Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Đại học FPT: "Nhân lực cho TMĐT phải hiểu theo 2 góc nhìn khác nhau. Một góc nhìn là những người trực tiếp làm kinh doanh cần có kiến thức nền về kinh doanh, thị trường cung cấp dịch vụ... Nguồn nhân lực khác là nguồn nhân lực hỗ trợ từ phía ngành CNTT. Nguồn nhân lực này phải có trách nhiệm đưa ra các giải pháp CNTT để hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh liên quan đến TMĐT".
Hiểu một cách đơn giản, lĩnh vực TMĐT cần 2 luồng nhân lực khác nhau phục vụ cho những bài toán khác nhau. Luồng nhân lực hỗ trợ kỹ thuật sẽ được cung ứng từ phía ngành CNTT và luồng nhân lực phục vụ cho hoạt động kinh doanh sẽ được cung ứng từ nhóm ngành kinh tế. Mỗi nhóm nhân lực cần có sự hiểu biết nhất định về công việc của nhau
Tuy nhiên, nếu nguồn nhân lực CNTT được cung ứng khá tốt, thì ở bộ phận cần chiếm số lượng đông hơn trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là nhân sự cho hoạt động marketing - bán hàng lại đang tạo lên cơn sốt khi nguồn cung đang rất hạn chế. Vậy đâu là giải pháp để giải quyết những bức xúc với bộ phận nhân lực này sẽ là nội dung chúng tôi muốn đem ra bàn thảo.
Nhân lực TMĐT - Những kỹ năng cần thiết
Là sinh viên năm cuối khoa Quản Trị Kinh Doanh, Đại học Thương mại, Hạnh lựa chọn một sàn giao dịch thương mại điện tử để thực tập, cùng với những kiến thức marketing tổng quát được đào tạo tại trường, Hạnh đang phải bổ sung rất nhiều những kỹ năng cần thiết trong hoạt động thực tế: "TMĐT là lĩnh vực rất mới, nên em cũng gặp nhiều khó khăn. Về kỹ năng tìm kiếm khách hàng, không chỉ tìm kiếm khách hàng qua mối quan hệ bạn bè của mình mà phải tìm đúng những khách hàng mà có nhu cầu kinh doanh TMĐT. Cần phải am hiểu về lĩnh vực TMĐT để có thể thuyết phục khách hàng tham gia sàn của mình. Ngoài ra cũng cần hiểu biết thêm về lĩnh vực CNTT. Bởi TMĐT chỉ làm việc qua các máy móc, thiết bị điện tử chứ không bán hàng như truyền thống nên những hiểu biết về CNTT, máy tính, TMĐT thì cũng sẽ giúp cho công việc của mình thuận lợi hơn".
Không đơn thuần chỉ là những kiến thức marketing tổng quát, nguồn nhân sự tham gia vào hoạt động kinh doanh trong môi trường thương mại điện tử cần có kiến thức nền về CNTT. Đây cũng chính là một khó khăn với các doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân sự cho lĩnh vực này, và không còn cách nào khác, mỗi doanh nghiệp đều đang có một hướng đi riêng để bổ sung nhân sự cho mình.
Bà Đào Lan Hương, Phó Tổng Giám đốc PeaceSoft cho biết: "Có một thực tế là những nhân sự có sự hiểu biết về CNTT thông thường lại hơi yếu về mặt thương mại. Ngược lại những sinh viên có kiến thức kinh tế lại yếu về CNTT. Vì vậy chúng tôi cũng có chính giải pháp cho nội bộ của chúng tôi. Thứ nhất là những sinh viên hoặc những nhân sự mới vào công ty sẽ được đào tạo lại những kiến thức về chuyên ngành, về lĩnh vực, về sản phẩm, về đối thủ, về thị trường. Bên cạnh đó chúng tôi cũng liên kết với các trường đại học để có thể có nguồn nhân sự đầu vào có chất lượng cho công ty. Điều thứ 3 nữa là chúng tôi tạo điều kiện cho nhiều sinh viên ở khối kinh tế, kỹ thuật thực tập ở công ty để đào tạo dần lên làm nguồn nhân lực đầu vào cho công ty".
Nhân lực TMĐT: Cung - Cầu vênh nhau
Chợ Điện Tử - sàn giao dịch trực tuyến khá thành công tại Việt Nam đang hoạt động với gần 200 nhân viên. Theo kế hoạch phát triển của năm 2011, doanh nghiệp này cần tuyển dụng thêm khoảng 300 nhân sự mới. Nhưng mặc dù đã có kế hoạch sử dụng các kênh tuyển dụng khác nhau, thì đại diện của Chợ Điện Tử cũng phải thừa nhận rằng, để có nguồn nhân sự đảm bảo cả số lượng và chất lượng thực sự không hề dễ dàng: "Nhu cầu nhân sự của chúng tôi năm nay tương đối lớn, sức ép tuyển dụng thông thường nằm ở 2 chỉ tiêu. Thứ nhất là làm sao đạt chỉ số về số lượng hồ sơ đăng ký vào vị trí công ty có nhu cầu. Nếu không có đủ chỉ tiêu này thì nhu cầu tuyển dụng 300 nhân sự chúng tôi rất khó tìm được những ứng viên thích hợp. Thứ hai là dựa trên chỉ số đăng ký hồ sơ vào công ty đó sẽ có bao nhiêu hồ sơ đạt chất lượng công ty đặt ra. Đó là 2 chỉ số quan trọng nhất và là sức ép với hoạt động tuyển dụng của công ty chúng tôi"- bà Đào Lan Hương cho biết.
