Bài 1: Loạn trung tâm liên kết và tuyển sinh chui
Mùa tuyển sinh đang đến gần. Nếu như trước đây, cứ đến kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, hàng vạn thí sinh thấp thỏm lo âu việc sẽ thi trường nào, ngành nào vừa với sức học, điều đó cũng đồng nghĩa cái giá của việc được bước chân vào giảng đường đại học thực sự là quý hơn vàng.
Hiện nay, với việc các trường học, các trung tâm liên kết mọc lên như nấm sau mưa, không những chất lượng học bị giảm sút, đầu vào èo ọt dẫn đến đầu ra cũng ế ẩm. Trong bối cảnh đó, không ít cơ sở đã đục nước thả câu, tìm mọi cách lôi kéo người học để móc túi trò nghèo.
Trước đây, vấn đề trung tâm liên kết, Báo Công an Nghệ An đã phản ánh tình trạng loạn thu dưới các hình thức như ủng hộ tiền đào tạo, “ép” học sinh tự nguyện nộp đến 4 triệu đồng ở một số trường trung cấp, trung tâm đào tạo liên kết trên địa bàn thành phố Vinh.
Tuy vậy, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi tại các cơ sở này, ngay từ quá trình tuyển sinh, lôi kéo người học đã có những sai phạm. Không cần thi tuyển, mà dưới danh nghĩa xét tuyển một cách sơ sài, rất nhiều em đã nghiễm nhiên trở thành sinh viên của nhiều trường đại học, cao đẳng có tiếng. Dĩ nhiên, mấu chốt là ở chỗ: tiền!
Nạn tuyển sinh chui
Tuyển sinh chui, hay còn gọi là thông qua việc liên kết đào tạo, nhiều trung tâm đã tự ra thông báo chiêu sinh bằng hình thức xét tuyển, với chiêu bài học phí thấp, lại không phải thi đầu vào nhưng sẽ được cấp bằng của các trường đại học danh tiếng trong cả nước nên rất nhiều trung tâm đã thu hút được một lượng không nhỏ các em học sinh sau khi tốt nghiệp THPT nhưng thi đại học không đậu tìm đến.
Điển hình là tại Trung tâm đào tạo nâng cao thuộc “Liên hiệp khoa học miền Trung” có địa chỉ tại số 121, Đào Duy Từ, TP Vinh. Cơ sở này do ông Hồ Xuân Mận làm Giám đốc, lấy lý do là đã liên kết với Trường Cao đẳng Thái Nguyên và Trường Cao đẳng công nghệ và kinh tế nên thời gian qua, cơ sở này treo biển tuyển sinh “Cao đẳng hai giai đoạn, chuyên ngành kế toán” - Trường Cao đẳng Thái Nguyên với hình thức xét tuyển.
Nghiễm nhiên, không phải thi cử nhưng sẽ trở thành sinh viên nên chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, có gần 200 em đã đến nộp hồ sơ, nộp tiền để làm các thủ tục nhập học. Địa chỉ mà các em được hướng dẫn tập trung là tại tầng 4, khu nhà C của Trường Chính trị tỉnh Nghệ An tại số 121, Lê Hồng Phong, TP. Vinh.
Tại đây, sau khi tập trung, các em được giải thích “Cao đẳng hai giai đoạn”, thực chất là học xong trung cấp rồi liên thông lên cao đẳng, thì mọi người mới ngã ngửa. Theo đó, thời gian học cho giai đoạn 1 học 2 năm, giai đoạn 2 học 1,5 năm. Sau mỗi giai đoạn sẽ tổ chức thi theo quy định của Bộ GD&ĐT. Khi tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân cao đẳng chính quy. Kinh phí đào tạo, mỗi tháng là 350.000 đồng, mỗi kỳ học thu 5 tháng, còn các khoản phải đóng khác thu theo quy định.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hà, phụ trách Trung tâm cho rằng, khóa học 2011 - 2015 Trường Cao đẳng Thái Nguyên đã đồng ý cho Trung tâm đào đạo nâng cao thuộc Liên hiệp khoa học miền Trung (Hội địa chất Việt Nam) mở lớp tuyển sinh với 480 chỉ tiêu, hiện đã có đủ hồ sơ. Còn việc tuyển sinh “Cao đẳng hai giai đoạn” thực chất là cách nói khác của việc liên thông từ trung cấp lên cao đẳng để thu hút học sinh.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, cái “gốc” của việc liên kết này, thực chất là sự “trao tay” của Trường Trung cấp Du lịch miền Trung (TX Cửa Lò) cho Trung tâm của ông Mận. Cụ thể, việc liên kết là được thực hiện giữa Trường Cao đẳng Thái Nguyên với Trường Trung cấp du lịch miền Trung.
