Nhìn thẳng vào yếu kém
Theo PGS Bùi Thế Duy-Chủ nhiệm Khoa CNTT trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), qua tìm hiểu các bản báo cáo phát triển ngành CNTT của một số quốc gia khu vực Đông Nam Á thời gian gần đây, ông nhận thấy trong phần so sánh về thực trạng phát triển của ngành CNTT với các quốc gia (trong đó có Việt Nam), phần lớn các báo cáo đều nêu Việt Nam chỉ có hai chỉ số đạt được mức cao nhất là nhân lực CNTT giá rẻ và nền chính trị ổn định. Còn lại, hàng loạt tiêu chí liên quan đến chuyên môn, trình độ ngoại ngữ nhân lực CNTT, uy tín thị trường CNTT… đều thấp hơn các nước.
Thống kê của Bộ GD&ĐT tính đến năm 2010 cho thấy, hiện cả nước có 10 học viện, 123 trường đại học, 153 trường cao đẳng và hơn 350 trường trung cấp chuyên nghiệp đào tạo ngành CNTT - Tin học. Tuy nhiên cũng theo PGS Bùi Thế Duy, nhiều nhà trường dù tự nhận mình “đào tạo tốt” nhưng thực tế rất nhiều trong số đó lại toàn là những kiến thức khó áp dụng vào công việc thực tế của doanh nghiệp. Ông Duy cũng dẫn ra quan điểm của một số doanh nghiệp CNTT lớn trong nước mà ông có dịp tiếp xúc cho thấy chỉ có một số ít sinh viên của khoảng 5 – 7 trường đại học trong nước khi tốt nghiệp là có thể làm được công việc đòi hỏi lượng chất xám cao tại các doanh nghiệp, còn lại phần lớn sau khi tốt nghiệp vẫn còn có khoảng cách quá xa hoặc chỉ làm được những công việc đơn giản.
“Sự liên kết giữa doanh nghiệp và đơn vị đào tạo CNTT của Việt Nam còn quá lỏng lẻo. Giới doanh nghiệp cũng như giới học thuật ở Việt Nam đang có những cái “tự kiêu” của riêng mình, chưa hợp tác chặt chẽ với nhau. Theo tôi, nếu hai giới cứ mãi “vênh” nhau như hiện nay thì không bao giờ chúng ta hi vọng sẽ đào tạo tốt hay cải thiện được chất lượng nhân lực”, ông Duy nhấn mạnh.
Cải thiện bằng tư duy đột phá
Theo dự báo của Vụ CNTT (Bộ TT&TT) đưa ra mới đây, đến năm 2020 nhu cầu nhân lực CNTT của Việt Nam sẽ vào khoảng hơn 600.000 người. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra với ngành CNTT đó là đưa ra các biện pháp nhằm sớm giải được “cơn khát” nhân lực CNTT trình độ cao, đạt trình độ quốc tế. Vậy, đâu sẽ là hướng đi cho Việt Nam?
Theo quan điểm của các chuyên gia đến từ tập đoàn Viettel, FPT, Intel, CMC… đưa ra tại Hội thảo mở rộng Hội đồng tư vấn Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT do Bộ TT&TT tổ chức mới đây, để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực CNTT (vốn lâu nay đang bị “than” là hạn chế đủ đường) thì Nhà nước cần có sự đột phá trong vấn đề đào tạo như xây dựng cơ chế cho các dự án đào tạo lại kỹ năng chuyên môn, tạo điều kiện cho sinh viên, nhân lực CNTT vay vốn để theo học các khoá nâng cao kỹ năng chuyên môn, tiếng Anh chuyên ngành CNTT, thu hút nhân lực nước ngoài đến Việt Nam để góp phần thúc đẩy đào tạo nhân lực trong nước… Ngoài ra, Nhà nước phải lên kế hoạch nghiên cứu, phân tích và dự báo nhu cầu lao động trong lĩnh vực CNTT bài bản ở cấp quốc gia, thậm chí là cấp vùng và địa phương như rất nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện để dự báo được nhu cầu của ngành.
Cũng liên quan đến câu chuyện đi tìm giải pháp “kích” chất lượng nguồn nhân lực, vài năm gần đây trong ngành CNTT Việt Nam đang nhắc rất nhiều đến quyết tâm phải có trường đào tạo CNTT đạt đẳng cấp quốc tế để xây dựng được nguồn nhân lực đạt trình độ tương đương, tuy nhiên theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó TGĐ Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, thì có thể 5 năm hay thậm chí 10 năm tới cũng chưa dám chắc Việt Nam sẽ xây dựng được một trường đại học hay cao đẳng đạt đến đẳng cấp quốc tế, chính vì vậy hướng đi của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay không nhất thiết cứ phải hi vọng quá lớn vào mục tiêu khó khăn này.
Trao đổi về giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực CNTT ngay từ trong các doanh nghiệp, từ kinh nghiệm thực tế tại Tập đoàn Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Để phục vụ chiến lược mở rộng thị trường (dự kiến đến 2015 đáp ứng được nhu cầu của thị trường khoảng 500 triệu dân, đến năm 2020 sẽ đáp ứng được nhu cầu của 1 tỷ dân số), Tập đoàn này đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cao và xây dựng đội ngũ nhân lực CNTT chất lượng cao. Ông Hùng tiết lộ, hiện Viettel đang thuê một chuyên gia vốn là kiến trúc sư trưởng chuyên về Smartphone của hãng điện thoại Motorola làm việc với mức lương 18.000 USD/tháng và vị chuyên gia này cũng chính là người đang giúp Viettel trong vấn đề đào tạo. “Đây sẽ là hướng đi được Viettel đẩy mạnh”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Lâu nay Việt Nam mới chỉ có chuyên gia hàng đầu theo nghĩa làm việc được trong nước, còn chuyên gia có thể làm việc với cương vị chủ chốt trong các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia của nước ngoài thì hầu như chưa có.
Hồng Quyên
(theo báo Bưu Điện Việt Nam)