Học đại học, thạc sĩ trên mạng lấy bằng quốc tế
Posted: 4/10/2011.
2 năm lấy được bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, du học tiến sĩ ngành CNTT tại chỗ với giá tiết kiệm không ngờ, học cao đẳng – đại học ngành du lịch, tài chính, khách sạn, luật… qua mạng và lấy bằng các trường danh tiếng thế giới… Hàng loạt các mẫu quảng cáo có thể tìm được dễ dàng trên mạng. Việc học để lấy bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ… nay đã “dễ dàng” hơn bao giờ hết. Tuy thế, câu hỏi mà nhiều độc giả của Tạp chí đặt ra là các bằng này có giá trị tới đâu?
Hình chỉ mang tính chất minh họa (Nguồn: Internet)
Bằng gì cũng có
Hiện nay, nhu cầu học để lấy bằng đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ từ các trường quốc tế là một nhu cầu thiết thực và đang lên trong xã hội Việt Nam. “Thay vì bỏ ra vài trăm triệu đồng và 3-4 hay 5-6 năm để có được các tấm bằng mong muốn nhưng cũng chỉ là của các trường trong nước thì sao lại không đầu tư để lấy bằng của các trường quốc tế danh tiếng, vừa có giá trị lại tiết kiệm chi phí, phù hợp để học ngay tại gia”, Đại diện của công ty hoạt động về giáo dục cho biết. “Chúng tôi liên kết với hơn 500 trường đại học danh tiếng trên khắp thế giới để cung cấp các khóa học trực tuyến giúp người học lấy bằng một cách nhanh và rẻ nhất”.
Qua tìm hiểu, hiện nay, tại Việt Nam có ít nhất 37 tổ chức cung cấp các dịch vụ học để lấy bằng quốc tế với quy mô liên kết đồ sộ, từ vài chục cho tới vài trăm Trường ĐH trên thế giới. Riêng với các Trung tâm đăng ký website tại nước ngoài trong đó khá đông xuất phát từ Hoa Kỳ, thậm chí còn hứa hẹn người học có thể dễ dàng lấy được bằng cấp từ các Trường như Harvard, Yale, Oxford,… mà không cần đến các trường này học. Như để làm tin thêm cho các khẳng định của mình, nhiều nơi trưng lên các mẫu bằng tốt nghiệp hoặc hình ảnh tốt nghiệp của các khóa học trước đó. “Hãy đến với chúng tôi, chỉ cần 50.000 dollar, bạn sẽ có bằng của đại học X, Y, Z”, những khẩu hiệu trưng trên trang chủ nhiều website như thế này đã có tác dụng khá mạnh với những ai có “tinh thần ham học” để lấy bằng quốc tế ngay tại Việt Nam.
Các hình thức lừa đảo
Việc các Trường ĐH mở các chương trình đào tạo từ xa thông qua mạng Internet, qua sóng phát thanh, qua chương trình truyền hình là một thực tế có thật ở Việt Nam và trên thế giới. Tuy thế, “mức độ uy tín và chất lượng của các chương trình học này còn là một vấn đề còn bỏ ngỏ”, một nhà quan sát cho biết. “Nếu như thực sự có nhu cầu học tập để nâng cao kiến thức thì việc tham gia các chương trình học online như thế, người học cần phải nghiên cứu kỹ Trường và chương trình đào tạo mình sẽ học bởi nếu không, kết quả sẽ chẳng được gì. Dù vậy, vẫn theo chuyên gia kể trên, các hình thức đào tạo thường ẩn đằng sau nhiều trò mua bán bằng giả để cung cấp cho những ai có nhu cầu muốn lấy Bằng quốc tế nhưng lại không có thời gian để học hoặc không có khả năng học.
Nếu dõi theo báo chí trong vài năm trở lại đây, hiện tượng bằng giả bị phanh phui khá nhiều. Theo các chuyên gia giáo dục, rất khó có thể kiểm chứng được một bằng đại học nào là thật, là giả vì trên thế giới có hàng trăm ngàn trường trong khi bằng tốt nghiệp lại không ghi địa chỉ trường. Nếu muốn tìm trường để phản hồi thì cũng khó bởi nếu đó là trường “ma” thì sự thật sẽ không bao giờ bị phanh phui nếu không có các cơ quan Nhà Nước vào cuộc thông qua sự hợp tác giữa chính phủ hai quốc gia có liên quan”.
Cần bị lên án
Điểm chung nhất của các dịch vụ học để lấy bằng quốc tế qua mạng đó là việc học phí khá rẻ trong khi người học có thể ngồi nhà để “học” và đến đúng thời điểm theo quy định, “bằng” sẽ được chuyển về cho người học theo địa chỉ khai báo lúc đóng tiền. Riêng về chương trình học, theo một chuyên gia trong ngành giáo dục, nhiều người học xong các chương trình này thậm chí còn không biết đến những kiến thức căn bản nhất. “Tôi thắc mắc là họ học gì với thời khóa biểu gần như chẳng có gì như thế trong khi việc thi cử không bao giờ được nhắc tới cũng như không có cơ chế giám sát chất lượng đào tạo. Tôi nghĩ đây chỉ là một hình thức mua bán bằng mà thôi”.
Theo anh Trung – nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Backerley (top 10 Hoa Kỳ), khá nhiều Tổ chức đào tạo sau khi kết thúc khóa học thường vòi vĩnh người học đóng thêm một khoản tiền khá lớn trước khi gửi bằng. Nhiều người đã bấm bụng “cống nạp” thêm vì lỡ “ném lao phải theo lao”. Trong khi đó, một vài trường đại học trong nước đã quyết định từ chối đào tạo nâng cao cho những trường hợp có bằng cấp thông qua các chương trình đào tạo từ xa. “Chúng tôi không nhận hồ sơ thi cao học của những ai có bằng đại học theo dạng tự học có hướng dẫn”, đại diện trường đại học Luật HCM khẳng định.
Thi Hà
Theo xahoithongtin.com.vn
Các tin mới:
Sinh viên công nghệ tin chưa đáp ứng yêu cầu.
Phân biệt giữa Front End, Back End và Full Stack Developer.
Tuyến sinh 2018: CNTT vẫn giữ ngôi "vương" nhưng cửa đi vào Đại học "Top" trên đã khép.
6 điều có thể bạn chưa hiểu đúng về lập trình.
5 bí quyết để trở thành lập trình viên xuất sắc.
Các tin cũ hơn:
FPT "xuất khẩu" Đại học FPT sang Nigeria.
Sắp tới có 6 loại bằng Đại học.
ĐH Harvard nhận xét về giáo dục đại học ở Việt Nam.
Chủ tịch nước dự khai giảng ở ngôi trường giàu thành tích xứ Nghệ.
Một trường cao đẳng ở Nghệ An không có sinh viên?.