Thế nhưng, do trường này cũng đang trong tình trạng ngắc ngoải vì không có người học (sẽ trở lại trong bài sau), thì trường này lại “trao tay” việc liên kết cho một trung tâm cấp thấp nhưng có tài thu hút học sinh hơn, ấy là Trung tâm đào đạo nâng cao.
Trường ĐH Thái Nguyên tuyển sinh hệ Cao đẳng xét tuyển kết quả học tập cấp III?
Và tại thời điểm chiêu sinh, mặc dù chưa được Sở GD&ĐT Nghệ An thẩm định, cho phép, đơn vị này vẫn rình rang tuyển sinh. Ngoài việc lập lờ đánh lừa người học bằng hình thức “Cao đẳng hai giai đoạn”, Trung tâm này còn lập lờ đánh lận con đen khi thu mức học phí của hệ cao đẳng, trong khi thực chất các em đang được đào tạo hệ trung cấp.
Công ty cũng tuyển sinh
Tại Công ty CPXD Thương Mại và Xuất khẩu Đông Dương (247 đường Lê Duẩn, TP Vinh) cũng là cơ sở được đánh giá là tuyển sinh khá rầm rộ khi treo ba-nơ tuyển sinh nhiều ngành học của các trường như ĐH Vinh, ĐH Điện lực và một số trường khác. Lý giải vì sao Công ty Xây dựng và Xuất khẩu lại tuyển sinh, một nữ nhân viên làm công việc tiếp nhận hồ sơ tại đây cho hay, văn phòng đã có sự liên kết với các Trường đại học để tuyển sinh, nhiệm vụ của công ty là tổ chức điểm dạy, thu tiền học phí của sinh viên.
Còn phía các trường đại học thì chịu trách nhiệm giảng dạy và cấp bằng theo quy định. Học phí đại học văn bằng hai là 5,9 triệu đồng cho năm đầu tiên và 6,9 triệu đồng cho năm tiếp theo. Tất cả số tiền này đều phải nộp qua công ty. Tương tự, tại trụ sở Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư và phát triển Quốc gia (địa điểm tại Trường THPT Hữu Nghị, TP Vinh), cũng có chức năng tuyển sinh vào Trường ĐH Vinh, với giá 15 triệu đồng kèm theo phiếu báo điểm của kỳ thi đại học, cao đẳng vừa rồi là có thể chọn ngành học.
Được biết, ĐH Vinh chỉ là một trong số hơn 30 trường ĐH mà công ty này liên kết tuyển sinh, một số trường “hot” khác cũng được rao giá, như vào Học viện Bưu chính viễn thông là 25 triệu đồng; Học viện Tài chính là 27 triệu đồng và ĐH Kinh tế quốc dân hơn 30 triệu đồng. Một đơn vị khác trên đường Nguyễn Viết Xuân là Công ty CP Thương mại và đầu tư giáo dục Việt Nam cũng có chức năng tương tự.
Đại diện của Trường ĐH Vinh cho hay, việc liên kết với các công ty, thực chất là hình thức đào tạo theo địa chỉ sử dụng, nhà trường đã thực hiện từ 4 năm nay. Mục đích của việc liên kết này là sau khi ra trường, các công ty liên kết sẽ nhận các em sinh viên vào làm việc.
Tuy vậy, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, bản chất của đào tạo theo địa chỉ sử dụng là để trục lợi, chứ các doanh nghiệp không hề có mục đích sử dụng. Bằng chứng là, lợi dụng các thí sinh có đầu vào thấp, các công ty đã thu tiền đầu vào cao ngất ngưởng (cao hơn những thí sinh khác từ 2 lần - 3 lần).
Thậm chí, các khoản tiền 15 triệu, 20 triệu hay 30 triệu đồng ban đầu, như tại trường ĐH Vinh là cơ sở liên kết, chịu trách nhiệm đào tạo nhưng không hề biết các công ty đã thu của thí sinh.
Theo quy chế 42 ban hành kèm Quyết định 42/2008/QĐ-GDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo chỉ bao gồm các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, các đại học, học viện và trung tâm giáo dục thường xuyên các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh)” và hình thức tuyển sinh Cao đẳng chuyên nghiệp chính quy là “Xét kết quả thi đại học, cao đẳng và tổ chức thi tuyển đầu vào”.
Thiên Thảo
Báo Công An Nghệ An