Đó là thông tin do các chuyên gia công nghệ thông tin đưa ra tại Hội nghị quốc tế kiểm thử phần mềm và kiểm thử tự động (VISTACON 2011) tại TPHCM. Hội nghị có chủ đề "Nâng cao những phương pháp thực hành trong kiểm thử phần mềm và tự động hóa”, do Tập đoàn LogiGear và Công ty MRD phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, nói rằng dù chưa có con số thống kê cụ thể, ngành phần mềm năm nay sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tốt và ước đạt hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Một trong những lĩnh vực có triển vọng trong những năm gần đây là ngành kiểm định phần mềm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Tập đoàn LogiGear, cho hay trong vòng 4 năm qua, Việt Nam liên tục được tổ chức AT Kearney (Anh Quốc) đánh giá là 10 điểm đến hàng đầu về kiểm định phần mềm trên thế giới. Riêng năm 2011, Việt Nam được xếp hạng thứ 8 trên thế giới.
Theo ông Hùng, thị trường kiểm định phầm mềm trên thế giới phát triển rất nhanh, đạt mức tăng trưởng hàng năm là 17% và giá trị thị trường đạt khoảng 9 tỉ đô la Mỹ. Việt Nam hiện đang giành một thị phần đáng kể khi mà những năm qua các công ty phần mềm trong nước nhận được nhiều hợp đồng kiểm định phần mềm từ các thị trường Nhật Bản, Mỹ và Bắc Mỹ.
Ông Harry Robinson, chuyên gia kiểm định phần mềm của Tập đoàn Microsoft, nói thế mạnh của Việt Nam là kiểm thử phần mềm và kiểm thử tự động. Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như nguồn nhân lực rẻ có sẵn trình độ kỹ thuật, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhanh, môi trường đầu tư an toàn, tỷ lệ thay đổi nhân sự thấp... Việt Nam có thể hy vọng sẽ trở thành đối tác kinh doanh nhiều tiềm năng và hấp dẫn trong ngành kiểm thử phần mềm.
Theo các chuyên gia, hiện nay Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các nước như Ấn Độ và Trung Quốc do gặp một thách thức đó là nguồn cung ứng nhân lực cho dự án của các công ty còn hạn chế. Tại Việt Nam, bình quân cứ 5 lập trình viên thì chỉ có một kỹ sư kiểm thử phần mềm, trong khi theo tiêu chuẩn quốc tế, tỷ lệ này là 1:3.
Vì vậy, ông Hùng cho rằng trong giai đoạn hiện nay, để cạnh tranh với các nước khác, Việt Nam phải chứng tỏ khả năng đáp ứng các dự án uy mô lớn mà khách hàng nước ngoài đang tìm kiếm. "Trong những năm qua, mặc dù vẫn nằm trong danh sách các nước gia công phần mềm tốt nhất, nhưng Việt Nam đã bị rớt hạng với lý do các dự án về quá nhiều mà nguồn nhân lực trong nước không thể đáp ứng", ông nói.
Thu Hiền
(theo TBKTSG)