Mỏ vàng lớn
Tới đây, người dùng di động tại Anh sẽ chứng kiến cuộc đối đầu lịch sử giữa Apple và Google. iAds, một chương trình chạy quảng cáo bên trong các ứng dụng do Apple khởi xướng, sẽ được ra mắt tại Anh vào tháng 9. Trong khi đó, Google lại sử dụng một phương pháp tiếp cận mà Eric Schimidt, giám đốc điều hành của hãng, đặt tên là "di động trước tiên" (Mobile first). Phương pháp này ưu tiên đầu tư vào phương tiện truyền thông cơ bản và gần gũi với cuộc sống.
Khi iPhone bắt đầu tiếp cận thị trường đại chúng và số lượng iPad bán ra hàng tuần lên tới 200.000 chiếc thì việc Apple quyết định bán quảng cáo di động chắc chắn sẽ thu hút mạnh mẽ sự chú ý của giới truyền thông
Đầu tháng 6 vừa rồi, Steve Jobs, giám đốc điều hành của Apple giới thiệu i.Ads với các kĩ sư phát triển tại San Francisco. Đoạn quảng cáo được trình bày là một tác phẩm rất hấp dẫn đang trong quá trình hoàn thiện của Nissan, dài 15 giây. Jobs hứa hẹn trong tương lai i.Ads sẽ mang lại lợi nhuận lớn, cho phép các kĩ sư phát triển có thể tiếp tục tạo ra "những ứng dụng miễn phí hoặc mức giá đủ thấp để làm vừa lòng người dùng".
Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy quảng cáo trên di động sẽ nhanh chóng biến thành vàng, giống như tất cả những thứ được xuất xưởng bởi thiên tài Apple xứ Curpertino. Trong vòng 8 tuần trước buổi thuyết trình tại San Francisco, Apple đã bán được hợp đồng i.Ads cho Unilever và Disney với trị giá lên tới 60 triệu đô la trong khi tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến trên điện thoại cả năm 2009 trên toàn nước Mỹ mới chỉ đạt 250 triệu đô.
Theo báo cáo gần đây của Toni Sacconaghi, một nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu Bernstein, mô hình quảng cáo của Apple có thể tạo ra một khoản lợi nhuận xấp xỉ 800 triệu đô la trong năm tới. Tuy vậy, đối với các đại gia truyền thông thì mô hình quảng cáo này gặp phải 2 vấn đề lớn.
Thứ nhất là cách tiếp cận của Apple sẽ đe dọa vị thế của các đị gia truyền thông, đưa họ xuống ngang bằng với "các kĩ sư phát triển" cùng hàng chục nghìn đối thủ "vô danh tiểu tốt" khác. Thứ hai, mô hình này làm giảm thiểu tối đa sự tham gia của các đại gia truyền thông vào thị trường quảng cáo - đây cũng là nhược điểm mà mô hình của Google gặp phải.
Tranh vui về cuộc đối đầu giữa hai ông chủ Steve Jobs và Eric Schmidt
|
|
Cùng nhắm đến "miếng bánh" lớn
Apple và Google hiện đang sở hữu 2 mạng lưới quảng cáo trên di động lớn nhất thế giới. Cả hai đều trực tiếp bán quảng cáo cho các công ty quảng cáo.
Để có thể tập hợp các cộng đồng này, Apple đã nghiên cứu lịch sử mua sắm của 150 triệu khách hàng có tài khoản tại iTunes trên khắp thế giới, những người này cũng đồng thời sử dụng iPhone và iPad. Phần cứng của Apple đã xuất ra các dữ liệu riêng biệt về thói quen hoạt động của người sử dụng cũng như nơi chốn và cách thức họ thực hiện hoạt động đó. Đáng chú ý là lần đầu tiên, chính sách bảo mật của iPhone 4 đã cho phép Apple thu thập dữ liệu nặc danh về vị trí người sử dụng.
