Mặc dù trào lưu HD xuất hiện từ năm 2010 nhưng chỉ lác đác cục bộ ở một số xu hướng liên quan đến các hình thức giải trí cá nhân, thay vì trở thành một dịch vụ được cung cấp phổ biến.
Ngay cả đối với các kênh truyền hình HD của VTC hay K+ thì người dùng vẫn không mấy mặn mà bởi nguồn nội dung thiếu tính cập nhật. Chất lượng hình ảnh, âm thanh chưa thực sự là HD nguyên gốc mà vẫn chỉ nội suy cũng như giá thành lắp đặt cao, số lượng kênh nội dung hạn hẹp.
Năm 2012, sự tham gia ào ạt của các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong lĩnh vực IPTV hứa hẹn sẽ là một làn sóng mới cho các thuê bao có sẵn đường truyền Internet. Với mức cước chỉ từ 70 ngàn đồng/tháng thuê bao, rõ ràng những tiện ích nội dung trên nền IPTV khá hấp dẫn so với mức giá, khi mà giá thuê bao truyền hình cáp hiện tại đã xấp xỉ 80 ngàn đồng/tháng.
Đại diện một số đơn vị cung cấp IPTV như Viettel, VNPT cho biết, trong năm nay sẽ triển khai thêm nhiều nội dung đạt độ phân giải cao trên nền tảng này. Với các kênh truyền hình sẵn có được nâng lên độ phân giải HD như các kênh phim truyện, âm nhạc, thời trang thì các ISP này cũng đẩy mạnh việc phát triển nội dung của dịch vụ Video on Demand. Thuê bao sử dụng các dịch vụ này sẽ mãn nhãn trên các nội dung HD gồm phim ảnh theo yêu cầu hay thậm chí là cả các phim bộ.
Tốc độ đường truyển Mobile Internet qua 3G sẽ được nâng cấp lên tối đa |
|
Cũng theo trào lưu này, đại diện của một số kho nhạc Internet như Zing, Nhacuatui cũng tiết lộ kế hoạch trong năm 2012 với lộ trình nâng cấp kho dữ liệu của mình lên chuẩn âm thanh chất lượng cao từ 320 Kbps cho tới lossless (định dạng âm thanh không nén).
Để vận hành các nội dung số chất lượng cao, không thể không kể đến các dịch vụ Internet tốc độ cao đang được triển khai tại Việt Nam. Nếu như năm 2011 Internet cáp quang vẫn chưa được mấy khách hàng mặn mà bởi giá thành lắp đặt cũng như thuê bao tháng còn cao thì ngay trong Quý IV/2011, việc các ISP hạ giá sàn dịch vụ đưa về khung giá xấp xỉ cước ADSL được cho là một bước tiến lớn đối với hạ tầng viễn thông Internet Việt Nam.
Bên cạnh đó, Mobile Internet cũng là cái tên đang lên theo trào lưu 3G. Năm cũ qua đi với khá nhiều phàn nàn về chất lượng dịch vụ càng dùng... càng chậm thì năm 2012 này, các mạng lớn nhỏ như VinaPhone, Viettel hay cả Vietnamobile đều đưa ra lộ trình lên 3,5G HSPA+ với tốc độ lên tới 21,6 Mbps. Tuy nhiên, giá thành ban đầu của dịch vụ này chắc chắn không rẻ và có lẽ sẽ được nhà mạng tung ra kèm các dịch vụ gia tăng theo gói (Video, Music on demand nền di động).
Nhiều dịch vụ đi xuống và bão hoà
Bên cạnh xu hướng đang lên của thị trường viễn thông mới, năm 2012 cũng báo trước những dấu hiệu xuống sức của những dịch vụ đang hoạt động mà điển hình nhất có thể kể tới là Game Online.
Sau một năm 2011 nhiều bê bối cả trong game như việc các NPH đột ngột tuyên bố ngưng vận hành game, bỏ rơi người chơi cho tới các sự việc ngoài game như cuồng dại vì game mà gây trọng án, năm 2012 trước những hình thức mạnh tay hơn, chắc chắn Game Online sẽ khó có cửa phát triển.
Game Online ngày càng tỏ dấu hiệu xuống sức trên thị trường Việt cùng với vô vàn hệ luỵ tới xã hội |
|
Trong một động thái gần đây của các nhà cung cấp dịch vụ Internet, hình thức ngắt đường truyền cũng như kết nối tới máy chủ Game Online sau 23h đêm tới 6h sáng hôm sau đã và đang bắt đầu triển khai triệt để.
Không chỉ với các gói cước quán Net, ngay cả với một vài gói cước cá nhân cũng bị liệt vào "danh sách đen" này và chắc chắn doanh thu Game Online sẽ không còn được như những năm trở về trước.
Nằm trong tầm ngắm lao dốc của dịch vụ viễn thông năm 2012, Internet ADSL cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức với việc thuê bao rời mạng. Đối với người dùng ít nhu cầu, hướng lựa chọn sẽ chuyển sang các kết nối cơ động hơn thông qua dịch vụ 3G. Trong khi đó một bộ phận khách hàng có nhu cầu truy cập dữ liệu lớn và nhiều sẽ chuyển hẳn sang mạng cáp quang FTTH.
Theo một thống kê gần đây từ các CP, các nội dung trên di động như Java, game tương tác cũng đã ngày một ít khách do nguồn nội dung thiếu tính mới mẻ và đột phá. Manh nha một vài CP triển khai Game Online trên di động bước đầu cũng thu được một vài con số khả quan nhưng theo nhận xét của các chuyên gia trong ngành thì cũng chỉ trụ được 1,2 năm nếu như không có những nội dung bứt phá.
Năm 2012 được dự báo là năm đầy bất ổn của nền kinh tế, vì vậy, ngoài các dịch vụ gia tăng mang tính nền tảng như Internet, HDTV thì xem ra đây không phải là năm thuận của các dịch vụ nội dung số. Các nhà cung cấp dịch vụ nội dung Việt Nam vẫn cần sáng tạo hơn nữa trong việc cung cấp các dịch vụ nội dung có giá trị giải trí và tính gắn kết với người dùng để từ đó tạo nên một cộng đồng khách hàng thông minh, bền vững về dịch vụ và doanh thu.
(theo Vietnamnet)