Công ty TNHH Công nghệ Wirpo và công ty TNHH Công nghệ Infosys cùng nhiều các công ty công nghệ thông tin khác của Ấn Độ cách đây 5 năm chỉ có những đội ngũ nhỏ ở Nhật Bản. Giờ đây họ có hàng nghìn nhân viên tại Đất nước Mặt trời mọc. Trước tình hình dân số đang già đi ở Nhật với ít kỹ sư mới, các công ty Ấn Độ trông đợi được kinh doanh nhiều hơn ở Nhật Bản trong thời gian tới.
Hiroshi Alley, chủ nhiệm các hoạt động kinh doanh ở Nhật Bản và Trung Quốc của Wipro (có trụ sở ở Yokohama, Nhật) nói: “Cuộc chơi (đối với các công ty Nhật Bản) đã thay đổi. Họ đang dần cởi mở hơn đối với dịch vụ ‘đánh thuê’ và đón nhận nó nhiều hơn, thậm chí họ còn ra cả nước ngoài”.
Các công ty Nhật Bản đã ngại ngần trong việc sử dụng các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, một số đang bắt đầu thử nghiệm một cách từ từ với việc giao phó các công việc về công nghệ thông tin cho Trung Quốc và Ấn Độ.
Các kỹ sư của Wipro ở Ấn Độ chẳng hạn. Họ đang giúp đỡ thiết kế các hệ thống dẫn đường cho xe hơi cho công ty Toshiba và thiết kế các máy quyét y tế cho công ty Olympus. Infosys thì đang thiết kế phần mềm cho công ty TNHH Fujitsu.
Ngân hàng đầu tư Daiwa Securities SMBC của Nhật chọn công ty Dịch vụ Tư vấn Tata để lập nên hệ thống giao dịch tự động quốc tế cho mình. Tata có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc thiết lập phần mềm kiểu này so với các đối thủ Nhật Bản và lấy phí ít hơn một nửa. Masaji Harada, trưởng ban IT của Daiwa tại Tokyo nói: “Đã có những quan ngại trong việc thuê một công ty Ấn Độ nhưng chúng tôi đã được thấy việc họ làm ở Mỹ và châu Âu và điều này đem tới cho chúng tôi sự tin tưởng . Để tồn tại, chúng ta phải có tính quốc tế hơn”.
Mối quan tâm của Nhật Bản dành cho dịch vụ “đánh thuê” một phần là do xu hướng toàn cầu, phần vì kết cấu dân số của nước này. Khi dân số Nhật già đi, Nhật sẽ không có đủ kỹ sư máy tính đáp ứng nhu cầu.
Để phục vụ các khách hàng Nhật, các công ty Ấn Độ đã cho các kỹ sư của mình tham gia các khóa học tiếng Nhật và văn hóa kinh doanh. Họ cũng gửi các nhân viên người Nhật tới Ấn Độ để tìm hiểu cách thức kinh doanh ở Ấn Độ.
Tuy rào cản ngôn ngữ là một trong những lý do khiến việc “đánh thuê” không được rầm rộ hơn, các công ty Ấn Độ cho rằng rào cản lớn nhất là văn hóa doanh nghiệp ở Nhật Bản. Việc thuyết phục các công ty giao phó một phần công việc cho các công ty khác có thể rất khó khăn. Các công ty Ấn Độ nói rằng các công ty Nhật cũng đòi hỏi sự hoàn hảo ngay cả khi điều đó mất nhiều thời gian. Ông Sriram của Infosys phát biểu: “Họ muốn sự hoàn hảo tuyệt đối và độ tin cậy hết sức mạnh mẽ”.
Nguồn tin Mai Hải (Lược dịch theo WSJ)