Mô hình mở
Triết lý cơ bản của mô hình sáng tạo mở là làm thế nào tạo sân chơi trên đó mọi thành viên tham gia đều có thể tạo ra giá trị và tìm kiếm lợi nhuận cho bản thân, đó cũng là cách thức chia sẻ sự thịnh vượng cho các thị trường mới nổi trên khắp thế giới.
Trước đây, hãng sản xuất thiết bị (phần cứng) thường cần hợp tác hoặc liên minh với một số hãng phần mềm - ví dụ: Nokia hợp tác với Symbian, HTC hợp tác với Microsoft (sử dụng phiên bản MS-Smartphone hoặc Windows CE) cho thiết bị phần cứng của mình - và tạo ra cái gọi là nền tảng. Mô hình kinh doanh truyền thống nhấn mạnh tới vai trò nền tảng (cụ thể là tạo ra rào cản với các hãng khác). Các hãng chỉ mở nền tảng cho các thành viên trong liên minh. Ngay cả những nỗ lực làm chuẩn cũng chỉ buộc họ phải tuân thủ một vài chuẩn công nghiệp, nhưng trong các lĩnh vực mới mẻ, phát triển nhanh chóng, chuẩn đôi khi lại do một số hãng đi đầu quyết định.
Google và Android
Vậy làm thế nào để các công ty phần cứng chỉ tập trung vào việc phát triển phần cứng còn những nhà sản xuất phần mềm có được đảm bảo phần mềm của họ có thể chạy, vận hành trên bất cứ thiết bị phần cứng nào?
Giải quyết đúng bài toán trên, hãng Google đã cho ra mắt nền tảng mở Android dành cho điện thoại di động. Điểm đặc biệt của giải pháp này là bản chất Android không phải là một dự án cụ thể. Nôm na, đây là một chuẩn các kiến trúc và giao tiếp mà phần mềm và phần cứng đều phải tuân thủ. Khi đó, nếu các hãng phần cứng hoặc phần mềm cùng tuân theo chuẩn nền tảng mở này (Android) thì các sản phẩm của họ có thể sử dụng chung lẫn nhau. Lợi ích là các hãng phần cứng có thể sản xuất thiết bị chạy được nhiều phần mềm, còn các hãng phần mềm có thể viết phần mềm chạy trên nhiều thiết bị của nhiều hãng phần cứng khác nhau. Kết quả là nền tảng mở không chỉ mở ra cơ hội đối với các hãng sản xuất thiết bị hoặc phần mềm đã có trước đây trên thị trường, nó còn tạo ra cơ hội cho rất nhiều hãng mới gia nhập cuộc chơi và cùng tìm kiếm lợi nhuận. Vậy Google được gì trên sân chơi này? Ai cũng biết Google là một gã khổng lồ về dịch vụ trên mạng Internet, nhưng với thế giới di động thì Google không thể đọ với các hãng khác đang kinh doanh rất thành công ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, trào lưu của thế giới chắc chắn sẽ là di động hóa tất cả mọi thứ. Google không thể đứng ngoài làn sóng này. Vậy là hãng đã tạo ra một sân chơi mới để kết nối các hãng sản xuất thiết bị, phát triển phần mềm... cùng sử dụng các dịch vụ mạng của hãng. Với thế giới di động, các nhà sản xuất (cả cứng và mềm) đều không thể phủ nhận vai trò của các dịch vụ mạng. Và thế là, Google bằng một nền tảng mở, đã mở toang cánh cửa bước sang thế giới di động!
MOBLIN.ORG - Đòn phản kích từ Intel
Cùng nhìn ra trào lưu về thế giới di động, gã khổng lồ sản xuất chip vi xử lý Intel không thể ngồi im nhìn các hãng khác làm mưa làm gió trên thị trường và Moblin (Mobile Linux) ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
Vài năm trở lại đây, xu thế đưa hệ điều hành (HĐH) Linux lên các thiết bị điện thoại di động đã được một vài hãng thực hiện như: Motorola, Nokia, Samsung... song không phải lúc nào cũng thành công. Lý do nằm ở đâu? Các hãng này thực hiện tất cả các khâu: từ thiết kế HĐH, sản xuất thiết bị, viết phần mềm ứng dụng (hoặc do một số đối tác tham gia liên minh)... Do đó, cộng đồng phát triển chậm, các ứng dụng còn hạn chế. Đặc biệt lối tiếp cận lấy phần mềm nguồn mở làm thành các dòng sản phẩm đóng (hay hỗ trợ các giải pháp đóng) không được cộng đồng tán thành, do đó thiếu đi sức mạnh vốn có của cộng đồng nguồn mở (Linux là một thành tựu từ cộng đồng này). Kết quả là, dù có một vài tiến bộ nhưng chưa có nhiều mẫu mã sản phẩm và các ứng dụng thiết thực như đối với các sản phẩm điện thoại truyền thống. Vì thế, các dự án đưa Linux lên điện thoại di động đều dừng lại với một chút thành công nho nhỏ không đáng kể.
