Sự khởi đầu
Có thể nói, điện toán đám mây bắt đầu nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất chỉ từ khi có sự tham gia của Google. Theo trang tin công nghệ TechCrunch thì trước Google đã có những công ty nhỏ, lẻ tiên phong đi trước tham gia phát triển các nền tảng ứng dụng theo công nghệ điện toán đám mây. Tuy thế, do những ứng dụng này là nhỏ, không có phạm vi ảnh hưởng rộng nên điện toán đám mây vẫn được xem như một công nghệ mang tính thử nghiệm hơn là một công nghệ có vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc sống và kĩ thuật – như thời điểm bây giờ nó đang thể hiện.
Sự tham gia của Googe với nguồn tiềm lực tài chính dồi dào vào những khoản đầu tư lớn cho hàng loạt sản phẩm rất nổi tiếng của công nghệ điện toán đám mây đã tạo cú hích mạch cho nó bước lên một giai đoạn khởi sắc mới. Một bình luận viên của tờ New York Times nhận định, Google không phải là người làm ra điện toán đám mây nhưng nhờ có công ty này, thế giới mới biết đến điện toán đám mây.
Bất chấp một vài thất bại với Google Chromium, là hệ điều hành hoạt động trên nền tảng đám mây nổi tiếng nhất do chính Google phát triển cùng với các hệ điều hành điện toán đám mây khác trong quá khứ thì cho tới thời điểm hiện tại, dường như nhiều người đã quen dần với việc sử dụng các ứng dụng của công nghệ này và thậm chí, trong nhiều lĩnh vực là không thể không có chúng. Hiện tại, Google vẫn là một trong những tên tuổi đầu tư mạnh nhất cho điện toán đám mây với hàng loạt các sản phẩm rất nổi tiếng như dịch vụ ứng dụng văn phòng Google Documents, bản đồ trực tuyến Google Maps, …
Bên cạnh Google, những hãng công nghệ lớn như IBM, HP, … cũng tham gia tích cực vào thị trường này với những sản phẩm chất lượng. IBM thậm chí còn tuyên bố muốn xây dựng một thế giới thông minh hơn trong tương lai dựa trên khả năng tương tác giữa mọi thiết bị có trong đời sống thông qua chính các ứng dụng trong môi trường điện toán đám mây của chính mình.
Microsoft nhập cuộc
Trong quá khứ, Microsoft tỏ ra khá thờ ơ với công nghệ này với nhiều lí do khách quan lẫn chủ quan khác nhau, tuy thế - các chuyên gia nhận định rằng, nguyên nhân chính có lẽ là do những sản phẩm chủ lực của Microsoft không hề “đụng chạm” tới công nghệ này. Mặt khác, một số ứng dụng điện toán đám mây của các hãng khác như bộ ứng dụng văn phòng, hệ điều hành trực tuyến, … của Google, IBM, Zoho, … lại đe dọa trực tiếp đến “nồi cơm” của đại gia này nên Microsoft gần như không hề có bất kì động thái nào tỏ rõ sự quan tâm của mình đến chúng. Tuy thế, Microsoft đã và đang thay đổi quan điểm ấy.
Về lí thuyết thì điện toán đám mây là mô hình điện toán sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng Internet. Ở mô hình điện toán này, mọi khả năng liên quan đến công nghệ thông tin đều được cung cấp dưới dạng các “dịch vụ”, cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ một nhà cung cấp nào đó “trong đám mây” mà không cần phải có các kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ đó, cũng như không cần quan tâm đến các cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ đó.
Nói cách khác, điện toán đám mây là khái niệm tổng thể bao gồm cả các khái niệm như phần mềm dịch vụ, Web 2.0 và các vấn đề khác xuất hiện gần đây, các xu hướng công nghệ nổi bật, trong đó đề tài chủ yếu của nó là vấn đề dựa vào Internet để đáp ứng những nhu cầu điện toán của người dùng
Theo nhận định của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, khả năng bảo mật cũng như “không miễn phí” của điện toán đám mây là những lí do khiến người tiêu dùng ngại ngùng khi tiếp cận với công nghệ trên nhưng nó lại mang đến những mức lợi nhuận lớn cho các công ty phát triển chúng. Theo đó, nếu một bộ Microsoft Office được đem bán trên thị trường thì tỉ lệ người mua hàng “thật” chỉ là 1/1.000 hoặc cao hơn, nghĩa là có tới 999 người dùng các bộ Microsoft Office đã được crack và cho phép tải tự do tràn lan trên mạng. Điều này khiến Microsoft thất thu lớn. Vấn nạn crack còn nghiêm trọng đến mức, mặc dù Microsoft đã quyết định hạ giá bán hệ điều hành Windows ở Trung Quốc xuống mức rất thấp nhưng người dân tại nước này vẫn thích sử dụng các sản phẩm đã mở khóa hơn là mua Microsoft Windows bản gốc.
