Tuy nhiên, để có mức thu nhập như vậy, một kỹ sư phần mềm phải thông thạo 1-2 ngoại ngữ, luôn năng động, có kiến thức và kỹ năng tốt, đồng thời phải đảm nhiệm được vị trí quản trị dự án chứ không chỉ ở vị trí lập trình viên thuần túy.
Nghề hấp dẫn nhưng nhiều khắt khe
Ngành công nghiệp phần mềm đang phát triển rất nhanh chóng và mang tính chất toàn cầu. Đây cũng là ngành làm cho khá nhiều người trở nên giàu có, không chỉ ở nước ngoài mà ở trong nước đã có người giàu lên nhờ nghề này. TS. Lê Trường Tùng, hiệu trưởng Trường Đại học FPT dự đoán: với sự phát triển của ngành phần mềm như hiện nay, 5 năm tới, lương khởi điểm của các kỹ sư phần mềm được đào tạo tốt sẽ không dưới 500 USD/tháng. Ông Tùng cho ví dụ, nhiều kỹ sư phần mềm trẻ của FPT có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Ngoài ra, ngành này còn hấp dẫn giới trẻ bởi tính năng động, khả năng sáng tạo, cơ hội cập nhật và tiếp xúc với những thông tin, chuyên gia và công nghệ hàng đầu thế giới.
Nguyễn Quang Hưng, sinh viên năm cuối khoa CNTT trường Đại học Thủy lợi cho rằng: kỹ sư phần mềm luôn được tiếp cận với công nghệ mới, đặc biệt là cơ hội thăng tiến rất nhanh, nhiều lập trình viên có năng lực có thể làm quản lý từ khi còn rất trẻ.
Tỏ ra hài lòng với công việc sau 3 năm gắn bó, Đinh Thị Ngọc Phương, chuyên viên kiểm định chất lượng phần mềm ở Công ty TMA nói: “Công việc hiện tại cho phép tôi có thể áp dụng được kiến thức đã học. Ngoài ra, còn một yếu tố khác làm cho tôi cảm thấy yêu thích công việc của mình, đó là luôn được tiếp cận với những công nghệ mới nhất, ngay cả khi công nghệ đó chưa có mặt trên thị trường thế giới. Vì các khách hàng của TMA là các công ty nước ngoài, nhu cầu cạnh tranh trên thị trường thế giới đòi hỏi các công ty đó phải đón đầu công nghệ và thông qua công việc gia công phần mềm mà tôi được tiếp cận với công nghệ mới một cách nhanh nhất và sâu nhất”.
Tuy nhiên, đây cũng là nghề có nhiều đòi hỏi khắt khe mà không phải ai cũng theo nghề lâu dài được. G, đã từng học chuyên ngành IT tại Pháp, nhưng sau khi về Việt Nam, cô không theo đuổi nghề này mà kinh doanh mỹ phẩm. T, một lập trình viên tốt nghiệp Đại học Bách khoa, nhưng hiện cô làm biên dịch viên cho một tờ báo điện tử rồi làm nhân viên hành chính ở một công ty phần mềm. Một nữ lập trình viên Java với 2 năm tuổi nghề ở một công ty phần mềm chỉ vẻn vẹn 10 nhân viên tâm sự: “Nghề lập trình vất vả lắm, nhất là đối với nữ. Tôi không có ý định theo đuổi nghề lập trình lâu dài bởi, ngoài 30 tuổi, ít người có thể code được. Nếu được chọn lại, tôi sẽ chọn nghề giáo viên”.
Làm thế nào để trở thành kỹ sư giỏi?
Theo dự đoán của các chuyên gia về phần mềm, do có tiềm năng lớn và nhiều cơ hội trong và ngoài nước, ngành phần mềm Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong những năm tới và sẽ trở thành một trong những ngành công nghệ cao chủ lực.
Thách thức chính của ngành phần mềm Việt Nam là chất lượng nguồn nhân lực. Thị trường hầu như không có giới hạn và sự tăng trưởng của ngành này phụ thuộc phần lớn vào việc có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao hay không.