Thực tế, TMĐTđã được nhắc đến tại Việt Nam hàng chục năm nay, nhưng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chính quy cho thương mại điện tử chỉ mới được triển khai chính thức từ 2006. Đến 2009, sau 3 năm triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT, trong đó có dự án đầu tư nguồn nhân lực TMĐT tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề mời có 49 trường triển khai đào tạo về thương mại điện tử. Trong số đó có 2 trường đã thành lập khoa thương mại điện tử, 11 trường thành lập bộ môn thương mại điện tử và 36 trường cử giảng viên của trường hoặc mời giảng viên thỉnh giảng dạy môn thương mại điện tử.
Làm một phép tính đơn giản cũng có thể thấy, phải đến năm 2010 mới có những sinh viên đầu tiên tốt nghiệp đại học chuyên ngành thương mại điện tử. Trong khi đó, tốc độ phát triển của lĩnh vực kinh tế này không cho phép các doanh nghiệp chờ lâu đến như vậy: "Qua quá trình chúng tôi tiến hành tuyển dụng, chúng tôi cũng thu hút được sinh viên khối kinh tế có đào tạo về TMĐT. Tuy nhiên, 2 năm gần đây tốc độ phát triển của TMĐT tương đối lớn. Các doanh nghiệp cần nhân lực hiểu biết về TMĐT rất cao, nhưng cán cân cung cầu vẫn chưa phù hợp", đại diện Chợ Điện Tử bày tỏ.
Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, hầu hết các doanh nghiệp đang phải tự tìm hình thức đào tạo nguồn nhân lực cho mình. Theo kết quả khảo sát, 62% doanh nghiệp lựa chọn hình thức đào tạo tại chỗ theo nhu cầu công việc, tiếp theo là gửi nhân viên tập huấn lớp ngắn hạn, chiếm 30%, và tự mở lớp đào tạo, 8%. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp mang tính tình thế. Về lâu dài, sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh mà nguồn nhân lực này không thể đáp ứng được.
Đâu là giải pháp tối ưu?
Theo Phó Tổng giám đốc PeaceSoft, bà Đào Lan Hương: "Một giải pháp tối ưu cần sự tham gia của tương đối đẩy đủ các nhóm đối tượng. Về phía nhà nước nên có các hoạt động hỗ trợ để đầu tư vào việc phát triển nguồn lực TMĐT. Thứ hai là nhà trường và các trung tâm đào tạo có thể đi trước đón đầu nhu cầu để thành lập các bộ môn, các chuyên ngành hoặc khoa để đào tạo thêm cho nguồn lực nhân sự TMĐT. Thứ ba là sự tham gia của các cơ quan truyền thông khuyến khích cổ vũ cho nguồn lực lao động của chúng ta có thể chuyển dịch sang học và làm việc trong lĩnh vực TMĐT. Thứ tư là sự tham gia và vai trò của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT đóng góp vào sự phát triển chung của ngành".
Ông Nguyễn Xuân Phong, Hiệu Phó Đại học FPT thì cho rằng: "Quan trọng nhất là để nhu cầu xã hội điều tiết hoạt động các trường đại học. Hiện nay đang có 2 mảng độc lập, đại học cứ hoạt động theo kiểu của đại học, doanh nghiệp và xã hội lại có nhu cầu riêng của họ. Đây là 2 điểm chúng ta chưa ráp nối được với nhau. Do vấn đề về cơ chế, quản lý chưa tạo được sự tự chủ cho các trường đại học và sức ép cho chất lượng đầu ra. Khi chúng ta làm được điều này thì xã hội sẽ tự điều tiết và các trường sẽ phải đào tạo gần nhất với nhu cầu của nhà trường và xã hội, khi đó vấn đề này sẽ không quá bức xúc nữa".
Cùng với các hoạt động khuyến khích dạy, học, và đầu tư cho nguồn nhân lực Thương mại điện tử để giải quyết bài toán số lượng, thì chất lượng nguồn nhân lực này cũng cần phải được chú ý ngay từ đầu. Cũng như tất cả các ngành kinh tế khác, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có những đặc thù riêng, cần những kỹ năng riêng. Một trong những giải pháp tối ưu cho vấn đề này là cùng với việc đào tạo trong nhà trường, thì cần sớm đưa sinh viên vào thực tập tại doanh nghiệp để đội ngũ này có thể bắt nhịp với công việc ngay khi tốt nghiệp ra trường: "Chúng ta phải hiểu rất rõ về khác biệt kiến thức và kỹ năng. Kiến thức có thể học được trên giấy, kiến thức có thể học được thông qua giảng viên có thể thông qua tự học. Nhưng kỹ năng không thể học đựợc thông qua những cách như vậy. Kỹ năng chỉ có cách chúng ta phải thực hành, chúng ta phải làm việc thực sự và phải được nhúng trong môi trường càng giống thực tế càng tốt thì chúng ta mới có thể rèn luyện được kỹ năng" - ông Phong khẳng định.
H.A
(theo VTV.vn)