Apple sẽ chia sẻ bao nhiêu phần dữ liệu này với các công ty quảng cáo và nhà xuất bản? Một nhà xuất bản nói rằng: "Chúng tôi đã bàn bạc rất nhiều với Apple nhưng vẫn chưa có được cuộc đối thoại như mong muốn". Tương tự, ngành công nghiệp quảng cáo cũng có nhiều hoài nghi. Gần đây, Micheal Collins, giám đốc điều hành của hãng di động thuộc tập đoàn dịch vụ truyền thông WPP, đã trả lời tạp chí Business Week rằng việc chia sẻ dữ liệu vẫn còn là "một dấu hỏi lớn gây tò mò cho rất nhiều người trong ngành quảng cáo chúng tôi".
Về phần mình, Google cũng đang nỗ lực hết sức, nhưng theo một cách hoàn toàn khác. Trên web di động, Google tập trung vào việc khơi nguồn nhu cầu tiềm năng của thị trường hơn là quảng bá thương hiệu. Ian Carrington, giám đốc phụ trách mảng kinh doanh quảng cáo trên di động của Google châu Âu, Trung Đông và châu Phi, đã vạch ra một viễn cảnh mà ở đó, người dùng di động đang đọc một bài phê bình sách trên điện thoại di động tại quán café. Theo ông, "Quảng cáo đi kèm bài báo phải hiểu được nó đang ở trong văn cảnh nào cũng như bài phê bình đó đang viết về quyển sách nào". Ông cũng nói thêm: "Hiện nay phần lớn các smartphone đều có hệ thống định vị toàn cầu GPS. Vì vậy điện thoại di động ngay lập tức có thể cho bạn biết quyển sách này đang được bán với giá 5,99 bảng Anh tại một cửa hàng cách đó 100m hay với giá chỉ 4,99 bảng Anh tại một cửa hàng cách đó 1,5km".
Matt Kelly, giám đốc nội dung số của tờ báo quốc gia Trinity Mirror, cho rằng Apple đang chiếm ưu thế: "bởi họ là những người tiên phong trên thị trường, họ thực hiện toàn bộ phần phát triển và sáng tạo công nghệ". Nhưng ông cũng bổ sung thêm: "Apple hiện đang tận hưởng thành quả của mình. Hiện nay các nhà sản xuất nội dung đang phó mặc số phận của mình cho các thiên tài phát minh công nghệ. Tuy nhiên tình hình chắc chắn sẽ thay đổi. Nếu các điều khoản kinh doanh của Google trở nên hấp dẫn hơn thì có thể chúng ta sẽ sớm nhận thấy sự chuyển hướng sang xuất bản nội dung trên Android".
Mặc dù sử dụng 2 phương pháp tiếp cận quảng cáo khác nhau, nhưng Apple và Google đều có một điểm chung. Đó là cả 2 công ty đều muốn giữ lại "miếng bánh lớn" trong tổng doanh thu quảng cáo thu được. Ví dụ như Apple đề xuất sẽ chỉ chuyển 60% doanh thu thu được từ i.Ads cho các kĩ sư phát triển. Còn Google tiếp tục đề nghị chuyển cho các nhà xuất bản "ít nhất 50%" doanh thu thu được từ các quảng cáo xuất hiện bên cạnh nội dung của nhà xuất bản. Như vậy, phần 2 "gã khổng lồ" này thu về là khá cao so với mức hoa hồng 15% mà các hãng truyền thông nhận được khi giới thiệu quảng cáo cho các nhà xuất bản.
Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch cho rằng iPad "có thể sẽ tiết kiệm cho ngành công nghiệp báo chí một khoản đáng kể". Tuy nhiên Apple vẫn muốn giành phần lớn lợi nhuận từ web di động bằng cách tính giá thành phần cứng rất cao. Ngược lại Schmidt của Google lại thấy trước một tương lai mà ở đó điện thoại di động và các thiết bị phát sóng đều miễn phí do được quảng cáo trợ giá.
Cả Apple và Google đều cần cái mà Jobs mô tả là nội dung "miễn phí và chi phí thấp" để thu hút người dùng và các công ty quảng cáo. Trên web di động, nhiệm vụ của các đại gia truyền thông là tính toán xem họ sẵn sàng đánh đổi bao nhiêu phần doanh thu.
Peter Kirwan
Linh Giang dịch theo Guardian