Thương vụ mua lại Skype đã được đại diện cấp cao của hai bên đồng thuận và nó sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Sau khi thuộc về Microsoft, Skype sẽ hỗ trợ các dịch vụ, thiết bị của hãng như Xbox, Kinect, Windows Phone hay PC chạy Windows. Ngoài ra, Microsoft cũng cho biết sẽ kết nối người dùng Skype với các dịch vụ như Lync, Outlook hay Xbox Live...
Tất nhiên, việc Microsoft mua lại Skype sẽ không ảnh hưởng tới người dùng Skype trên các nền tảng khác (không phải của Microsoft). Và Microsoft cũng đã hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ và đầu tư phát triển Skype trên các nền tảng khác như Mac OS, iOS hay Android...
Bản thỏa thuận cũng thống nhất rằng Skype sẽ là một mảng kinh doanh mới của Microsoft (gọi là mảng Microsoft Skype), nơi CEO của Skype, ông Tony Bates sẽ giữ chức chủ tịch. Ông sẽ là người báo cáo trực tiếp mọi vấn đề lên Steve Ballmer.
Skype sẽ trở thành một bộ phận trong Microsoft với sự dẫn dắt của Tony Bates, CEO cũ của dịch vụ này. Nó sẽ được tích hợp trong Windows 8, cũng như máy tính bảng và điện thoại chạy hệ điều hành của Microsoft, hứa hẹn giúp phần mềm này phổ biến hơn bao giờ hết.
Steve Ballmer, Tổng giám đốc Microsoft, nhận xét: "Skype là một hiện tượng trên Internet và được hàng triệu người yêu quý. Sát cánh bên nhau, chúng tôi sẽ tạo ra tương lai của giao tiếp thời gian thực, nơi mọi người dễ dàng kết nối với gia đình, bạn bè, khách hàng và đồng nghiệp trên khắp thế giới".
Một số chuyên gia phân tích tin rằng Microsoft mua Skype để thống lĩnh thị trường hội thảo truyền hình (video conference) nhưng nhận định mức giá 8,5 tỷ USD là quá "hào phóng" vì dù Skype rất phổ biến, nó vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận.
Skype, thành lập năm 2003 và có trụ sở tại Luxembourg, hiện thu hút tới 663 triệu người sử dụng toàn cầu (trong khi Facebook là 550 triệu thành viên). Năm 2006, sàn đấu giá trực tuyến eBay đã bỏ ra 2,6 tỷ USD để mua Skype trước khi bán đi 70% cổ phần công ty vào năm 2009 với giá 2 tỷ USD cho một số nhà đầu tư. Từ ngày 10/5, Skype thuộc về tập đoàn Microsoft.
Nguồn: BGR, Engadget