Nhận định về chất lượng giáo dục tại Việt Nam hiện nay, ông Bodewig cho biết: Nếu xem xét về kỹ năng giáo dục cơ bản (khả năng đọc, viết), học sinh Việt Nam đã thể hiện rất tốt. Một điều tra gần đây tại Việt Nam, Lào, Sri Lanka, Bolivia và một số tỉnh Trung Quốc về kỹ năng này cho thấy, học sinh Việt Nam và Trung Quốc có kết quả tốt nhất.
Các bạn có thể cho rằng Lào là một nước nghèo hơn Việt Nam nên chẳng có lý gì để so sánh nếu biết các học sinh tốt nghiệp tiểu học Việt Nam có trình độ đọc hiểu tốt hơn học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của Lào. Song, học sinh Việt Nam trên thực tế còn có trình độ giáo dục cơ bản tốt hơn những nước có trình độ phát triển cao hơn như Sri Lanka và Bolivia. Điều tra cũng xác nhận, trình độ toán học của học sinh Việt Nam cao hơn Ấn Độ, Peru, Ethiopia. Kết quả này cho thấy hệ thống giáo dục cơ bản của Việt Nam đã đạt được kết quả tốt.
Có nghĩa nền giáo dục Việt Nam đi đúng hướng?
- Giáo dục cơ bản của Việt Nam đã là một thành tựu đáng tự hào. Song vấn đề tiếp theo là làm sao để thúc đẩy và biến chúng thành các kỹ năng phục vụ tốt cho công việc sau này, và đảm bảo phát triển khả năng ứng xử, suy nghĩ phản biện, giải quyết vấn đề, trình bày...
Bình luận của ông khi nhiều ý kiến chỉ trích tình trạng “nhồi chữ và học vẹt” tại Việt Nam, trong lúc thế giới luôn kích thích trí sáng tạo của trẻ em, thay vì phụ thuộc sách giáo khoa?
- Sự chỉ trích hệ thống giáo dục có ở mọi nơi, mọi quốc gia. Điều đó là dễ hiểu, bởi các bậc phụ huynh luôn lo lắng cho con cái mình và mong thế hệ kế tiếp sẽ có những kỹ năng tốt hơn cha ông. Nhưng các bạn cũng cần nhìn vào những cái đã đạt được, và nên thúc đẩy sự phát triển dựa trên nền tảng này. Việt Nam đang viết lên những câu chuyện thành công, và giáo dục chính là một công cụ quan trọng để tạo thêm những thành công mới.
Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều đánh giá liên quan đến lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, bao gồm một nghiên cứu mới về các kỹ năng cần thiết mà người lao động Việt Nam muốn có. Kỹ năng đầu tiên là chuyên môn, tiếp theo là phối hợp hay làm việc nhóm để giúp người lao động có khả năng giải quyết tình huống. Kỹ năng cuối cùng chính là thái độ ứng xử trong công việc, như liệu người lao động ấy có đi làm đúng giờ, có giao thiệp tốt với đồng nghiệp.
Điều thú vị ở đây là khi đánh giá về quá trình hình thành các kỹ năng này, câu trả lời là chúng không phải được hình thành tại các trường đại học. Ví dụ, nếu như muốn trở thành một thợ điện, hay một kỹ sư, thì người lao động phải học hỏi kỹ năng chuyên môn tại trường đại học hoặc trường nghề. Song những kỹ năng khác, như kỹ năng phản biện, làm việc theo nhóm, hợp tác hay thái độ giao tiếp, đều được hình thành từ trước đó rất nhiều, khi còn ngồi ở ghế nhà trường, thậm chí là từ trường mẫu giáo.
Ý ông là tấm bằng đại học không phải chìa khóa duy nhất đảm bảo thành công trong công việc?
- Trường đại học chỉ là một trong nhiều cánh cửa giúp đạt được thành công khi ra trường đời. Nếu một học sinh trượt đại học, không có nghĩa sự nghiệp đã chấm dứt tại đó. Ở bất kỳ một nền kinh tế phát triển nào như Mỹ, Anh hay Đức, các nhà tuyển dụng đều khẳng định kỹ năng chuyên môn, lẫn khả năng phối hợp và ứng xử đều có tầm quan trọng rất lớn đối với sự thành công của ứng viên. Vì vậy, hệ thống đào tạo chuyên môn của Việt Nam (các trường đại học, cao đẳng) cần có sự hợp tác tốt hơn nữa đối với các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp để hiểu hơn về nhu cầu lao động của họ, để điều chỉnh hướng đào tạo.
Song điều quan trọng hơn là các trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học, trung học của Việt Nam cần phải chú trọng đến việc đào tạo kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho các học sinh.
Bình luận trên mạng, một bạn đọc viết: “Vài tỉ cũng không thể mua lại được tuổi thơ đã mất” để nói về tình trạng học thêm tràn lan tại Việt Nam. Ý kiến của ông?
- Tôi chưa thấy có bằng chứng về việc học thêm nhiều sẽ giúp cho trẻ em Việt Nam đạt được thành công lớn sau này. Từ quan điểm cá nhân, tôi mong muốn các con của mình sẽ dành thời gian vào buổi tối cho các hoạt động khác, hơn là phải ngồi ôn lại những gì đã phải học ở trường suốt cả ngày.
Hiện Ngân hàng Thế giới đang phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam thực hiện dự án thí điểm tại 1.500 trường học về mô hình các lớp học mới. Theo đó, mỗi lớp thường được chia thành các nhóm 4 em để tự thảo luận, tìm ra cách giải quyết cho các vấn đề cụ thể được đưa ra. Điều này sẽ giúp tạo ra kỹ năng phối hợp nhóm cho các học sinh ngay từ nhỏ. Theo nhận xét của giáo viên, các học sinh tham gia những lớp học này trở nên tự tin hơn, tích cực đưa ra ý tưởng. Việc tạo cho trẻ em sự tự tin vào chính mình sẽ giúp tạo động lực thành công sau này.
Xin cảm ơn ông!
Theo Laodong.com.vn