Tại sự kiện Triển lãm quốc tế Kỷ nguyên số Vietnam Consumer Digital World Expo (WCW) 2011, các chuyên gia của Hội tin học TP.HCM (HCA) đã trình bày báo cáo thường niên Toàn cảnh thị trường CNTT-TT.
Theo báo cáo, nếu so với ngành sản xuất - kinh doanh phần cứng; các doanh nghiệp thuộc ngành phần mềm trong nước có sự tăng trưởng tốt hơn. Số lượng hợp đồng gia công phần mềm (PM) tăng nhanh từ năm 2010 và dự kiến tăng đến 40% trong khoảng đầu năm 2011.
Xét tổng quan, ngành CNTT-TT Việt Nam vẫn đang có chiều hướng phát triển; doanh thu toàn ngành năm 2010 ước tính đạt 7 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2009. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng doanh thu ở các ngành lại không đồng đều; giữa các doanh nghiệp kinh doanh - sản xuất phần cứng/phần mềm, bán lẻ sản phẩm CNTT-TT, đào tạo nhân lực…
Ngành sản xuất - kinh doanh phần cứng trong năm 2010 có mức tăng trưởng dưới 15% nhưng chủ yếu nhờ sự đóng góp từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là có sự góp mặt của nhà máy sản xuất chip của Tập đoàn Intel. Trong khi đó, các doanh nghiệp lắp ráp máy tính thương hiệu Việt lại có sự sụt giảm báo động với mức âm 25%.
Đặc biệt, ngành đào tạo CNTT đã giảm khoảng 15% so với năm 2009; số lượng tuyển sinh trong 2 - 3 năm gần đây cũng có dấu hiệu sụt giảm. Theo nhận xét của một số chuyên gia trong ngành CNTT-TT, một số trường đại học gần đây đã không đủ số lượng tuyển sinh để mở khoa đào tạo. Tuy nhiên, dường như sự suy giảm về doanh thu ngành đào tạo CNTT mới chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến khối các trường/trung tâm đào tạo ngắn hạn.
Các doanh nghiệp gia công PM tại Việt Nam đang từng bước đi theo hướng chuyên sâu và dần dần mở rộng sang lĩnh vực gia công dịch vụ.
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM: Cơ hội mới cho các doanh nghiệp PM Việt Nam trong thời gian tới sẽ là Gia công quy trình nghiệp vụ kinh doanh (Business Process Outsourcing - BPO) và cung cấp Giải pháp quản trị thông minh (Business Intelligence) cho đối tác nước ngoài. Đồng thời, trên thế giới đang có sự chuyển dịch của các trung tâm dịch vụ toàn cầu đến các quốc gia có điều kiện về chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực tốt... Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam nếu chúng ta kịp thời nắm bắt.
Chí Thịnh
(theo PC World VN)