Trong game, người chơi sẽ điều hành ngân sách, y tế, giáo dục, quân sự, ngoại giao và đưa ra những quyết định "trọng đại" cho đất nước.
Tất nhiên là trong một môi trường ảo được tái tạo y như thật.
"Commander in Chief" sẽ cung cấp cho người chơi thông tin về 50 tổ chức quốc tế lớn, bao gồm Liên Hợp Quốc, G7, NATO, NAFTA và OPEC.
"Bạn sẽ có thể thực thi học thuyết và quan điểm chính trị của riêng mình, sau đó chứng kiến những hiệu ứng domino do chúng tạo ra, trong nội bộ nước Mỹ lẫn phạm vi quốc tế", trưởng nhóm thiết kế tựa game tuyên bố.
"Giờ đây, bất cứ ai cũng có thể xây dựng chiến lược rút quân khỏi Iraq, đảo chiều cuộc suy thoái kinh tế và vạch ra kế sách để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố từ Al-Qaeda".
Người chơi sẽ bắt đầu bằng việc lựa chọn các thành viên Nội các, sau đó lần lượt xử lý những vấn đề xã hội, môi trường, kinh tế, năng lượng, văn hóa và quân sự mà chính quyền của ông Obama sắp phải đối mặt.
Nhiều chế độ chơi
"Chúng tôi mang đến cho mọi người cơ hội xỏ chân vào chiếc giày Tổng thống, đảm trách những quyết định đầy khó khăn và có tác động đến hàng chục triệu người", Giám đốc điều hành Paul Lombardi của hãng Interactive Game cho biết.
Chưa hết, người chơi còn có thể vận động hành lang các nhà lãnh đạo nước khác, tấn công các quốc gia trung lập và những đế chế thù địch.
Họ thậm chí có thể lên kế hoạch ám sát các nhân vật VIP song phải hết sức thận trọng trước những hệ lụy của kế hoạch đó.
Các quyết định đối nội như tăng hoặc giảm thuế sẽ có thể khiến người chơi hoặc bị người dân chỉ trích, hoặc bị siết chặt ngân sách.
"Commander in Chief" là một tựa game "tái tạo" được chơi trên nền bản đồ thế giới 3 chiều. Giá bán cho mỗi phiên bản là 39,95 USD.
Người chơi có thể lựa chọn "chế độ mở", với mục tiêu cuối cùng là trụ lại trong Nhà trắng càng lâu càng tốt, hoặc một chế độ khác chuyên giao nhiệm vụ để họ hoàn thành.
Cuối cùng, chế độ "So tài" nhiều người chơi sẽ cho phép bạn chống lại các người chơi khác qua mạng.
Các phiên bản sau của game sẽ cho phép người chơi hóa thân thành lãnh đạo các nước như Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Nga.
Trọng Cầm (Theo AFP)