Đất nước của ông và đất nước của tôi ở cách nhau quá xa để chúng ta có thể quen biết nhau, mặc dù sự kiện 11-9-2001 đã đưa ’’tiếng tăm’’ của ông ra toàn thế giới. Có lẽ điều đó làm ông hãnh diện? Ông mâu thuẫn với Chính phủ Mỹ nhưng không có nghĩa là ông có quyền kéo bao người dân thường vô tội vào cuộc chơi bạo lực của mình. Ông có biết bao nhiêu nhà khoa học, bao nhiêu doanh nhân giỏi, bao nhiêu nhân viên, bao nhiêu người dân thường vô tội đã phải chết một cách oan uổng dưới chân tháp đôi kia không? Tôi đã nhận ra là trong cuộc sống, con người luôn luôn chọn lựa và đôi khi đó là chọn một thái độ. Vậy tại sao ông lại chọn sự tức giận và trả thù mà không phải là khoan dung? Trên ghế nhà trường, chúng tôi được giáo dục rằng: Cuộc sống vốn có nhiều khó khăn, thử thách, đôi khi có cả thất vọng và nỗi buồn. Hãy dũng cảm vượt qua để luôn là chính mình và đừng mất niềm tin, hy vọng, ước mơ. Ông lớn tuổi hơn tôi nhưng không biết ông có học được điều ấy không? Cuộc sống luôn công bằng. Trở ngại và bất hạnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào chẳng hề báo trước, nhưng đổi lại, ta sẽ tìm thấy sự kì diệu và vẻ đẹp lớn lao của lòng dũng cảm, của tình yêu thương. Trước những khó khăn thử thách ấy, mỗi người sẽ tự chọn cho mình một cách đón nhận, đối đầu để có một hướng đi riêng. Hẳn ông biết tự đáy lòng mỗi con người đều tồn tại một khát vọng mãnh liệt - đó là khát vọng sống. Tôi nghĩ ông cũng không nằm ngoài số đó. Ông muốn Chính phủ Mỹ trả giá nhưng không phải chỉ có họ mà biết bao sinh linh vô tội khác cũng phải lìa đời khi tòa tháp đôi đổ xuống. Đó là mục đích của ông sao? Có lẽ ông mừng vì điều đó làm cho Nhà Trắng phải lao đao, khốn đốn nhưng có chắc ông sẽ sung sướng khi nhìn thấy nỗi đau mất mát của biết bao gia đình? Ông đã chọn hận thù và bạo lực. Nếu những người dân thường vô tội kia họ cũng chọn cách làm như ông thì thế giới này sẽ ra sao? Giá như ông sáng suốt hơn để khoan dung thì có lẽ biết bao những giọt nước mắt oan ức sẽ không rơi xuống. Một trong những điều khó nhất và cũng quý nhất đối với con người là sự an ủi. Đã sáu năm trôi qua, ông nghĩ điều gì sẽ xoa dịu nỗi đau của những gia đình nạn nhân của vụ l l-9-2001? Tôi tin đó là sự khoan dung. Không chỉ tôi mà tất cả mọi người có lương tâm trên thế giới này đều hiểu rằng cái gì đã mất là không thể lấy lại. Chúng tôi nuối tiếc, chúng tôi tổn thương nhưng không có nghĩa là chúng tôi cũng sẽ trả thù giống như ông. Chúng tôi sẵn sàng tha thứ nếu ông nhận ra sai lầm để thay đổi. Nhưng liệu ông có thể khoan dung cho chính mình không? Với tôi, phương thuốc chữa khỏi mọi bệnh tật, lỗi lầm, nỗi bận tâm, ưu phiền và tội lỗi của con người, tất cả đều nằm ở một từ ’’yêu’’. Mà bản chất của yêu thương là sự khoan dung. Nó là sức mạnh tuyệt vời để sản sinh và tái tạo cuộc sống xã hội. Ông không tin ư?
