Đây cũng chính là điểm nổi bật trong báo cáo toàn cảnh về công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam năm 2009 do Hội tin học TP.HCM phối hợp với IDG Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Computer Electronics World Expo lần thứ 14 vừa qua.
Thị trường gia công phần mềm
Theo TS. Nguyễn Trọng, nguyên chủ tịch Hội tin học TP.HCM (HCA), hiệu trưởng trường cao đẳng CNTT iSpace: “So với những lĩnh vực khác, thị trường gia công phần mềm (outsourcing) ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế. Trái lại, chính tình hình suy thoái của nhiều ngành kinh tế dẫn đến nhu cầu outsourcing gia tăng cả ở châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, các bên yêu cầu gia công đều hướng tới việc tìm kiếm những hợp đồng gia công với giá thấp hơn so với năm 2008 trở về trước. Kết quả điều tra của tổ chức Gartner đối với 116 công ty ở Tây Âu, cho thấy trên 70% các công ty đều xem giá gia công là mối quan tâm hàng đầu của họ trong mùa gia công năm 2009, tỷ lệ về mối quan tâm này tăng 17,5% so năm 2007. Cuộc điều tra này cũng bổ sung thông tin về nhu cầu outsourcing gia tăng khi mà tỷ lệ những công ty cho biết họ đang khởi đầu việc thương lượng các hợp đồng gia công lên đến 36% (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2007). Về giá gia công, Gartner dự đoán giá sẽ giảm từ 5 - 20%”.
Trong các lĩnh vực của công nghiệp công nghệ cao, kinh tế tri thức thì Việt Nam đã đặt chân được vào công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT, ít nhiều đã được quốc tế biết đến. Việt Nam đã được nhắc đến trong các khảo sát quốc tế về công nghiệp phần mềm, dù rằng chưa được đánh giá cao. Trong 2 năm liên tiếp, 2007 và 2008 Gartner đã đưa Việt Nam vào danh sách 30 nước gọi là “Top 30 locations for offshore services”.
Do vậy, cơ hội cho công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam là còn nguyên, thậm chí có một phần thuận lợi hơn trước, vì dù sao giá của nhân lực làm phần mềm của nước ta vẫn còn là một lợi thế, tuy chất lượng vẫn là yêu cầu hàng đầu.
Vấn đề đào tạo nhân lực
Hiện nay, phần lớn kỹ sư phần mềm được đào tạo ở các trường về CNTT đều không thể đáp ứng ngay nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất phần mềm. Các doanh nghiệp phần mềm có làm việc với đối tác ở nước ngoài thường khá khắt khe trong việc tuyển chọn nhân lực làm phần mềm, sau đó họ đào tạo lại cho thích ứng với công việc. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo theo đơn đặt hàng vẫn chưa thể giải quyết được tình trạng này. “Đào tạo theo đơn đặt hàng không thể đặt vấn đề trong khuôn viên đại học được, vì ở đó các trường đào tạo những kiến thức chung. Nếu đào tạo theo đơn đặt hàng thì cần những khóa học bổ sung, cần phải có hợp đồng đào tạo giữa doanh nghiệp và nơi đào tạo nhưng liệu rằng họ có đủ sức để đào tạo theo đúng đơn đặt hàng hay không, bởi phần lớn đơn đặt hàng đều theo kiến thức đặc trưng. Ngay cả ở những nước khác trên thế giới cũng vậy, doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực làm phần mềm đều phải đào tạo lại cho thích ứng với công việc”, TS. Nguyễn Trọng chia sẻ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói: “Chưa bao giờ điều kiện phát triển CNTT ở Việt Nam được thuận lợi như bây giờ. Mỗi năm, chúng ta có thêm 1 triệu lao động, đó là một lợi thế. Bên cạnh đó còn có Quyết định 698 của chính phủ về phát triển nguồn nhân lực, mỗi năm chi 100 tỷ USD để phát triển nguồn nhân lực và 140 tỷ USD cho chương trình ứng dụng CNTT trong nhà nước. Để giải quyết vấn đề nhân lực đào tạo ra không đáp ứng được nhu cầu, doanh nghiệp hãy cùng nhà nước trong việc đào tạo nhân lực, thay vì than phiền”.
Thực tế, theo một số chuyên gia nhận định, nếu đầu tư để phát triển ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT, 80% đầu tư phải tập trung cho đào tạo kỹ sư phần mềm giỏi, có trình độ quốc tế. Hiện nay, phải mất khoảng 10.000 USD để đào tạo một kỹ sư phần mềm đủ sức làm việc trên thị trường quốc tế.
Gia Quyền
(theo báo Khoa Học Phổ Thông)