"Khát" nhân lực
Ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP.HCM - nhận định: CNTT là một trong những ngành phát triển nhanh nhất trong các ngành kinh tế. Còn theo Bộ Thông tin và truyền thông, nhu cầu nhân lực CNTT mỗi năm tăng 13%. Bên cạnh công nghệ phần cứng, phần mềm hay mạng máy tính quen thuộc lâu nay, thị trường ngành này thay đổi hằng năm với sự góp mặt và phát triển nhanh ở các lĩnh vực như: tích hợp hệ thống, công nghệ di động, thương mại điện tử, game... Hiện nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong ngành rất rộng mở, trong đó có nhiều vị trí "khát" trầm trọng như: lập trình di động, điện toán đám mây, quản trị mạng, chuyên gia bảo mật và an ninh mạng,..
Về thị trường việc làm, phó giám đốc đơn vị phần mềm chiến lược số 17 (FPT Software) Trịnh Trúc Linh cho rằng ngoài làm việc trong nước, các kỹ sư CNTT tại VN cũng có rất nhiều cơ hội làm việc tại các thị trường khác như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Pháp... Các dự án hợp tác với đối tác nước ngoài ngày càng mở rộng, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư Việt tại thị trường quốc tế cũng tăng mạnh hằng năm, theo ông Linh, đó là tín hiệu đáng mừng về việc làm lẫn thu nhập cho các bạn trẻ theo đuổi ngành CNTT.
Đòi hỏi kỹ năng mềm
Từng có thời gian thực tập rồi làm việc bán thời gian tại các công ty chuyên về công nghệ phần mềm trước khi đi làm, Mai Hải Yến (23 tuổi, kỹ sư phát triển phần mềm Công ty Robert Bosch VN) cho rằng quãng thời gian thực tế đó đã giúp cô thích ứng nhanh với công việc hiện tại. "Dù chỉ là kỳ thực tập nhưng ngoài yêu cầu chuyên môn, nhà tuyển dụng còn đòi hỏi rất cao về các kỹ năng mềm lẫn trình độ ngoại ngữ" - Yến thừa nhận.
Có vốn ngoại ngữ khá, có kỹ năng mềm và chuyên môn tốt, nên vừa ra trường Yến nhanh chóng được ký hợp đồng chính thức với mức thu nhập tương đối ổn, khả năng thăng tiến cao.
|
|
Chưa giỏi ngoại ngữ, làm việc nhóm còn yếu
Tại ngày hội, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp chuyên ngành CNTT lẫn chuyên gia việc làm, khoảng cách giữa đào tạo tại các trường ĐH, CĐ, kể cả trường trung cấp với thực tế nhu cầu sử dụng nhân lực ngành CNTT tại doanh nghiệp còn khá xa. Các nhà tuyển dụng đánh giá đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn chưa giỏi kiến thức, ngoại ngữ lẫn kỹ năng mềm. Theo thống kê của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, tại lĩnh vực CNTT chỉ có khoảng 15% lượng sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thuận Thành, giám đốc nhân sự Công ty Robert Bosch VN, nhìn nhận các cử nhân CNTT mới vào làm còn vướng nhiều khó khăn về kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp... Theo đó, bên cạnh việc rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn của các tân kỹ sư, công ty phải mở thêm các lớp tập huấn kỹ năng mềm, tạo điều kiện làm việc thực tế liên tục để các bạn trẻ chóng hòa nhập với môi trường doanh nghiệp.
"Sau khi tuyển dụng, chỉ khoảng 20% ứng viên vào làm đáp ứng được nhu cầu về tay nghề lẫn các kỹ năng cần thiết theo đòi hỏi của công ty chúng tôi" - ông Vương Bảo Long, giám đốc nhân sự Công ty LogiGear VN, cho biết. Theo ông Long, thực tế khả năng ứng viên ngành CNTT thích ứng nhanh với công việc rất khó khi các bạn ít trau dồi kỹ năng mềm thời đi học.
Từng hợp tác làm việc với nhiều đối tác lớn trong và ngoài nước, bà Cao Phương Hà - tổng giám đốc Jobstreet VN - nhắn nhủ tới các kỹ sư CNTT: "Thành thạo ngoại ngữ là chìa khóa hữu hiệu hỗ trợ các bạn trong công việc". Đó cũng là nhận định chung của tất cả chuyên gia, nhà tuyển dụng ngành CNTT trước sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và cơ hội việc làm của ngành này tại thị trường quốc tế ngày càng rộng mở.
Thực tế cho thấy thị trường nhân lực và đầu ra của ngành CNTT có chiều hướng phát triển mạnh về số lượng, chất lượng lẫn yêu cầu chuyên nghiệp trong nhiều năm tới. Nhưng hiện nay, vấn đề cung - cầu nhân lực của ngành này đang tồn tại nhiều nghịch lý khi doanh nghiệp "khát" người, đặc biệt là thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi nhiều sinh viên CNTT lại rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp hoặc phải làm việc trái ngành.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Phần mềm VN (Vinasa), hiện tổng nhân lực CNTT của VN khoảng 250.000 người (trong đó có khoảng 50.000 người trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số). Ước tính trong năm năm tới, các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu tuyển dụng 411.000 người có trình độ chuyên môn về CNTT. Tuy nhiên, mỗi năm cả nước cũng chỉ đào tạo được khoảng 60.000 nhân lực.
Theo hướng quy hoạch nhân lực quốc gia đến năm 2020, Việt Nam cần 1 triệu lao động trong lĩnh vực CNTT.
Nhu cầu tuyển dụng ngành CNTT cao nhất
Trong những tháng đầu năm, nhu cầu tuyển lao động trực tuyến cao nhất rơi vào nhóm ngành CNTT, đó là nhận định của trang web tuyển dụng VietnamWorks thông qua báo cáo chỉ số tuyển dụng trực tuyến quý 1-2013. Đặc biệt ở Đà Nẵng, nhu cầu tuyển lao động ngành CNTT vào đầu năm tăng gấp 3 lần. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang ráo riết tìm nhân lực các ngành điện tử, tư vấn, dệt may và da giày, dược phẩm và công nghệ sinh học.
Theo báo cáo, tình hình tuyển dụng trực tuyến của quý 1-2013 có dấu hiệu khả quan so với thời điểm cùng kỳ năm 2012, dự báo một năm có thị trường nhân lực ổn định.
Hải Thi
|
|
Bình Thanh
(theo báo Tuổi Trẻ)