Trong rất nhiều cập nhật mới của Google tại hội thảo, Android Auto gây chú ý bởi hệ điều hành này đánh dấu bước lấn sân của Google sang lĩnh vực mới: ứng dụng thông minh dành cho các thiết bị chuyển động. Như vậy, cùng với Android Wear dành cho thiết bị đeo, mặc trên cơ thể người như đồng hồ, mắt kính, Google đã tiến thêm một bước nữa trong công nghệ điều khiển bằng giọng nói. Kết hợp cùng trợ lí ảo Google Now, hệ điều hành mới sẽ mang đến nhiều tiện lợi hơn cho người cầm lái thông qua chế độ điều khiển rảnh tay. Cụ thế, tài xế chỉ cần dùng giọng nói để mở nhanh ứng dụng như Google Maps, gọi điện khẩn cấp, nhận cuộc gọi, để lại lời nhắn… Android Auto sẽ tương thích với nút điều khiển, cần gạt, tay lái trên xe. Tương lai với những chiếc xe thông minh có thể trò chuyện, định vị địa điểm, vượt chướng ngại vật…như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng có lẽ không còn xa với tốc độ phát triển hiện nay của công nghệ.
Android trên ô tô có thể sẽ nghe/hiểu các câu hỏi
của tài xế và đáp ứng thông tin ra màn hình. Ảnh: Internet.
Android Auto một lần nữa chứng minh nhận định của nhiều chuyên gia công nghệ trên thế giới trong thời gian gần đây. Theo đó, sự phát triển của công nghệ giọng nói và sự xuất hiện của các hệ điều hành thông minh sẽ là bước phát triển tiếp sau màn hình cảm ứng. Giọng nói sẽ tạo ra cuộc cách mạng khoa học mới trong tương lai.
Tuy nhiên, ngay cả bản thân các nhà phân tích cũng chưa thể hình dung được quá trình này có thể diễn ra nhanh chóng như vậy. Kể từ sự ra mắt của Siri vào năm 2011, chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, hàng loạt trợ lí ảo như Google Now, Cortana… của Google, Microsoft trên các thiết bị di động, các hệ điều hành như Android Wear, Android Auto đã ra đời kéo theo nhiều sản phẩm thông minh mang đột phá với tính ứng dụng cao như đồng hồ (Gear Live, Moto 360, G Watch…), mắt kính (Google Glass).
Thậm chí, việc nhắn tin bằng văn bản vốn dựa vào thao tác chạm, gõ vào màn hình cảm ứng cũng dần dần được thay thế bằng tin nhắn thoại với chế độ rảnh tay trên các ứng dụng OTT. Nổi tiếng nhất trong thời gian gần đây là cập nhật tính năng nhắn tin thoại của Apple vào Imessage. Tính năng này vốn được nhiều OTT như Zalo, Viber…tích hợp vào sản phẩm từ lâu. Sự phát triển của ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí có lẽ sẽ không dừng lại ở các thiết bị di động như hiện tại mà rất có thể các OTT sẽ di chuyển lên các thiết bị như đồng hồ, mắt kính, xe hơi…để đảm bảo các kết nối của con người trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Khi đó, với sự hạn chế của màn hình cảm ứng, các tương tác thoại bắt đầu phát huy giá trị của mình.
Công nghệ xử lý giọng nói tiếp tục thay đổi phương thức giao tiếp.
Các OTT như Zalo, Facebook, imessage đã sớm bổ sung tính năng ghi âm
và gửi tin nhắn thoại. Ảnh: Tinh Tế..
Tuy nhiên, cuộc cách mạng về giọng nói chỉ có thể thực sự bùng nổ nếu như những hạn chế hiện tại sớm được khắc phục. Các chuyên gia cho rằng, công nghệ lọc tạp âm còn kém khiến cho việc thao tác bằng giọng nói hầu như không phát huy hiệu quả trong môi trường nhiều tiếng ồn. Dù vậy, với tốc độ phát triển của công nghệ như hiện tại, chúng ta có quyền lạc quan rằng nhược điểm này sẽ sớm được giải quyết trong thời gian tới.
Theo GenK