Nguy cơ mới - cách phòng chống mới
Hiểu một cách đơn giản, doanh nghiệp muốn hoạt động thì cần xây dựng một hệ thống thông tin cho riêng mình, từ hệ thống email, hệ thống server, lưu trữ dữ liệu… Để có được hệ thống này, với phương cách truyền thống, doanh nghiệp phải sắm phần cứng như server, thiết bị lưu trữ, các phần mềm lớp giữa và các ứng dụng. Nhưng với điện toán đám mây, doanh nghiệp không cần phải sắm sửa những thứ đó mà có thể đi thuê.
|
So sánh mô hình dịch vụ CNTT truyền thống với điện toán đám mây. |
Theo Steve Chang, Người sáng lập kiêm Chủ tịch Trend Micro, điện toán đám mây đang tác động thậm chí làm thay đổi mọi thứ trong ngành CNTT. 3G, ảo hóa, Googe, Facebook… sẽ ngày càng phổ biến và đặt ra nhu cầu truy cập mọi lúc, mọi nơi. Kéo theo đó là vấn đề an ninh cũng thay đổi từ cách tấn công, yêu cầu về tính riêng tư, các loại tội phạm, cách ngăn chặn… Vì vậy, công nghệ bảo mật cũ không thể phát huy hiệu quả. Quan điểm của Trend Micro trong vấn đề này là phải dùng công nghệ mới để giải quyết vấn đề bảo mật, phòng chống virus theo xu hướng mới (xu hướng sử dụng điện toán đám mây - PV).
Từ tầm nhìn đó, Trend Micro đã chọn Việt Nam làm điểm nhấn cho thị trường bảo mật đám mây trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mở đầu bằng sự kiện ra mắt văn phòng tại Hà Nội và ký kết hợp tác với VDC Net2E. Theo Steve Chang, “tôi muốn thông qua các hoạt động của Trend Micro tại Việt Nam để giúp các doanh nghiệp ở đây thấy được thế giới đang đi đến đâu, từ đó có các chính sách phù hợp để theo kịp công nghệ của các nước trên thế giới”.
Thông qua việc hợp tác với Trend Micro, VDC - Net2E sẽ cung cấp dịch vụ phòng chống các nguy cơ trực tuyến liên quan tới đánh cắp dữ liệu và lây nhiễm virus vào các máy tính theo mô hình CES-SP (Comsumer Endpoint Security for Service Providers – bảo mật điểm cuối cho các khách hàng cá nhân của các nhà cung cấp dịch vụ). Giải pháp này được chạy trên nền tảng Smart Protection Network (hạ tầng bảo mật nội dung thế hệ mới trên nền tảng điện toán đám mây) cho phép bảo vệ tức thời khỏi các nguy cơ mới nhất, ngăn chặn các nguy cơ trước khi chúng xâm nhập vào hệ thống mạng của khách hàng.
Điện toán đám mây là cơ hội cho Việt Nam
Theo ông Steve Chang, điện toán đám mây là cơ hội cho những nước đang phát triển như Việt Nam bởi sẽ có rất nhiều doanh nghiệp chưa đủ khả năng để tự xây dựng cơ sở hạ tầng của riêng mình. Steve Chang cho rằng điện toán đám mây sẽ là một xu hướng tất yếu giống như câu chuyện ngành điện. Cách đây 100 năm, doanh nghiệp muốn khởi sự phải tự xây dựng máy phát điện. Nhưng 20 năm sau đó, đã có nhà máy điện ra đời. Ông cũng so sánh mô hình của điện toán đám mây (IaaS, PaaS, SaaS với các dịch vụ CNTT truyền thống (server/storage, Middleware, Application) như một sự thay thế tương đồng.
Nhận định của Steve Chang không phải là cá biệt. Theo IDC dự đoán, đến năm 2013, tại châu Á – Thái Bình Dương, chi phí cho các dịch vụ “trong đám mây” công cộng sẽ chiếm 10% tổng số chi phí về CNTT-TT và hàng năm, chi phí cho các dịch vụ “trong đám mây” công cộng tăng gấp 4 lần so với các giải pháp CNTT truyền thống khác.
Đặt giả thiết, nếu không có điện toán đám mây ở Việt Nam, điều gì sẽ xảy ra? Theo Steve Chang, sẽ: Không có tài năng phần mềm trong tương lai; Lợi nhuận bị giảm do chi phí trả cho bên trung gian (doanh nghiệp phân phối) quá nhiều; Thiếu kỹ năng xây dựng Data Center (trung tâm dữ liệu) cho riêng mình - ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Quan trọng hơn, theo Steve Chang, Việt Nam cần nghĩ đến “nền độc lập” trong CNTT, nếu không, sẽ bị phụ thuộc trong một môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Theo những gì Steve Chang được biết, một số công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam như FPT cũng đang tích cực cử nhân viên ra ngoài để học hỏi về điện toán đám mây. “Đây là một tín hiệu cho thấy Việt Nam đang đi theo xu hướng của thế giới và điều này là rất tốt bởi nó giúp Việt Nam có thể cạnh tranh trong môi trường CNTT toàn cầu”, Steve Chang nhận định.
|
Ông Steve Chang, người sáng
lập kiêm chủ tịch Trend Micro.
|
Trend Micro Incorporated là công ty chuyên về bảo mật nội dung trên Internet, tập trung vào lĩnh vực bảo mật các thông tin số hóa trao đổi trên mạng, thành lập năm 1988, trụ sở đặt tại Tokyo. Người sáng lập kiêm Chủ tịch Trend Micro - ông Steve Chang vừa được trao giải "Thành tựu trọn đời" trong khuôn khổ giải thưởng Lãnh đạo Doanh nghiệp châu Á 2009 do CNBC trao tặng vì tầm nhìn và khả năng lãnh đạo xuất sắc đã giúp công ty thành công không chỉ ở khu vực châu Á mà trên khắp thị trường toàn cầu trong nhiều năm qua.
Ngay từ khi mới thành lập, Trend Micro đã xác định chiến lược kinh doanh với những khác biệt lớn: sáng tạo ra những phần mềm mới chứ không lặp lại của người khác; doanh nghiệp phải mang tính toàn cầu chứ không chỉ trong khu vực; phải sáng tạo ra thương hiệu riêng và xây dựng văn hóa doanh nghiệp đặc trưng.
Steve Chang vẫn thường được báo chí thế giới gọi là "Bill Gate của châu Á".
|
Vũ Nga
Theo PCWorld VN