Đây là dự án được triển khai 3 năm (từ 2010 đến 2012) với mức đầu tư 60 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng, lấy chứng chỉ quy trình sản xuất theo chuẩn CMMi từ mức 3 trở lên.
Theo đó, dự án sẽ tập trung vào một số nội dung chính như: tổ chức đào tạo tập trung cho các cán bộ của các doanh nghiệp phần mềm và nội dung số về quy trình sản xuất phần mềm theo chuẩn CMMi, tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng chuẩn CMMi và hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp đánh giá đạt chứng chỉ CMMi.
Mỗi doanh nghiệp tham gia dự án, ngoài việc được hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo về CMMi còn được hỗ trợ khoảng 25.000 USD/1 doanh nghiệp cho việc tư vấn xây dựng, áp dụng quy trình, đánh giá, cấp chứng chỉ CMMi.
Việc sở hữu một chứng chỉ được quốc tế công nhận như CMMi sẽ giúp cho doanh nghiệp có được giấy thông hành bước vào thị trường phần mềm thế giới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn triển khai CMMi trong nước và quốc tế, thảo luận về phương pháp triển khai CMMi tại mỗi doanh nghiệp sao cho phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo đúng tiến độ mà vẫn nâng cao chất lượng và thành công của dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết: Tại Việt Nam hiện nay có nhiều doanh nghiệp tham gia và áp dụng chuẩn CMMi, nhưng số lượng đạt chuẩn này còn ít. Do đây là một tiến trình phức tạp, kinh phí lớn. Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ công nghiệp phần mềm và nội dung số, kết quả trong lĩnh vực này đã khá cao song vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của xã hội, với dự lần này là sự thể hiện quyết tâm của Chính phủ, trong phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số nước ta.
Như vậy, dự án này sẽ có 90 doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng, áp dụng, lấy chứng chỉ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMi từ mức 3 trở lên.
Bảo Hải