Với một máy tính đang dùng, bạn khó mà khai thác hết khả năng của các phần cứng. Vậy mà đôi khi bạn lại phải mua thêm máy tính mới để làm một công việc gì đó hơi khác biệt, chẳng hạn như để chuyên test các phần mềm mới cho an toàn. Chính vì vậy, để khai thác triệt để tính năng của các phần cứng, các công nghệ ảo hóa hệ thống (dùng các phần mềm chuyên dụng) lần lượt ra đời, giúp người dùng tiết kiệm được chi phí mua sắm phần cứng trong những trường hợp không cần thiết.
Lợi ích của ảo hóa
Theo ông Phùng Hải, trưởng ban an toàn mạng và hệ thống thuộc chi Hội an toàn thông tin (VNISA) phía Nam, ảo hóa giúp người dùng tận dụng hết công suất tối đa của phần cứng máy tính nhằm phục vụ cho các nhu cầu chạy nhiều phần mềm hoặc hệ điều hành trên cùng một máy tính, hoặc thử nghiệm tính bảo mật của các chương trình mới như trình duyệt web. Ở mức độ chuyên sâu hơn, ảo hóa có thể ứng cứu nhanh chóng các thảm họa bất ngờ xảy ra, hoặc tạo một môi trường cách ly để chạy, thử nghiệm chương trình, hệ thống ứng dụng...
Với công nghệ ảo hóa, bạn vô tư thử nghiệm các ứng dụng mà không sợ ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống hiện tại, đồng thời không tốn chi phí phát sinh. Theo kết quả khảo sát của IDC về ảo hóa, năm 2004, trên thế giới mới chỉ có khoảng 136.000 máy chủ dùng công nghệ ảo hóa, nhưng đến nay, con số này đã xấp xỉ 1 triệu.
Một số loại ảo hóa thường dùng
- Ảo hóa phần cứng: Hình thức ảo hóa này do nhà sản xuất thiết bị quyết định. Chẳng hạn, Intel thường tích hợp thêm các công nghệ ảo hóa vào CPU, mainboard để gia tăng sức mạnh cho hệ thống như tắt, mở và xử lý các lỗi hệ thống từ xa.
- Ảo hóa bằng phần mềm: Cách ảo hóa này đang được dùng khá phổ biến. Đối với người dùng máy tính gia đình, các thủ thuật chơi game Playstation trên máy tính hoặc cài các ứng dụng vốn dĩ chỉ chạy trên điện thoại di động vào máy tính để thử nghiệm... không còn xa lạ nữa. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, các thủ thuật trên được dựa vào phương pháp ảo hóa hệ thống, tức là bạn sẽ cài phần mềm chuyên dụng để tạo môi trường giả lập nhằm chạy các chương trình tương thích với môi trường đó mà không ảnh hưởng đến hệ điều hành thực thụ đang dùng trên máy tính thực hiện ảo hóa. Các phần mềm có tính năng như vậy được xếp vào nhóm phần mềm phục vụ cho ảo hóa.
Còn để tạo ra một máy tính ảo phục vụ cho các nhu cầu cài thêm hệ điều hành mới (như Mac, Linux, Unix...), người ta có thể dùng một trong các phần mềm VMWare, Parallel, VirtualBox... Với máy tính ảo tạo được, người dùng dễ dàng thiết lập và cài hệ điều hành cần dùng rồi biến thành một máy chủ cung cấp dịch vụ hosting cho một hay nhiều website, hoặc cài các chương trình thử nghiệm vào. Không chỉ dừng lại ở một máy ảo, tùy thuộc vào tài nguyên hệ thống còn lại, người dùng hoàn toàn có thể tạo thêm nhiều máy ảo khác. Hiện nay, cách làm này thường được các dịch vụ cung cấp hosting thực hiện để bán hosting cho từng khách hàng lưu trữ website. Đối với các dịch vụ cung cấp hosting, ảo hóa không chỉ giúp họ giảm chi phí đầu tư phần cứng cho máy tính, nó còn giảm chi phí thuê không gian đặt máy chủ.
Ở các hệ thống máy tính cần tính ổn định cao như ngân hàng, bệnh viện..., bằng việc dùng máy ảo, người quản trị hệ thống có thể nhanh chóng thay thế một máy chủ khác loại vào máy chủ đang bị hư mà không cần phải thiết lập lại các yếu tố về phần cứng.
- Mạng ảo: Với những phần mềm ảo hóa chuyên dụng phục vụ cho môi trường mạng máy tính, những người quản trị mạng hoặc các học viên đang theo học ngành mạng máy tính có thể tạo ra các hệ thống mạng theo đúng mô hình thử nghiệm (nhiều switch ảo, card mạng ảo, mạng đa tầng...) mà không cần phải đầu tư hay nhờ vả vào các hệ thống mạng thật ở các công ty.
Nhược điểm của ảo hóa
Bên cạnh những tính năng nổi trội của việc ảo hóa, người ta cũng tìm thấy một số nhược điểm do chính ảo hóa gây ra.
Đầu tiên, đó là vấn đề bảo mật và lưu trữ vật lý. Thông thường, mỗi máy ảo chỉ dùng một tập tin để lưu tất tần tật những gì diễn ra trong máy ảo. Do vậy, nếu bị kẻ gian lấy tập tin này là xem như mất tất cả.
Kế tiếp, nếu máy tính có cấu hình phần cứng thấp nhưng cài quá nhiều chương trình ảo hóa, máy tính sẽ chậm và ảnh hưởng đến tất cả các chương trình khác.
Chính vì tập trung vào một máy tính nên nếu máy tính bị hư thì toàn bộ các máy tính ảo đã thiết lập trên nó cũng bị ảnh hưởng theo. Và ở góc độ bảo mật cũng vậy, nếu hacker khai thác được lỗ hổng trên máy tính phục vụ ảo hóa thì có thể kiểm soát được tất cả các máy ảo có trong nó.
Thân Tiến Nam
(theo báo Khoa Học Phổ Thông)