiệm. Theo Huyền, cũng chính nhờ những kiến thức, phương pháp học thu nhận được ở Aptech đã bổ trợ giúp bạn thích nghi nhanh với công việc. "Mình còn trẻ, những khuyết điểm cũng như thiếu sót còn nhiều, cứ mỗi lần làm sai hay làm chưa tốt, mình luôn cố gắng dành thời gian để nhìn lại bản thân một cách nghiêm túc, tìm ra phương pháp sửa đổi", Huyền nói.
Hiện nghề BrSE của Huyền đang có mức lương dao động từ 2.000 USD/ tháng nếu làm việc ở Việt Nam, hoặc thu nhập hơn 70.000 USD/ năm nếu làm việc dài hạn ở Nhật Bản.
Với kinh nghiệm 31 năm trong lĩnh vực đào tạo CNTT, Aptech tự hào là Tập đoàn CNTT lớn có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ). Hiện, Aptech có mặt trên hơn 40 quốc gia với hơn 1.300 cơ sở, trong đó có Việt Nam (gần 20 năm phát triển).
Tính đến nay, Aptech đã đào tạo cho hơn 6,8 triệu học viên trên toàn thế giới và hơn 100.000 lập trình viên tại Việt Nam. Phương châm hoạt động của Aptech là: “Chúng tôi không chạy theo công nghệ. Aptech luôn đón đầu công nghệ”.
Theo Dân Trí