TS. Nguyễn Hữu Lệ, Chủ Tịch Công ty TMA khẳng định: “Nếu nỗ lực khi học đại học, các kỹ sư phần mềm tốt nghiệp đại học trong nước hoàn toàn có thể làm việc tốt trong các công ty hàng đầu tại Việt Nam. Bằng chứng là các công ty này hàng năm tuyển dụng hàng trăm kỹ sư mới ra trường. Những kỹ sư tốt nghiệp ở nước ngoài về, trình độ kỹ thuật nói chung không có khác biệt đáng kể. Tuy nhiên họ thường năng động, tự tin hơn, do đó có nhiều cơ hội và thành công hơn”.
Theo TS. Lệ, để trở thành kỹ sư phần mềm giỏi, thì khi học đại học cần đầu tư thời gian học và thực hành ngoại ngữ; dành thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hiểu biết xã hội; tự học kiến thức chuyên ngành và tham gia các dự án phần mềm khi có cơ hội. Khi ra trường cần sẵn sàng làm nhiều công việc khác nhau để hiểu về ngành phần mềm; chấp nhận thử thách trong các công việc khó khăn phức tạp để học hỏi và khẳng định; tích cực học hỏi không chỉ về kỹ thuật mà cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả.
Ở góc độ đào tạo, TS. Lê Trường Tùng, cho biết: “Không phải cứ học nước ngoài về là giỏi hơn và có trình độ cao. Có nhiều người làm việc rất tốt và thành công mặc dù họ tốt nghiệp đại học trong nước, thậm chí chưa tốt nghiệp đại học,nhưng đáng tiếc là tỷ lệ những người này còn khá thấp. Tất nhiên, khi có học vấn cao, được đào tạo bài bản thì cơ hội cho công việc thu nhập cao nhiều hơn. Một điều cũng cần nhấn mạnh là kiến thức đại học thực chất chỉ là nền tảng ban đầu. Việc thường xuyên học hỏi, cập nhật kiến thức là yêu cầu bắt buộc với những ai theo đuổi ngành này”
“Với người làm phần mềm, điều đầu tiên cần có là sự đam mê và được đào tạo trong một môi trường tốt, được “nhúng” sớm vào môi trường làm việc thực tế và chuyên nghiệp. Ngoài ra, ngoại ngữ, khả năng cập nhật thông tin, tri thức, khả năng làm việc nhóm; tính chuyên nghiệp, tính kỷ luật, tính chính xác là hết sức cần thiết. Tất nhiên một đầu óc có tính sáng tạo và tư duy logic ở mức nhất định cũng là tố chất cần có”, ông Tùng phân tích thêm.
Từng là một lập trình viên thành công trong lĩnh vực gia công phần mềm, anh Cù Duy Đức, Giám đốc DTT Globeteam Inc. (thuộc DTT Technology Group), đưa ra lời khuyên trên cơ sở kinh nghiệm của mình: “Sinh viên nên đi làm sớm để biết được việc thật và tích lũy kinh nghiệm, vì dù có được đào tạo bài bản đến đâu thì thực tế khác rất xa trường học. Ngoài ra, khả năng giao tiếp vô cùng quan trọng, trước hết là khả năng giao tiếp trong nhóm và giao tiếp bằng ngoại ngữ với đối tác”.
Hoàng Việt Anh, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH FPT Software Châu Á Thái Bình Dương tại Singapore (thuộc FPT Software): "Hiện công ty của tôi có 30 người, độ tuổi trung bình là 24, trong đó 16 người Việt Nam đã tốt nghiệp đại học tại Singapore. Trong môi trường cạnh tranh cao ở Singapore, vấn đề thu nhập rất quan trọng đối với nhân viên. Vì thế, chúng tôi phải có mức thu nhập cạnh tranh với doanh nghiệp ở Singapore thì mới thu hút được nhân lực.
Phương châm của chúng tôi là tận dụng lực lượng tại chỗ, đến cuối năm nay, chúng tôi sẽ tuyển thêm 30 người nữa. Chúng tôi mong muốn tiếp nhận những sinh viên Việt Nam tại đây vì họ được đào tạo bài bản, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, có lợi thế tiếng Anh tốt, am hiểu văn hóa của nước sở tại. Hiện có khoảng 6.000 người Việt Nam đang học tập tại Singapore.
Tôi mong muốn có nhiều công ty của Việt Nam ở nước ngoài để tận dụng nguồn lực người Việt và gây dựng hình ảnh của Việt Nam".
TheWall - VietCNTT.com