Không đồng tình với cách tiếp cận truyền thống - làm lấy tất cả, Intel đã đưa ra nền tảng Moblin dành cho tất cả các nhà sản xuất thiết bị (sử dụng chip của Intel) và các nhà phát triển phần mềm một nền tảng hợp nhất để vừa có thể làm ra thiết bị cho nhiều người sử dụng và viết phần mềm cho rất nhiều dạng phần cứng khác nhau (trên cùng một chuẩn duy nhất – MOBLIN). Nắm vững thế mạnh của mình, Intel đặt điều kiện, tất cả các thiết bị đều phải sử dụng chip Atom (bộ vi xử lý hứa hẹn tiết kiệm năng lượng và có năng lực xử lý đáp ứng yêu cầu của thiết bị kết nối Internet). Đương nhiên, khi đó, nếu các hãng phát triển phần mềm không viết trên nền tảng Moblin, thì cũng không thể triển khai trên các thiết bị mà các nhà sản xuất sử dụng vi mạch Atom. Ít ra đó là khẳng định từ bộ phận phát triển chiến lược phát triển phần mềm và nền tảng Moblin.org của Intel.
Mở Symbian - phản ứng của Nokia
Thế giới di động vốn là điểm mạnh từ trước tới nay của Nokia, với thế mạnh về công nghệ và thị phần thống lĩnh, Nokia có vẻ còn chần chừ với cuộc chơi nền tảng mở. Dù sao “muộn còn hơn không”. Mới đây Nokia đã tuyên bố mua lại Symbian (HĐH dành cho điện thoại di động nổi tiếng trên các dòng điện thoại Nokia). Và ly kỳ hơn nữa, Nokia tuyên bố sẽ công bố toàn bộ mã nguồn của (HĐH) để biến Symbian trở thành một “nền tảng mở”. Chưa biết chiến lược của Nokia có thành công hay không. Chắc chắn Nokia sẽ phải phấn đấu để tạo ra các dịch vụ mạng mang lại tiện ích cao như Google đã làm, hoặc làm cách nào đó để vượt qua điểm yếu hiện tại của hãng trên khía cạnh này.
Thay lời kết
Như chúng ta đã thấy, ngày nay thế giới đang vận hành với một tinh thần cởi mở và hợp tác mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nói khác đi, thời của mô hình mở đã đến. Một trong những nguyên tắc của mô hình mở là cần phải “lôi kéo được số đông”. Nếu càng có nhiều người lên sân chơi của anh, tham gia mô hình của anh, và tìm kiếm lợi nhuận trên sân chơi do anh kiến tạo thì cơ hội thành công của anh càng lớn. Mô hình mới đã ra đời và thế giới đang chuyển dịch sang vận dụng sáng tạo mô hình này vào công việc sản xuất, kinh doanh.
Nếu là như vậy, tại sao Nokia không hợp tác hoặc gia nhập vào kiến trúc Android (Google) hoặc Moblin.org (Intel)? Câu hỏi này chỉ có các nhà lãnh đạo Nokia mới có thể trả lời. Chúng ta đang được chứng kiến một cuộc chiến về mô hình mở trong lĩnh vực thế giới di động. Cho dù ai chiến thắng thì người sử dụng và ngay cả các hãng cung cấp thiết bị hoặc sản xuất phần mềm cũng đều được lợi. Chúng ta có thể hy vọng về khả năng hợp nhất giữa ba thực thể: (i) kiến trúc thiết bị di động của Nokia; (ii) kiến trúc bộ vi xử lý của Intel (thể hiện qua Atom) và (iii) dịch vụ mạng của Goolge.
Nguyên Hà - Tổng hợp từ Internet
(theo PC World VN)