Tôi xin kể ông nghe câu chuyện xảy ra vào năm 1969 khi mà nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ chưa được cải thiện. Một cậu bé người Mỹ gốc Phi là học sinh da màu duy nhất trong một lớp học nọ. Cậu đã kết thân với một cô bé da trắng. Rồi họ chuyển đến ngồi cùng bàn. Vì lo lắng, mẹ của cô bé da trắng đã tới gặp cô giáo chủ nhiệm. Nhưng chứng kiến tình yêu thương của người mẹ da màu, bà mẹ ấy đã lưỡng lự. Cô ấy đã không nói ý định muốn xin chuyển chỗ ngồi cho con mình nhưng vẫn tìm cách ngăn cản tình bạn ấy của hai đứa trẻ. Và món quà sinh nhật giản dị của cậu bé gốc Phi tặng người bạn da trắng chính là sợi dây yêu thương xóa nhòa định kiến về tình cảm... Câu chuyện đã làm cho tôi vô cùng xúc động về tình cảm con người. Nếu ông cho rằng đây là chuyện trẻ con thì tôi nghĩ ông nên nghĩ lại. Hai đứa bé ấy khác ông ở chỗ chúng tôn trọng nhau và vượt qua rào cản của chế độ phân biệt chủng tộc để đến với nhau. Câu chuyện của hai đứa trẻ là bài họcvề sự khoan dung: Nhìn nhận, đánh giá con người không ác cảm, định kiến mà đầy lòng nhân ái, vị tha. ’’Tôi ước ao có một ngày những đứa con của tôi sẽ được sống trên một đất nước không có ai bị phán xét bởi màu da của mình mà chỉ có thể bị phán xét bởi chính tâm hồn của họ mà thôi!’’. Chắc là ông hiểu câu nói đó?
Sóng không thể tự sinh ra mà chúng được hình thành từ những cơn gió từ trên mặt đại dương. Con người cũng thế, không ai có thể tồn tại trên đời lẻ loi một mình cả. Ngược lại, chúng ta phải sống hòa đồng trong sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng xã hội về mọi mặt. Đó là lý do mà thế giới cần tới sự khoan dung. Sự khoan dung cần thiết cho mọi mối quan hệ mà loài người trên thế giới này đã, đang và sẽ tiến hành. Điều quan trọng đối với mỗi con người không phải là những gì ta nhận được mà chính là những gì ta biết cho đi. Và tôi nghĩ ông vẫn còn sống đến giờ này đã là một khoan dung của Thượng Đế. Ông nên cảm ơn điều đó thay vì tiếp tục tức giận và khủng bố. Sao ông không nghĩ một cách cởi mở hơn rằng Trái Đất này còn sự sống, thế giới này còn chưa bi hủy diệt là chính nhờ sự khoan dung giữa con người với con người?
Ông nổi tiếng thế giới cùng với ba từ ’’trùm khủng bố’’, xin hỏi có gì đáng tự hào? Elaine Maxwell đã nói ’’Tôi là sức mạnh, tôi có thể phá sạch mọi cản trở trước tôi, nếu không tôi sẽ mắc vào lưới. Chọn lựa của tôi, trách nhiệm của tôi, chiến thắng hay thất bại, chỉ có tôi giữ chìa khóa số mệnh của tôi’’.
Tôi đã học được rằng thất bại không có nghĩa là gục ngã, mà chỉ là tạm dừng chân một chỗ trên con đường tiến lên phía trước.
Người ta không thể một mình làm được tất cả mọi thứ. Nhưng người ta có thể làm được một điều gì đó có ý nghĩa cho cuộc sống này. Tôi hy vọng ông sẽ làm được một điều gì đó có ích cho xã hội này, nếu ông gỡ bỏ được hận thù, nếu ông đánh thức sự khoan dung ẩn sâu trong lòng.
Tôi hy vọng dù điều đó thật mong manh!
Chào ông!
Hồ Thị Quế Chi (Việt Nam)