Cần thêm mô hình công viên phần mềm Quang Trung
Hội nghị lần này đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp có giá trị từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm giúp việc triển khai đề án trở nên thuận lợi hơn.
Mở đầu phần tham luận, ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung đã đưa ra những kiến nghị rất đáng cân nhắc. Ông cho rằng, Bộ TT-TT sớm đưa ra những chỉ đạo về việc triển khai mô hình đào tạo tập trung đối với ngành CNTT để từ đó có thể có một nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có kiến thức và có năng lực làm việc.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng vẫn còn đang là vấn đề cần được cải thiện nếu muốn đề án được triển khai nhanh chóng. Theo như ông Chu Tiến Dũng thì Bộ TT-TT cần phát triển thêm những mô hình phát triển kiểu như Khu phần mềm Quang Trung.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Bình, tổng giám đốc công ty điện tử HANEL cũng cho rằng cần xây dựng thêm nhiều khu vực, trung tâm đào tạo phần mềm tập trung để từ đó có thể có được một nguồn nhân lực dồi dào. Ngoài ra thì để thu hút nhân lực vào lĩnh vực CNTT cần có thêm nhiều ưu đãi để tạo sự cạnh tranh đối với những ngành nghề khác.
Là người rất tâm huyết với sự phát triển của ngành CNTT nhà, ông Trần Lương Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VietSoftware đã có rất nhiều đóng góp hữu ích trong phần tham luận của hội nghị,
Theo đó thì việc xây dựng chính sách và pháp luật về ngành CNTT là một trong những công việc cần được ưu tiên hàng đầu của Bộ TT-TT. Trong thời gian qua, dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh ngành CNTT nhưng phần lớn những văn bản này đã không đi được vào thực tế cuộc sống. Do vậy cần có thêm nhiều điều chỉnh cũng như những sửa đổi để có thể góp sức cho sự phát triển của ngành CNTT nước nhà.
Bên cạnh đó, ông Trần Lương Sơn cũng đề xuất một ý tưởng khác là thành lập ngày Công nghệ Thông tin Việt Nam để từ đó có tính chất động viên, sự hợp lực trí tuệ và tài nguyên của toàn quốc cho sự phát triển của ngành CNTT.
Là một người rất chờ đợi vào sự phát triển của nền giáo dục nước nhà, tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường đại học FPT đã đưa ra lời kêu gọi hợp tác giữa các trường đại học và các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Các doanh nghiệp sẽ tận dụng nguồn nhân lực được đào tạo về CNTT tại các trường đại học nhưng sinh viên tốt nghiệp tại đây sẽ phải đáp ứng đủ những yêu cầu về chuyên môn hay năng lực làm việc
Bộ trường Lê Doãn Hợp (giữa) cùng thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, Trần Đức Lai điều hành hội nghị.
|
|
Vẫn còn rào cản để sản xuât phần cứng
Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) cũng mang đến Hội nghị những đóng góp hết sức quý báu. Ông Nguyễn Phước Hải, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VEIA đã đề ra những mục tiêu mà hiệp hội đặt ra từ nay đến năm 2015 nhằm góp phần cho sự phát triển của ngành CNTT-TT nước nhà.
Về lĩnh vực phát triển công nghiệp CNTT, VEIA đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2015 sẽ làm chủ thiết kế và sản xuất được một số sản phẩm phần cứng trong lĩnh vực CNTT-TT. Nếu như dự án trên là khả thi, nền CNTT nước nhà sẽ có một bước tiến dài trong việc hoàn thành đề án đưa Việt Nam trở thành một nước mạnh về CNTT-TT.
Internet cũng là một phần rất quan trọng trong quá trình hoàn thành đề án, do vậy VEIA hy vọng sẽ có thể phổ cập việc sử dụng Internet băng thông rộng đến 20-30% số hộ gia đình trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam.
Hiện nay, những ứng dụng của CNTT là rất quan trọng trong nhiều ngành nghề quan trọng. VEIA đề ra mục tiêu phổ cập CNTT trong những lĩnh vực như giáo dục, y tế...
Bên cạnh những mục tiêu được gửi đến hội nghị, ông Nguyễn Phước Hải cũng đưa ra một số kiến nghị đối với Chính phủ cũng như Bộ TT-TT.
Ông Nguyễn Phước Hải đưa ra những đóng góp tại Hội nghị
|
|
Theo đó thì Chính phủ cần rà soát và chỉ đạo các bất cập cản trở phát triển sản xuất của các doanh nghiệp phần cứng như xử lý những vấn đề về thuế linh kiện cho quá trình sản xuất hay việc thực hiện nghiêm Thông tư 42 của Bộ TT-TT....
Việc phổ cập CNTT đã trở thành vấn đề hết sức cấp bách. Do vậy, VEIA kiến nghị Chính phủ cho phép được trở thành đầu mối chính tham gia các chương trình liên quan đến vấn đề này.
Một trong những biện pháp hữu hiệu để phổ cập CNTT là cung cấp nhiều máy tính giá rẻ đến người dân. Do vậy, VEIA rất kỳ vọng Chính phủ sẽ đưa ra những động thái nhằm giảm thuế cho người mua hoặc đưa ra những hình thức ưu đãi khác.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định Bộ TT-TT sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp tại hội nghị.
Bộ trưởng cũng cho rằng vai trò của doanh nghiệp trong việc thực hiện Đề án đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT là rất quan trọng. Theo đó thì doanh nghiệp là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Quốc gia; là lực lượng thực hiện các chính sách phát triển của đất nước; là lực lượng chủ đạo dẫn dắt các thành phần kinh tế cùng phát triển. Doanh nghiệp cũng chính là đầu nối, là nền tảng của hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng đề nghị các doanh nghiệp CNTT cần tiếp tục phát huy những điểm mạnh đã đạt được trong thời gian qua để tiếp tục phát huy trong thời gian tới để sớm hoàn thành đề án đưa Việt Nam thành nước mạnh về Công nghệ Thông tin - Truyền thông.
Hoàng Việt
(theo VTC News)