Nguyen Xuan Tai (Nguyễn Xuân Tài), Giám đốc dịch vụ tìm kiếm bằng tiếng Việt có tên là Socbay đã là người dám làm điều đó.
Tự nhận mình là một “con nghiện máy tính” và những “trò chơi” lập trình, Tài lớn lên tại Nghệ An, một vùng quê nghèo ở miền Bắc Việt Nam đã quyết định đưa ra một hành động dũng cảm: tuyên chiến và cạnh tranh với Google.
Theo như nhận định của Tài, Eric Schmidt, Tổng giám đốc Google mới chỉ đưa ra mức giá bằng một nửa giá trị thực của Socbay – công ty mà anh và một vài người bạn cùng lớp ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu gây dựng từ năm 2006. Theo Nguyễn Xuân Tài, Google sẽ phải trở lại với một bản hợp đồng khác có giá trị cao hơn nếu muốn tìm được đường tắt bước vào lĩnh vực tìm kiếm tiếng Việt.
Hiện tại, Socbay vẫn chưa có lợi nhuận và vẫn đang hoạt động từ một văn phòng nằm trong tòa nhà đang xây dở cùng với hệ thống máy chủ riêng. Tài và các nhà đầu tư mạo hiểm cho rằng Socbay sẽ đạt đến điểm hòa vốn trong vòng 3 năm nữa khi tập trung vào lĩnh vực tìm kiếm trên di động – lĩnh vực mà Google chưa thể thống trị thị trường Việt Nam, và định hình lại lĩnh vực tìm kiếm bằng tiếng Việt trong các nội dung bản địa khi môi trường Internet ngày càng được mở rộng.
Tài có cơ hội. Kinh doanh dịch vụ tìm kiếm bản địa không đơn giản. Google đã từng trải nghiệm điều này ở Trung Quốc. Doanh nhân Robin Li, người sáng lập web tìm kiếm Baidu đã đánh bại Google ở đại lục. Anh cũng đã từ chối lời đề nghị hợp tác của gã khổng lồ tìm kiếm Google đưa ra vào năm 2005 trước khi chính thức niêm yết cố phiếu lên thị trường chứng khoán.
Khát vọng của doanh nhân công nghệ trẻ ở Việt Nam đã gợi cho tôi nhớ lại những gì tôi đã từng chứng kiến ở Trung Quốc trong thập kỷ qua. Cũng như Trung Quốc cách đây 10 năm, Việt Nam đang có dân số trẻ, năng động, có các qũy đầu tư háo hức rót vốn vào các doanh nghiệp trẻ và thị trường mới mở đang tăng trưởng nhanh. Đó là cơ sở tốt cho các doanh nghiệp trẻ phát triển.
Một cuộc cách mạng truyền thông số đang diễn ra ở Việt Nam, đất nước hiện có 86 triệu dân. Việt Nam có tỷ lệ truy cập Internet tương đối cao với 26% dân số, 3 triệu người truy cập Internet băng rộng và 32 triệu thuê bao di động. Bên cạnh đó, Việt Nam bắt đầu có dịch vụ di động thế hệ mới 3G.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đã đến Việt Nam để rót vốn vào các doanh nghiệp kinh doanh Internet, di động và trò chơi trực tuyến. Đó là những lĩnh vực mà các quỹ đầu tư này đã từng thu lời trong giai đoạn đầu của cuộc bủng nổ dot-com ở Trung Quốc, điển hình là Baidu, Alibaba, Tencent, Focus Media và Shanda.
Từ khi chủ tịch tập đoàn IDG Group Patrick McGovern cắt băng khai trương quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam năm 2006. Quỹ đầu tư mạo hiểm của IDG, đã từng thu lợi hàng triệu USD từ việc đầu tư vào các công ty mới ở Trung Quốc trước đó, đã rót vốn vào 40 công ty Internet ở Việt Nam với số vốn đầu tư 100 triệu USD, trong đó có Socbay. Hai nhà đầu tư khác đến từ các tập đoàn tiếng tăm cũng đang bận rộn tìm doanh nghiệp mới rót vốn là Softbank China & India Holdings và DFJ VinaCapital Technology.
Gần đây, tôi đã ăn trưa với CEO Nguyễn Hòa Bình, doanh nhân trẻ mới 28 tuổi và là người xây dựng Chợ điện tử vào năm 2001 khi mới là sinh viên năm thứ hai ở Đại học Quốc gia.
Chợ điện tử, đã được cả IDG và Softbank đầu tư, hiện có hơn 500.000 người đăng ký với mục tiệu đạt 1 triệu vào năm tới. Mặc dù sống ở thị trường thẻ tín dụng và chuyển khoản không phổ biến, nhưng hoạt động kinh doanh của Chợ điện tử đang diễn ra thuận lợi với sự hỗ trợ của dịch vụ thanh toán trực tuyến. Chợ điện tử hiện đang là đối tác của eBay ở thị trường Việt Nam.
Trong một văn phòng nằm bên cạnh bờ sông Sài Gòn, tôi đã phỏng vấn một chủ doanh nghiệp người Việt khác có tên là Nguyễn Thành Vạn An – người sáng lập và hiện là Tổng giám đốc Vinabook.com, một mô hình kinh doanh sách trực tuyến “nhái” theo Dangdang.com của Trung Quốc nhưng thực chất là một phiên bản khác của Amazon.com.
Nguyễn Thành Vạn An đã đưa Vinabook lớn mạnh với số khách hàng lên tới hơn 200.000 trong vòng 5 năm và cũng giống như Dangdang, anh nhắm tới mục tiêu trở thành nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam với việc không chỉ kinh doanh sách mà còn cả phần mềm, phim ảnh, âm nhạc... Nguyễn Thành Vạn An đang khiến các hãng giao vận “đau đầu” theo cách mà Dangdang đang làm: Những cuốn sách được giao đến tay khách hàng bằng xe máy và thanh toán bằng tiền mặt.
Điểm đến tiếp theo của tôi là VinaGame, một công ty trị giá khoảng 50 triệu USD, đang làm ăn rất có lãi nhờ sự thống trị trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến và mạng xã hội. VinaGame đang trong quá trình tăng tốc để trở thành một Tencent hay Shanda (2 hãng công nghệ điển hình trong câu chuyện thành công ở Trung Quốc ) của Việt Nam.
Lê Hồng Minh, một game thủ có tiếng hiện giờ mới 32 tuổi, đã khởi lập VinaGame từ năm 2004 cùng với những người bạn chơi game khác sau khi có tấm bằng cử nhân tài chính từ trường đại học Monash của Australia và quyết định từ bỏ công việc tại một ngân hàng đầu tư.
Công ty của anh được đặt tại một nhà kho và được trang trí bằng những poster liên quan đến các “bom tấn” mà VinaGame đã và đang tung ra thị trường. Chúng khiến tôi hơi tò mò và nhớ lại những lần đến thăm các doanh nghiệp Internet hàng đầu của Trung Quốc.
Doanh nghiệp của họ dựa trên nguồn vốn đầu tư của các hãng đầu tư mạo hiểm, các nhân viên đều có cổ phần và tất cả cư xử với nhau như người trong gia đình.
VinaGame sẽ làm gì tiếp theo? Lê Hồng Minh tiết lộ rằng VinaGame sẽ tiến hành phát hành cổ phiếu ra công chúng trong một vài năm tới, có thể là tại các sàn chứng khoán quốc tế và đó sẽ là bước đệm để đưa công ty của anh tiến ra sân chơi toàn cầu.
Quốc Cường - Lê Trí
Theo Forbes