CNTT Việt Nam: Nhanh tăng trưởng - “nóng” nhân sự
Posted: 7/2/2015.
50% nhân viên IT tham gia một khảo sát cho biết sẽ chuyển việc trong vòng 6 tháng tới. Kết quả khảo sát cũng cho thấy muốn tuyển và giữ được nhân sự IT chất lượng cao, các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành này cần có những động thái để cải thiện môi trường làm việc cũng như văn hóa doanh nghiệp.
Văn phòng Công ty sản xuất phần mềm Atlassian tại Việt Nam.
Tăng trưởng ngành nhanh
Ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tiếp tục tăng trưởng nhanh tại Việt Nam. Theo Diễn đàn Toàn cảnh công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (VIO) diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh tháng 7/2014, Việt Nam nằm trong 10 nước đứng đầu trên toàn cầu về cung cấp dịch vụ outsourcing. Tổng doanh thu từ ICT năm 2013 là 39 tỷ USD, tăng 55% so với năm 2012. Nếu xu hướng này tiếp tục, tốc độ tăng trưởng sẽ giữ nguyên trong năm 2014, 2015.
Sự phát triển mạnh mẽ đã đem đến những thử thách mới cho các công ty thuộc lĩnh vực ICT, trong đó thách thức hàng đầu là tuyển dụng và giữ chân nhân viên có kỹ năng tốt để phát triển công việc kinh doanh.
“Nóng” nhu cầu nhân sự
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, giai đoạn 2013 – 2018, nhu cầu lao động ngành công nghệ thông tin (CNTT) của các doanh nghiệp trong nước là hơn 400.000, nhưng mỗi năm cả nước chỉ đào tạo được khoảng 60.000 nhân lực.
“Hầu hết các khách hàng của chúng tôi đều có nhu cầu tuyển dụng thêm trong năm 2015. Họ sẽ tuyển thêm 10%, 25% thậm trí là 50% số lượng nhân viên mới”, ông Chris Harvey - CEO và sáng lập ITviec.com, một trong những website tuyển dụng hàng đầu về lĩnh vực CNTT cho biết.
Theo ông Chris: “Lực lượng lao động chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng. Các công ty đang cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút và giữ chân những nhân viên tài năng để có thể phát triển công việc kinh doanh của mình”.
Hiền Nguyễn - Giám đốc tuyển dụng và đào tạo Công ty Robert Bosch Engineering and Business Solutions của Đức chia sẻ: “Nhân viên IT giỏi ở Việt Nam có rất nhiều lựa chọn, bởi mọi người đều muốn thuê họ. Phát triển con người và giữ chân nhân viên là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của chúng tôi”.
Sebastien Auligny, Group Studio Manager khu vực Đông Nam Á của một công ty game di động của Pháp, Gameloft nói: “Nhân viên IT Việt Nam có tài năng. Cạnh tranh để có được những người làm IT trình độ cao đang tăng lên. Tại Gameloft, chúng tôi hiểu rằng đào tạo nhân viên theo tiêu chuẩn quốc tế và cơ hội để nhân viên làm việc với công nghệ mới sẽ giúp chúng tôi thu hút và giữ chân những người tài”.
Mong muốn của nhân viên IT
Một khảo sát tiến hành với 500 nhân viên IT chất lượng cao tại Việt Nam của ITviec đã “hé lộ” những mong muốn và nhu cầu của họ:
- Tạo điều kiện học hỏi, training và cơ hội thăng tiến. Đào tạo tại nước ngoài được đặc biệt xem trọng.
- Tạo ra những công việc thử thách và thú vị.
- Cung cấp cơ hội làm việc lâu dài với một sản phẩm.
- Cải thiện mối quan hệ giữa cấp quản lý và nhân viên.
Số liệu từ cuộc khảo sát cũng cho thấy công ty trực tiếp sản xuất và công ty nước ngoài có lợi thế tuyển dụng hơn so với công ty làm dịch vụ (outsourcing) và công ty Việt Nam.
Nhân viên IT mong muốn được làm việc với một sản phẩm dài hạn hơn so với nhiều dự án ngắn hạn trong các công ty outsourcing.
Các công ty nước ngoài được cho là có chương trình đào tạo và môi trường làm việc tốt hơn công ty Việt Nam.
Theo đó, yêu cầu đặt ra đối với các công ty outsourcing và doanh nghiệp Việt Nam trong ngành này là hạn chế những điểm yếu và cạnh tranh hiệu quả bằng cách nâng cao chất lượng chương trình đào tạo nhân viên cũng như cải thiện mối quan hệ giữa cấp quản lý với nhân viên.
Kim Ngọc
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Các tin mới:
TopDev: Năm 2019 Việt Nam thiếu hụt tới 90.000 nhân lực CNTT.
Đào tạo công nghệ 4.0 cho giảng viên các trường đại học.
7 lý do để chọn Laravel Framework cho phát triển Website.
Báo cáo xu hướng ngành IT năm 2018.
Săn nhân tài CNTT không dựa vào bằng cấp.
Các tin cũ hơn:
Khan hiếm nhân lực Công nghệ thông tin.
Những tài năng 8x bỏ học để theo đuổi đam mê máy tính.
Microsoft đẩy mạnh phát triển Windows Phone tại Việt Nam.
Thị trường dịch vụ CNTT tại Việt Nam sẽ tăng gần 13%.
F-Town ồ ạt tuyển quân.