Vừa qua, Bộ TT&TT đã tổ chức hội thảo “Phát triển công nghiệp CNTT giai đoạn 2011 – 2015” nhằm nhìn lại những chặng đường phát triển của ngành trong 10 năm vừa qua và bàn hướng phát triển cho giai đoạn tới. Hội thảo này đã thu hút sự tham gia của các hiệp hội trong ngành CNTT, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp CNTT và các chuyên gia trong ngành.
Nhìn lại 10 năm qua
Theo tổng kết của Bộ TT&TT, trong 10 năm qua từ năm 2000 - 2009, ngành công nghiệp CNTT Việt Nam tăng trưởng trung bình hàng năm từ 20 - 25%. Trong đó, doanh thu công nghiệp phần cứng đạt 4,68 tỷ USD vào năm 2009, tăng gấp 8 lần so với năm 2000, công nghiệp phần mềm tăng từ 58 triệu USD vào năm 2000 lên 880 triệu USD năm 2009.
Ở mảng công nghiệp phần cứng, Việt Nam đã thu hút đầu tư trực tiếp hơn 5,7 tỷ USD từ các tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới như Intel, Canon, Fujitsu. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của Việt Nam đóng góp trong các dự án đầu tư của các tập đoàn này còn thấp do công nghiệp phụ trợ phát triển kém, mới chủ yếu sử dụng nhân công.
Ngành công nghiệp phần mềm hiện có tới 1.000 doanh nghiệp nhưng đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chỉ có 10 công ty quy mô 1.000 người trở lên, 200 công ty có từ 150-200 nhân lực. Bên cạnh đó, ngành phần mềm vẫn chưa thu hút được các hãng phần mềm lớn trên thế giới như Microsoft, SAP, Oracle đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
Ngành công nghiệp nội dung số là ngành mới nhưng có tốc độ phát triển cao, khoảng 40% mỗi năm liên tiếp trong 5 năm gần đây. Tuy nhiên, ngành này chủ yếu phát hành sản phẩm của nước ngoài hoặc cung các dịch vụ đơn giản trên di động như nhạc chuông, hình nền và game chứ chưa có những sản phẩm nội dung số nổi bật mang thương hiệu Việt.
Tìm ra chính sách đột phá mới
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng trong giai đoạn tới, ngành công nghiệp CNTT VN cần có những chính sách đột phá mới để tăng tốc. Ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng trong giai đoạn 2010 – 2015, để ngành công nghiệp CNTT, trong đó có công nghiệp phần cứng phát triển khả quan hơn, Chính phủ cần xác định công nghiệp phần cứng là một trong những ngành công nghiệp trọng yếu trong nền kinh tế quốc dân, để có sự quan tâm và đầu tư thích đáng, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính và hoàn thiện luật pháp để thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Hùng nhấn mạnh: “Chính phủ phải là 'bà đỡ' cho các dự án hạ tầng công nghiệp phần cứng, các chương trình khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm, linh kiện, vật liệu mới… Trong đó, một vấn đề rất quan trọng là cơ quan quản lý Nhà nước cần thường xuyên cập nhật các tiến bộ công nghệ để các văn bản pháp quy không bị lạc hậu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vì công nghiệp CNTT có tốc độ thay đổi rất nhanh”.
Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng các doanh nghiệp nói riêng và ngành CNTT nói chung cần tập trung đầu tư theo chiều sâu, chọn ra vài chuyên ngành để tập trung đẩy mạnh đầu tư tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sẵn sàng tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Cũng tại hội thảo, trên cơ sở kinh nghiệm thực tế của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, ông Dương Dũng Triều, Tổng Giám đốc công ty Hệ thống Thông tin FPT nhấn mạnh đến quan điểm “doanh nghiệp cần phải đi bằng 2 chân” - vừa phát triển phần mềm vừa triển khai dịch vụ phần mềm, trên cơ sở đó lấy thị trường trong nước làm bàn đạp tiếp cận phần mềm lõi của khách hàng, chuyển từ dịch vụ thấp (lập trình) sang tiếp cận với những lĩnh vực cao hơn như tư vấn, thiết kế, quản trị dự án…, dần tạo khả năng cạnh tranh với đối thủ đến từ nước ngoài.
“Để doanh nghiệp làm được điều đó, về phía Nhà nước cần phải tạo ra dự án lớn cho các doanh nghiệp trong nước triển khai, nâng cao vai trò tổng thầu theo hình thức Nhà nước đầu tư hoặc theo mô hình hợp tác công tư (PPP). Nhà nước cần tạo ra các cơ chế để có thể triển khai thành công định mức giá xây dựng phần mềm, dịch vụ phần mềm, chính sách đầu tư mua sắm phần mềm, cơ chế thuê đối tác nước ngoài, các văn bản pháp lý về hợp tác công - tư”, ông Triều cho hay.
Tại hội thảo, quan điểm của đại diện một số doanh nghiệp cũng nhấn đến vấn đề đặt trong thực tế hiện nay, các doanh nghiệp rất cần Nhà nước đứng ra bảo vệ thị trường trong nước trước sự cạnh tranh khóc liệt của đối tác nước ngoài như ban hành các quy định pháp lý ưu tiên doanh nghiệp trong nước, ưu tiên vai trò doanh nghiệp “nội” trong các dự án ODA, xúc tiến các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu phần mềm và dịch vụ phần mềm ra nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Giám đốc công ty VTC Intecom, hiện nay các doanh nghiệp nội dung số tại Việt Nam hoạt động rất độc lập, chưa có hiệp hội, không có sự chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp với nhau, do vậy Nhà nước cần sớm thể hiện được vai trò “nhạc trưởng” điều phối các hoạt động trong nước, tăng cường cung cấp thông tin về mô hình kinh doanh, thị trường trong nước và quốc tế cho cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng Nhà nước cần có chính sách để đảm bảo đảm bảo về mặt pháp lý cho các quỹ đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam, có chính sách ưu đãi thuế và đồng thời cũng đóng vai trò là người đặt hàng cho ngành nội dung số trong nước để phục vụ các dự án xã hội (như số hóa hệ thống sách giáo khoa, số hóa thư viện, bảo tàng…) để thúc đẩy trực tiếp sự phát triển cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Nguyên Đức
(theo ICTnews)