Theo Business Insider, nếu Microsoft muốn tiếp tục “dấn thân” vào thị trường smartphone để tăng vị thế thì quyết định đúng đắn nhất là mua lại hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới Nokia. thay vì nhà sản xuất điện thoại BlackBerry - Research in Motion.
Một số nhà phân tích tỏ ra không đồng tình vì cho rằng Nokia không phải là nhà sản xuất smartphone thực thụ, và Symbian không phải là hệ điều hành smartphone; trong khi đó, RIM mới thực sự phù hợp với đối tượng nhắm đến của Microsoft là giới doanh nhân. Những phản ánh trên hoàn toàn chính xác.
Tuy nhiên, Microsoft không mua Nokia vì phần mềm của hãng này. Microsoft đã sẵn sàng “chiến đấu” với hệ điều hành cho smartphone của riêng hãng: Windows Phone 7 là cải tiến mới nhất về giao diện người dùng smartphone kể từ khi iPhone ra đời năm 2007. Windows Phone 7 được đánh giá có giao diện đẹp và dễ sử dụng.
Theo giới phân tích, Microsoft mua Nokia vì những hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng và các đối tác chế tạo, và sự chuyên nghiệp của đội ngũ thiết kế phần cứng và vì tên tuổi của Nokia. Nếu sự kết hợp giữa 2 gã khổng lồ này trở thành hiện thực, Microsoft không cần phải thuyết phục các hãng sản xuất điện thoại sử dụng phần mềm của hãng trên các smartphone đời mới. Microsoft chỉ cần cài đặt Windows Phone 7 trên các điện thoại của Nokia đẻ biến những chiếc điện thoại thông thường trở thành smartphone trong vòng 5 năm tới.
Tại sao không phải là RIM? Business Insider cho rằng giá trị của nhà sản xuất Canada là ở phần mềm và sự tích hợp với phần mềm Microsoft Exchange Cả 2 lĩnh vực này Microsoft hoàn toàn có khả năng thực hiện. Nếu Microsoft mua lại RIM để thay thế nền tảng Windows Mobile thì hãng nên làm điều này từ cách đây 2 năm, trước khi xây dựng Windows Phone 7.
Về phần cứng, RIM không tạo được dấu ấn trên toàn cầu như Nokia nhưng hãng này cũng đạt được mức doanh thu ấn tượng - 30,4 tỷ USD so với mức 38 tỷ USD của Nokia. Tuy nhiên, nếu muốn bành trướng trên thị trường smartphone thì hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới sẽ giúp ích rất nhiều cho Microsoft.
Tất nhiên, vấn đề lớn hơn bây giờ là liệu Microsoft có chinh phục được thị trường smartphone dành cho doanh nhân. Với Google, hãng này đã đưa Android chiếm 25% thị phần chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm - chỉ riêng phần mềm. Vì thế, liệu Microsoft có quá mạo hiểm khi tỏ ra thờ ơ với các đối tác phần cứng?
Tuy nhiên, hôm qua, Watts Martin, một cựu lãnh đạo của Nokia đã lên tiếng trên blog của mình. Theo ông này, Microsoft và Nokia không thể đồng hành với nhau vì Nokia “có gu riêng” nên chỉ muốn kiên định với chiến lược của mình. Vấn đề lớn nhất của Nokia hiện nay là trải nghiệm của người dùng và thị phần yếu kém ở Bắc Mỹ.
Khôi Linh