Công nghệ điện toán đám mây là một trong những cứu cánh cho Microsoft và nhiều hãng kinh doanh phần mềm khác. Theo ông Andrew Pickup, tổng giám đốc tiếp thị của Microsoft châu Á-Thái Bình Dương thì “với điện toán đám mây, người dùng vẫn có quyền sở hữu, sử dụng và kiểm soát dữ liệu của mình. Họ cũng có quyền được biết nhà cung cấp dịch vụ sẽ sử dụng công nghệ bảo mật nào, và đây chính là cơ sở, là căn cứ để khách hàng lựa chọn nhà cung cấp phù hợp”. “Chỉ có 15% sức mạnh xử lí của hệ thống IT tại các doanh nghiệp đang được sử dụng thường xuyên mà thôi. 85% còn lại luôn nằm ở trạng thái “chờ” - một sự lãng phí khủng khiếp trên quy mô toàn cầu. Việc chuyển sang điện toán đám mây sẽ giúp phân bổ lại sự bất hợp lí này” – ông Pickup nhận định.
Mô hình khép kín
Các chuyên gia thường ví von điện toán đám mây giống như mô hình mà Apple đang sử dụng trên iPhone và iPad. Hệ điều hành iOS kết nối trực tiếp với máy chủ Apple và người dùng chỉ có thể mua, cài đặt các ứng dụng từ iOS trên App Store. Việc cài các phần mềm khác không có nguồn gốc đều bị từ chối và nếu cố gắng làm việc đó thì iOS có khả năng… tự sát để bảo vệ bản quyền cho nhà sản xuất ra iPhone. Sự việc trên khiến tình trạng “hàng giả”, “hàng nhái” hay các phần mềm crack trên iPhone vẫn có, nhưng chiểm tỉ lệ không lớn so với người dùng “hàng thật”.
Mô hình điện toán đám mây cũng thế nhưng cao cấp hơn, theo một chuyên gia, người dùng mua một ứng dụng và sẽ cài nó trực tiếp lên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. Do đó, tất cả các ứng dụng đều không thể bị làm giả, crack hay bất cứ điều gì tương tự. Như vậy, việc Microsoft và nhiều công ty khác tham gia điện toán đám mây là không nằm ngoài mục đích giúp họ kiểm soát bản quyền sản phẩm tốt hơn. Tuy thế, người tiêu dùng cũng sẽ có được những lợi ích nhất định, trong đó đáng kể nhất là giá của các phần mềm sẽ được giảm khá nhiều. Một đại diện của Microsoft xác nhận rằng, nếu doanh nghiệp sử dụng bộ Office “online” thì giá sẻ giảm hơn rất nhiều so với bộ Office “offline” (cài trong máy) và được nâng cấp miễn phí trong khi chi phí sử dụng hàng năm cực thấp. Doanh nghiệp cũng không cần đầu tư nâng cấp phần cứng mà có thể sử dụng các máy tính cũ để sử dụng các phiên bản phần mềm mới nhất mà không gặp bất kì trở ngại gì. Như vậy, trước tình trạng các hệ điều hành Windows và bộ sản phẩm văn phòng Microsoft Office liên tục bị vi phạm bản quyền ở nhiều nước trên thế giới, nhất là khu vực châu Á thì các bộ sản phẩm Office “online” hoạt động trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây sẽ giúp hạn chế hiện tượng trên. Photoshop hiện cũng từng bước thử nghiệm dịch vụ Photoshop trên nền web có thu phí của mình, trong khi nhiều công ty phát triển các dịch vụ biên tập phim trực tuyến có trả phí cũng đang “rục rịch” tung ra sản phẩm. Tất cả đều hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây và cho thấy những khả năng làm việc rất tốt.
