Không cần dùng sách
Một dự án công nghệ có chi phí khoảng 2 triệu USD bắt đầu cách đây 2 năm ở Trường Trung học Thực nghiệm Lilla G Frederick, với hơn 650 học sinh từ lớp 6 đến lớp 8 và khoảng 1/4 trong số đó là học sinh khuyết tật tham gia. Đây là một trường công ở Dorchester, khu vực khó khăn ở Boston, với nhiều tội phạm và nhiều trường học nghèo.
Các chuyên gia giáo dục Mỹ xem dự án này là một phác họa cho tương lai nền giáo dục Mỹ. Dự án gồm một loạt mục tiêu do trường định ra, với sự giúp đỡ của Ban Phối hợp nghiên cứu đánh giá và công nghệ tại Đại học Boston.
Dự án mới không dùng sách giáo khoa. Hiệu trưởng D. Socia nói: “Tại sao phải mua sách khi có thể mua máy tính? Sách giáo khoa nhiều khi bị lỗi thời ngay cả trước khi được in ra”. Học sinh nhận laptop Apple có trang bị công nghệ Wi-Fi vào đầu buổi học và trả lại cuối buổi. Bài làm trong lớp được thực hiện trên các ứng dụng miễn phí như “Google Docs” của Google hay “iMovie” của Apple và các phần mềm chuyên về giáo dục như “FASTT Math” của Tập đoàn Scholastic.
Việc học với nhiều hình ảnh sinh động đã giúp học sinh học tốt hơn. Giáo viên và học sinh viết trên blog. Nhân viên nhà trường và phụ huynh “chat” qua phần mềm thông báo nhanh. Các bài làm được nộp qua những hộp thư điện tử trên trang web của trường. Về nhà, học sinh sẽ tiếp tục việc học ở trường cũng bằng cách sử dụng máy tính...
Không như trong trường học truyền thống, học sinh trong cùng một lớp ở Trường Lilla G Frederick có thể học ở những cấp độ rất khác nhau. Máy tính theo dõi các trình độ để giúp giáo viên thay đổi cách dạy với mỗi học sinh.
Sau 2 năm thực hiện, trung bình số học sinh vào lớp tăng lên 94%, trong lúc việc phải sử dụng các biện pháp kỷ luật lại giảm 30%. Phụ huynh cũng quan tâm nhiều hơn vì bất cứ phụ huynh nào cũng có thể “chat” trên mạng với giáo viên khi có vấn đề.
Phát triển nhanh chóng
Năm rồi, Mỹ có đến 1 triệu lớp học ảo trên mạng, gấp 22 lần so với năm 2000, trong đó Tập đoàn K12, chuyên cung cấp các dịch vụ giáo dục và chương trình học trực tuyến ở 17 bang của Mỹ, đã tăng 57% số học sinh trực tuyến với 41.000 người là học sinh toàn thời gian. M. Horn, Giám đốc giáo dục tại Viện Innosight ở Massachusetts, cho rằng: “Đó chỉ là bước khởi đầu. Kế hoạch của chúng tôi là 50% các lớp trung học sẽ được giảng dạy trực tuyến vào năm 2013”.
Tập đoàn Apex Learning, trụ sở tại Washington, cũng nhận thấy nhu cầu tăng vọt tương tự. Năm 1997, Apex mở những khóa học trực tuyến cho phụ huynh và một số trường học, nhưng giờ đây họ cung cấp một hệ thống lớp học trực tuyến cho toàn bộ khối trường học và các sở giáo dục.
Dạy học trực tuyến cũng mở rộng nhanh chóng. Năm 2005, TutorVista mở các dịch vụ dạy trực tuyến, với ước tính số học sinh trên toàn cầu tăng trung bình 22%/tháng - tất cả được dạy bởi các “e-teacher”. Nhu cầu về giáo viên giảm và các trường học ảo được cho là sẽ thúc đẩy thành tựu của hệ thống giáo dục Mỹ - nơi chỉ có 2/3 học sinh tốt nghiệp trung học và tỷ lệ này giảm còn 50% với người Mỹ da đen và gốc Nam Mỹ - bởi giúp giảm chi phí cho hoạt động giáo dục nhưng thực tế lại tăng thời lượng giáo viên có thể dành cho mỗi học sinh bởi họ không còn phải dạy theo những giáo trình “một kiểu cho tất cả”.
theo Reuters, Onenews
báo Sài Gòn Giải Phóng