Tại Hà Nội, lần đầu tiên Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT- TT) phối hợp với Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Hội thảo Triển khai nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với chủ đề “Công nghệ Thông tin – Hạ tầng của hạ tầng".
Trên 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan chức năng, chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học cùng nhiều doanh nghiệp uy tín trong ngành CNTT Việt Nam đã tham dự với mục đích quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng về vị trí và vai trò của CNTT trong hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia, cùng đó nhận diện cơ hội, thách thức cùng các định hướng, giải pháp và chương trình hành động để triển khai thành công Nghị quyết 13-NQ/TW.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, CNTT & TT ngày càng chứng tỏ là một trong những giải pháp tốt nhất để thực hiện thành công 3 khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 đến 2020 đã được Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra.
Do vậy, Nghị quyết TW số 13-NQ/TW đã khẳng định hạ tầng thông tin là một trong những hạ tầng thiết yếu, cần ưu tiên đầu tư, để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm của Trung ương Đảng, coi việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong từng ngành, từng lĩnh vực.
Bộ trưởng đã nêu ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính cần tập trung thực hiện để triển khai xây dựng hạ tầng thông tin theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TW gồm:
Một là, nghiên cứu, xây dựng chương trình hành động về phát triển Hạ tầng thông tin để đưa vào Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13.
Hai là, nghiên cứu, đề ra các giải pháp đặc thù, mang tính đột phá để đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển, khả năng làm chủ công nghệ nguồn, sản xuất được các sản phẩm lõi, sản phẩm trọng điểm về công nghệ thông tin; xây dựng các doanh nghiệp, tập đoàn CNTT mạnh.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son
Ba là, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế mạnh về tài chính và đầu tư nhằm huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực.
Bốn là, hoàn thiện thể chế, kiện toàn bộ máy chỉ đạo, tham mưu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ về CNTT & TT; hoàn thiện môi trường pháp lý.
Không khí tại hội thảo “nóng” lên khi các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến sôi nổi xoanh quanh chủ đề chính. Ông Vũ Mạnh Lợi, Phó viện trưởng Viện xã hội học, cho rằng, mục tiêu 'nước mạnh về CNTT' đã được thay bằng 'nước mạnh nhờ CNTT'. Việc nhìn nhận CNTT như một ngành là chưa chính xác, mà CNTT phải là hạ tầng của hạ tầng. Do đó, để thực hiện được điều này đòi hỏi cam kết chính trị ở mức cao nhất, cũng như phải đi kèm với đầu tư thỏa đáng.
Cùng với những đại biểu khác (TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW; TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông…), ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT kiêm Chủ tịch Hiệp hội VINASA, cũng bày tỏ trăn trở về ước mơ hiện đại hóa, về đi tắt đón đầu, về ước mơ CNTT. Nhưng, đây là một thách thức lớn vì nó đòi hỏi quá trình đầu tư đồng bộ thì mới đem lại kết quả…
Tổng kết Hội thảo, ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và khẳng định Ban Tuyên giáo và Bộ TT- TT sẽ cùng báo cáo những đề xuất, kiến nghị của các Hiệp hội lên Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ; những nội dung đề xuất kiến nghị thuộc thẩm quyền Bộ, ngành sẽ được nghiên cứu giải quyết sớm.
Thanh Trầm
Theo Dantri.com.vn