Các đặc tính của HTML5 đã và đang được nói đến rất nhiều. Ngôn ngữ web này sẽ kế tiếp sự nghiệp của HTML4. HTML5 là phiên bản sửa đổi thứ 5 của ngôn ngữ World Wide Web: the Hypertext Markup Language (HTML) – đây được xem là ngôn ngữ chung của web. Nhóm Web Hypertext Application Technology Working Group (WHATWG) đã bắt đầu nghiên cứu về các đặc tính của HTML5 từ tháng 10/2009, dưới dự án Web Applications 1.0.
Năm 2022 mới hoàn thiện
Mặc dù hiện nay HTML5 được nói đến rất nhiều và các công trình nghiên cứu về HTML5 đã bắt đầu từ giữa những năm 2000, song các đặc tính kỹ thuật của nó dự kiến sẽ được hoàn thiện vào tận năm 2022. HTML4 chính thức xuất bản vào năm 1999.
Chính xác thì các công trình nghiên cứu về HTML5 bắt đầu vào tháng 6/2004, do các tổ chức World Wide Web Consortium HTML Working Group (W3C HTML WG) và WHATWG cùng phối hợp thực hiện.
Ian Hickson, biên tập kỹ thuật của HTML5, nói ông hy vọng những đặc tính kỹ thuật của HTML5 sẽ được trình lên W3C Candidate Recommendation vào năm 2012 và lên W3C Recommendation vào năm 2022. Tuy nhiên, nhiều đặc tính kỹ thuật của HTML5 đã ổn định và có thể được ứng dụng ngay từ bây giờ.
Theo Hickson, khung thời gian đệ trình và thử nghiệm kỹ thuật HTML5 là:
- Dự thảo đầu tiên gửi lên W3C vào tháng 10/2007.
- Dự thảo cuối cùng vào tháng 10/2009.
- Kêu gọi thử nghiệm vào năm 2011.
- Bản Đề cử (Candidate Recommendation) vào năm 2012.
- Dự thảo bộ thử nghiệm đầu tiên vào năm 2012.
- Dự thảo thử nghiệm thứ hai vào năm 2015.
- Phiên bản thử nghiệm cuối cùng vào năm 2019.
- Phát hành lại Dự thảo Last Call Working Draft vào năm 2020.
- Đề cử dự kiến vào năm 2022.
HTML5 sẽ thay thế HTML4, DOM2 HTML và XHTML 1.
Với HTML5, sẽ không cần đến các công nghệ độc quyền
Ngôn ngữ web HTML5 ra đời nhằm mục đích giảm bớt sự phụ thuộc và cần thiết của những công nghệ ứng dụng Internet độc quyền như Adobe Flash, Microsoft Silverlight và Sun JavaFX. Tuy nhiên, phải mất rất nhiều năm nữa mới đạt đến mục tiêu đó. Ngôn ngữ HTML4 không cho phép nhúng hay kiểm soát các nội dung đa phương tiện, trái lại, các yếu tố video và audio mới của HTML5 cho phép các nhà phát triển nhúng và kiểm soát các nội dung đa phương tiện mà không cần đến Flash. HTLM5 còn cho phép giao tiếp 2 chiều với máy chủ, vì thế các nhà phát triển có thể thử nghiệm game, chat, điều khiển từ xa...
Những tính năng của HTML5 như Canvas, lưu trữ nội bộ và Web Workers cho phép các nhà phát triển nâng cấp trình duyệt web theo những cách mà công nghệ trước đó không cho phép. Opera Software được xem là hãng đi đầu trong việc triển khai công nghệ HTML5 trong trình duyệt của hãng.
Tất cả các hãng trình duyệt lớn hiện nay, như Mozilla, Opera, Microsoft, Apple và Google đều đang tham gia định hình các đặc tính kỹ thuật của HTML5 và hỗ trợ ngôn ngữ web mới này, dù các đặc tính vẫn chưa được thông qua cuối cùng.
Trình duyệt Chrome của Google hiện đã có một số tính năng HTML5 như video tag. Vì thế cho đến nay, các trình duyệt Google Chrome, Apple Safari, Opera và Firefox đều hỗ trợ video HTML5. Tuy vậy, Opera và Firefox không hỗ trợ phiên bản mã h.264 dùng cho các video của YouTube và Vimeo. Trong khi đó, Internet Explorer của Microsoft lại chưa hỗ trợ video HTML5. Tuy vậy, người dùng IE có thể sử dụng video HTML5 bằng cách cài đặt thêm plug-in nguồn mở Chrome Frame của Google. Hiện nay YouTube và Vimeo cũng đã tuyên bố hỗ trợ video HTML5. Hệ điều hành webOS của Palm cũng hỗ trợ cơ sở dữ liệu HTML5 và Palm cũng hỗ trợ tính năng bản đồ dựa trên HTML5 trên Palm Pre.
Microsoft đã bắt đầu triển khai HTML5 trong Internet Explorer 8. Đại gia phần mềm đang bổ sung các tính năng HTML5 như lưu trữ nội bộ, điều hướng AJAX.
Thu Hường
(theo eWeek)