Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (Vinasa), đơn vị tổ chức Diễn đàn nhận xét, đây không phải là diễn đàn của ngành công nghệ thông tin bàn cách đưa công nghệ thông tin vào ứng dụng trong các ngành khác, mà là sự kiện để các ngành, các cấp bàn cách hiện đại hóa ngành mình, đơn vị mình bằng công nghệ thông tin, cũng như dùng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề bức xúc đang phát sinh trong cuộc sống”.
“Đây sẽ là diễn đàn của tầm nhìn mới, nhận thức mới để phát triển hệ thống hạ tầng và hiện đại hóa đất nước bằng công nghệ thông tin”, ông Bình nhấn mạnh.
Các diễn giả tham gia Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận các vấn đề “nóng” hiện nay trong hệ thống hạ tầng mà công nghệ thông tin có thể giúp giải quyết, đồng thời thảo luận về chiến lược và các giải pháp để hiện đại hóa hệ thống hạ tầng theo xu thế của thế giới là, xây dựng hạ tầng thông minh dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông. Cụ thể, ngoài phiên họp chính, sẽ diễn ra ào 4 tọa đàm chuyên đề là “Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam”; “Giảm tắc nghẽn, tai nạn giao thông bằng công nghệ thông tin”; “Công nghệ thông tin với đổi mới giáo dục - đào tạo” và “Thẻ công dân điện tử”.
Tại tọa đàm “Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam”, các diễn giả sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề bức xúc của đô thị hiện nay và những giá trị mới do thành phố thông minh đem lại. Với chuyên đề “Giảm tác nghẽn, tai nạn giao thông bằng công nghệ thông tin”, các diễn giả sẽ đưa ra những mô hình giao thông thông minh trên thế giới và định hướng ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển giao thông thông minh.
Theo bình luận của ông Bình, “công nghệ thông tin có thể giúp giáo dục đổi mới phương thức đào tạo, “thay vì nhồi nhét kiến thức sang phát huy năng lực cá nhân của người học”. Đồng thời, tạo được sự bình đẳng về cơ hội học tập giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo…; khắc phục tình trạng thiếu thầy, thiếu trường”.
Còn theo ông Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ (thuộc Vinasa), việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành không phải là của ngành công nghệ thông tin, mà là giúp các ngành khác chủ động đổi mới phương thức quản lý bằng công nghệ thông tin. Nghĩa là các ngành, các lĩnh vực phải có tư duy tích hợp quản lý bằng công nghệ thông tin ngay từ đầu.
Dự kiến, sẽ có khoảng 500 đại biểu trong nước và nước ngoài tham dự Vietnam ICT Summit 2012. Trong đó, có các diễn giả đến từ Liên minh Công nghệ thông tin thế giới (WITSA); Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) và khoảng 20 đại diện doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Bangladesh…
Ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Vinasa cho biết, các ý kiến, đề xuất tại Vietnam ICT Summit 2012sẽ được tổng hợp để đưa ra bản khuyến nghị chính thức với cơ quan quản lý nhà nước, với cộng đồng các doanh nghiệp, góp phần triển khai thành công Nghị quyết 13 - NQ/TW cũng như Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13 - NQ/TW, giúp hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia bằng công nghệ thông tin.
Theo baodautu.vn