Trong bản phân tích về những tiêu chí của lĩnh vực gia công phần mềm ở một số quốc gia đang được chú ý như Ấn Độ, Trung Quốc, Úc, Việt Nam…, ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc công ty LogiGear Việt Nam thừa nhận, năng lực nhân lực phần mềm Việt Nam còn thấp hơn khá nhiều so với các quốc gia khác. Ông Hùng nói rằng, Việt Nam sẽ được các đối tác đặt hàng nhiều hơn nếu như có một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp hơn.
Không có người làm...
Giám đốc một công ty phần mềm tại TP.HCM nhận xét: “Nhìn chung, các lập trình viên hiện nay chưa nhạy bén về tư duy. Phần lớn vẫn phải “cầm tay chỉ việc” hay làm theo những yêu cầu của các nhóm trưởng”. Là một doanh nghiệp sử dụng phương thức web để làm dịch vụ nhưng để tuyển lập trình viên ưng ý, theo ông Nguyễn Minh Hùng, giám đốc công ty truyền thông Năng Động: “Mức lương yêu cầu 300 – 400 USD nhưng để làm được việc, doanh nghiệp phải cử người hướng dẫn ít nhất từ 3 – 6 tháng mới đáp ứng yêu cầu tối thiểu”.
Hiện tượng trên không phải là cá biệt. Công ty S. nhận được 100 hồ sơ từ một đối tác nhưng không tuyển được nhân viên nào dù yêu cầu rất bình thường. Giám đốc một doanh nghiệp chuyên nhận hàng gia công phần mềm từ công ty mẹ bên Pháp đã từng ước mơ: “Nếu tôi có đủ nhân lực theo yêu cầu, trong vòng hai năm, không sợ hết việc”. Vị giám đốc này đã phải nhiều lần giải trình với công ty mẹ vì không thực hiện được kế hoạch tuyển đủ 100 nhân viên giỏi trong vòng một năm.
Thế nên mới có chuyện, một công ty Việt Nam khi sáp nhập vào một công ty nước ngoài, số lượng nhân viên tuyển dụng lại chỉ có 29 người từ đội ngũ 100 lập trình viên sẵn có.
Để có được trên 1.000 lập trình viên như hiện nay, FPT, dù có “hớt” những học viên xuất sắc từ các khoá đào tạo của Aptech, vẫn phải “bám” các trường đại học Bách khoa, Khoa học tự nhiên ở TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội trong những ngày hội việc làm hoặc thông qua những công ty “săn đầu người” để tuyển chọn nhân lực đáp ứng yêu cầu.
Thiếu nhân lực có chất lượng làm nảy sinh tình trạng chèo kéo nhân lực giữa các đơn vị trong ngành. Ông Nguyễn Hữu Lệ (TMA) có lần tâm sự rằng, không lo thiếu đơn hàng mà lo nhất là giữ người “biết làm việc”.
... dù nhiều nguồn đào tạo
Trong một thống kê do hội Tin học TP.HCM thực hiện vào tháng 7.2008, hiện cả nước có 390 trường (chỉ tính từ cao đẳng trở lên) có đào tạo công nghệ thông tin (CNTT), trong đó có ngành lập trình. Dù số lượng trường đào tạo đông như vậy nhưng theo nhiều doanh nghiệp, nếu có tuyển dụng, họ chỉ quan tâm tới nhân lực từ hai nguồn. Thứ nhất là nguồn đào tạo từ các trường đại học Bách khoa, Tự nhiên. Sau khi không tìm được từ nguồn này, doanh nghiệp mới chú ý đến nguồn từ các trường cao đẳng chuyên ngành và các học viện chuyên đào tạo lập trình viên như Aptech, NIIT…
Hiện nay, dù chưa có “sản phẩm” hoàn thiện do mới thành lập nhưng nguồn đào tạo nhân lực phần mềm đang được kỳ vọng nhiều là đại học Công nghệ thông tin TP.HCM và đại học FPT. Đây là hai đại học đầu tiên đào tạo chuyên về ngành CNTT, trong đó có khoa chuyên về phần mềm. GS. Hoàng Kiếm, hiệu trưởng đại học CNTT TP.HCM cho biết, trong cơ cấu đào tạo của trường, 30% sẽ làm những phần việc như nghiên cứu – giảng dạy và phát triển phần mềm, 70% còn lại sẽ là lực lượng lao động trực tiếp trong lĩnh vực này. Theo đại diện của đại học FPT, ngoài những kỹ năng cần thiết của một lập trình viên cao cấp, trong ba học kỳ cuối, sinh viên đại học FPT được đào tạo chuyên sâu về quy trình và quản trị dự án phần mềm.
Theo tính toán của hiệp hội Phần mềm Việt Nam (Vinasa), trong hai năm gần đây, tính tất cả các mô hình đào tạo đã cung ứng cho thị trường nhân lực phần mềm khoảng 7.000 người/năm. Trong đó, nguồn từ các trường đại học khoảng 3.000 cử nhân/kỹ sư, còn các trường cao đẳng khoảng 3.500. Các học viện cũng cung ứng với số lượng đáng kể. Mỗi năm, NIIT và hệ thống APTECH cung ứng khoảng 300 lập trình viên.
Trao đổi với SGTT, TS. Đồng Thị Bích Thuỷ, giám đốc trung tâm tin học của đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM nói: “Tôi đang quan ngại về chất lượng của các cử nhân, kỹ sư ngành CNTT cho dù họ tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng nào đó trong nước. Lỗi này không chỉ của sinh viên mà chính là lỗi của cả hệ thống giáo dục từ cấp cơ sở”. Theo TS. Thuỷ, hiện nay sinh viên chạy theo điểm số nên năng lực tư duy, phản biện yếu; chỉ khoảng 10% số sinh viên tốt nghiệp đúng với trình độ.
GS. Hoàng Kiếm nhận xét cụ thể hơn: “Hiện nay, cử nhân/kỹ sư CNTT tốt nghiệp từ các trường, kể cả trường có uy tín đều tồn tại hai nhược điểm. Đó là ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh) và khả năng tiếp cận công nghệ mới”. Ông cũng không ngần ngại khi nói rằng, có những công nghệ mới thầy không biết làm sao trò biết được!
Ông Phí Anh Tuấn, phó chủ tịch hội Tin học TP.HCM cũng có nhiều ưu tư cho nguồn nhân lực hiện nay: “Để Việt Nam trở thành thị trường gia công phần mềm lớn trên thế giới, người lao động Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, kỹ năng chuyên nghiệp, năng suất lao động… Giá rẻ không còn là yếu tố cạnh tranh”.
Ông Nguyễn Minh Hùng nói: “Học lập trình viên buộc phải giỏi toán, tư duy logic, nhưng có nhiều học viên quá kém những yêu cầu này”.
(Theo Gia Vinh - Sài Gòn Tiếp Thị)