Tăng tốcTương lai của công nghệ có lẽ sẽ là điện toán đám mây và các hãng lớn liên tục tăng tốc cho nó. Vào cuối tháng 10 tại hội nghị PDC 2008, Microsoft đã giới thiệu Azure – một hệ điều hành “đám mây” độc đáo nhằm mang đến cho cộng đồng các nhà phát triển ứng dụng cơ hội được xây dựng và cung cấp các dịch vụ trực tuyến trên nền tảng cơ sở hạ tầng Windows. Windows Azure tách biệt hoàn toàn các ứng dụng chạy trên các lớp hệ điều hành ứng dụng công nghệ ảo hóa của Microsoft. Điều này cho phép các nhà quản trị không cần phải nâng cấp từng PC độc lập khi ứng dụng được chỉnh sửa và như vậy, hệ điều hành này không cần nhiều đòi hỏi về phần cứng hơn khi so với Google Chromium.
Chưa dừng lại ở đó, Microsoft còn tiếp tục tung lên mạng bộ công cụ Office trực tuyến của mình để bất kì ai cũng có thể sử dụng. Mặc dù động thái này được xem là quá trễ khi mà Google Documents đã “bắt rễ” sâu trong lòng người dùng nhưng nó cũng phản ánh quyết tâm của Microsoft trong việc chinh phục nền tảng công nghệ mới trên. Hàng loạt các hội thảo liên quan đến điện toán đám mây đã được Microsoft đứng ra tổ chức và bảo trợ. Mới đây, Microsoft lại bắt đầu với chiến dịch “Hành trình tới công nghệ điện toán đám mây” để mang các ý tưởng của công nghệ này đến với nhiều quốc gia trên thế giới và thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác với nhiều doanh nghiệp có tiếng tăm tại địa phương. Tại Việt Nam, ngày 02/03/2011, trong sự kiện ngày hội thảo “Hành trình tới công nghệ điện toán đám mây”, Microsoft đã mời được được hơn 300 chuyên gia IT và các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp tới tham dự và đã kí thỏa thuận hợp tác với FPT để cùng xây dựng và phát triển dịch vụ điện toán đám mây.
“Ai sẽ chặn công nghệ này lại? Có thể sẽ là hacker”, một vài chuyên gia đã bình luận như vậy sau khi thừa nhận tương lai tươi sáng của công nghệ này.
Năm 1999, trang web Salesforce.com chính thức tiến hành áp dụng công nghệ điện toán đám mây với hàng loạt các ứng dụng và người dùng có thể truy xuất chúng từ xa để lưu trữ lên đó dữ liệu, lịch làm việc,… Cho đến nay, Salesforce.com vẫn tiếp tục hoạt động và được xem như một trong những nguồn dữ liệu điện toán đám mây lớn nhất trên thế giới.
Trong thập niên 1980, Margaret Lewis, lúc đấy là giám đốc tiếp thị của AMD, đã đầu tư mạnh cho công nghệ được khởi đầu bởi một nhà kĩ sư có tên J. C. R. Licklider. Công nghệ này bao gồm một nhóm máy chủ mà trên đó nhiệm vụ lớn được chia thành những tác vụ nhỏ để chạy song song, được xem là một máy chủ ảo. Nhiều nhà khoa học máy tính hàng đầu lúc đó như John McCarthy, … cũng đã tham gia vào kế hoạch này và đưa thêm nhiều ý tưởng nhằm giúp hoàn thiện công nghệ trên.
Từ đó, thuật ngữ điện toán đám mây (cloud computing – do Margaret Lewis đặt) đã xuất hiện trong các phương tiện thông tin đại chúng lẫn sách giáo khoa về công nghệ. Kể từ những năm 1960 đến những năm 1990, khi công nghệ Web 2.0 ra đời, điện toán đám mây đã có được những bước phát triển thần kì bắt nguồn từ những ứng dụng điện toán lưới cho đến điện toán theo nhu cầu (utility computing) và phần mềm dịch vụ (SaaS).
Theo Tạp chí Khám Phá Mobile Review (số 51, ra ngày 10/4/2011)