Chất lượng nguồn nhân lực - một trong ba nút thắt cổ chai cho tăng trưởng Việt Nam - được thảo luận tại Hội nghị bắt đầu bằng câu chuyện của Intel, DN đang gặp khó trong việc tuyển lao động có kĩ năng phục vụ cho nhà máy sản xuất chíp tại TP.HCM. Qua nhiều lần tuyển, Intel mới có được 40 người trong tổng số hàng nghìn vị trí và đều phải đưa đi đào tạo lại.
Giám đốc điều hành khu vực châu Á - TBD của ĐH Quốc tế Laureate, ông Michael Mann hỏi: Vấn đề của Việt Nam thực sự là gì, khi đến một trường ở ASEAN, nơi nhận học viên từ 80 nước trên thế giới, sinh viên người Việt luôn đứng ở danh sách những người xuất sắc nhất?
"Phải dựa vào cái đầu"
Ông Mann nhấn mạnh: “Việt Nam không thể trở thành nước phát triển, nếu ít nhất 50% học sinh ra trường không được tiếp tục học đại học. Tay không thì không thể phát triển, phải dựa vào cái đầu”.
Những năm 1980, Hồng Kông đã tập trung nguồn lực 1 tỷ USD để xây dựng ĐH, thuê các giáo sư xuất sắc nhất thế giới, trả lương cao, kéo họ vào xây dựng trường này. Sau 20 năm, trường này nằm trong danh sách các trường hàng đầu thế giới. "Liệu Việt Nam có đủ tiền làm không? Việt Nam không làm có được không?", ông Mann đặt vấn đề.
Ông nhấn mạnh: Nếu có 1 tỷ USD, Việt Nam sẽ xây nhà máy nguyên tử hay xây ĐH đẳng cấp quốc tế?
Chủ tịch Hội đồng sáng lập ĐH Trí Việt cho rằng, ý chí để đưa hệ thống giáo dục đi đúng hướng của Việt Nam đã rõ ràng, nhưng làm thế nào để đạt được vẫn là vấn đề. Ở Việt Nam, tiêu dùng có thể giảm ở nhiều ngành, nhưng tiêu dùng giáo dục không hề giảm. Cam kết ưu tiên cho giáo dục đã được đưa ra mạnh mẽ bởi sinh viên cũng như phụ huynh.
Thế nhưng, vấn đề cấp phép của Việt Nam vẫn còn nặng nề, Đại sứ Michael Michalak quan ngại. Bộ GD - ĐT đang làm nhiều việc, kể cả xác nhận trình độ giáo sư, xây dựng chương trình…
“Cứ thử nhập khẩu một cuốn sách đi, các bạn sẽ thấy sự quan liêu của hệ thống nặng nề tới cỡ nào”, Đại sứ Michalak nói.
Ông Michael Mann cho rằng, bảo thủ là đặc trưng của bộ Giáo dục ở các nước trên thế giới. Họ tin rằng họ có đủ kiến thức, đủ trình độ, và không muốn thay đổi gì, trừ khi người ta chứng tỏ rằng họ đang sai. Tuy nhiên, đến lúc đó thì mọi chuyện đã quá trễ.
Ở Việt Nam, có cảm tưởng cấp lãnh đạo và khách hàng đều cam kết mạnh nhưng cấp trung gian lại chưa có sự thay đổi.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, thực ra ở cấp bộ không quá bảo thủ. Có chăng là chính những người đứng lớp còn bảo thủ, không muốn thay đổi.
Chia sẻ góc nhìn này, Hiệu trưởng ĐH Trí Việt Tôn Nữ Thị Ninh nhận định, chính phương pháp giảng dạy là lực cản chính của đổi mới giáo dục. Bà tin rằng vấn đề không phải là hạ tầng, thiết bị, số bằng tiến sĩ, mà cần cách mạng về não trạng và phương pháp giảng dạy. "Sinh viên ra trường cần tự tìm câu trả lời cho mình, không phải như cách hiện nay là được giáo viên cung cấp câu trả lời".
Cũng giống như trường hợp Ấn Độ, khi năng lực của các trường ĐH chưa đáp ứng đủ thì hoặc khu vực tư nhân tham gia, hoặc sinh viên sẽ ra nước ngoài học.
Ông Michael Mann: Tay không thì không thể phát triển. Ảnh: ĐQ
|
|
Đại học tư tốt, không cớ gì từ chối
Bà Ninh cho rằng, trong quá trình tăng trưởng kinh tế, Việt Nam chưa khai thác, tìm hiểu nhu cầu thực sự trong giáo dục như thế nào và giáo dục tư nhân của Việt Nam ra sao.
Thực tế hiện nay, một bạn trẻ Việt Nam phàn nàn, ĐH tư đang bị đánh giá thấp. Sinh viên thi trượt ĐH công mới học ĐH tư. Làm thế nào để thay đổi cảm nhận, thái độ của công chúng với ĐH tư?
Câu trả lời, theo bà Ninh, là chính sác trường phải tự thay đổi hình ảnh và chất lượng đào tạo của mình. Còn quá nhiều trường tư chất lượng kém nên sinh viên, phụ huynh mới xem ĐH công là lựa chọn tốt nhất. Mỗi trường phải tự xác định mục tiêu rằng sinh viên sẽ tìm đến trường của mình thay vì ĐH Bách Khoa hay ĐHQG như hiện nay.
Nói cách khác, phải đặt mình cạnh tranh với trường tốt nhất, dù là trường công hay trường tư.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng nhấn mạnh, trong những năm Đổi mới, một chủ trương xuyên suốt là “giải phóng lực lượng sản xuất của nền kinh tế”. Đến lúc ta cần áp dụng vào giáo dục, giải phóng nguồn lực, tạo động lực xúc tác cho mọi trường ĐH, cả công và tư, trao cơ chế tự chủ và ưu đãi phù hợp.
Quá trình hợp tác công - tư trong giáo dục mới ở giai đoạn khởi động và cần đi "nhanh hơn, mạnh hơn", bà Ninh nói.
Hoàng Phương - Đoàn Quý
(theo VietNamNet)