Thạc sỹ a lo
Posted: 22/2/2014.
Thông báo tuyển dụng trên Báo Tuổi Trẻ chưa đăng hết lần ba như thỏa thuận, công ty đã nhận được 37 đơn xin làm nhân viên trực tổng đài trong khi chúng tôi chỉ cần tuyển một nhân viên tốt nghiệp trung học phổ thông.
Phòng tổ chức cho biết, trong số 37 người gửi đơn có 3 người trình độ thạc sĩ, 30 người tốt nghiệp đại học, chỉ có bốn người có học vấn theo đúng yêu cầu của công ty!
Tôi không quá ngạc nhiên về "nguyện vọng" của những người tìm việc ấy, khi mà trong gia đình ông bố bà mẹ nào cũng thúc ép con mình phải tốt nghiệp đại học, mặc dù không biết sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì.
Không nói đâu xa, đứa cháu tôi nhà ở quận 8, chồng làm việc tại quận 7, vợ làm việc trong quận 5, chạy chọt để đưa con vào trường điểm quận 1 mà không hề quan tâm trình độ của cháu có phù hợp hay không, cứ nghĩ vào được trường điểm là "ngon".
Hằng ngày, tôi phải đau đầu với những người bạn nhờ xin việc cho con, cho cháu vừa tốt nghiệp đại học, không cần đúng ngành nghề, miễn có việc làm là được.
Đơn giản là khi thi vào đại học, những trường có nghề mà chúng chọn thì lại trượt, phải theo học trường "nguyện vọng hai", "nguyện vọng ba", nên ra trường đâu có được làm nghề mình mong muốn.
Rồi suốt những năm trên giảng đường đại học, rất nhiều sinh viên học đối phó để lấy bằng, đến lúc ra trường cũng không quan tâm chỗ làm có phù hợp với khả năng hay không.
Mấy năm gần đây, hầu như tỉnh nào cũng có một vài trường đại học, thu nhận sinh viên thậm chí các môn thi chỉ cần đạt tổng cộng vài điểm, tức "chất lượng đầu vào" quá kém thì tất nhiên không thể có sinh viên giỏi.
Tình trạng "lạm phát" trường đại học và các trường đại học "lạm phát" ấy đua nhau liên kết với những trường đại học chất lượng thấp ở nước ngoài để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ càng đẻ ra những "trí thức" không có hoặc có rất ít tri thức. Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng khi ra trường sinh viên không thể tìm được việc làm.
Xứ ta đang có tình trạng nhiều phụ huynh cho con du học nước ngoài là để "đánh bóng tên tuổi" với họ hàng. Tôi có một người bà con xa làm ở ngành thú y tỉnh Đồng Nai, ngoài tiền lương, anh kiếm thêm nhờ chích heo dạo, tiêm ngừa dịch cúm gia cầm. Mỗi lần mua sắm thêm đồ đạc trong nhà, anh phải bán heo, bán gà. Thế mà tháng rồi tôi nhận được tin anh cho con du học tự túc ở Úc.
Để có khoản tiền cho con du học, anh đã bán căn nhà ở Xuân Lộc và miếng vườn hơn 1.000m2, dọn về ở chung với ba mẹ. Sự hy sinh của anh chị là để đáp ứng ham muốn "bằng anh bằng chị” vì trong họ hàng nhà nào cũng có con du học! Tôi nghĩ, chắc anh cũng như không ít gia đình khác, cứ tìm cách cho con du học, còn mai sau con làm được gì... thì tính sau!
Tôi phỏng vấn một thạc sĩ nộp đơn xin làm nhân viên trực tổng đài, anh thật thà cho biết: "Do chưa tìm được việc làm, cháu đành chọn việc trực tổng đài ở một đơn vị có tên tuổi, hy vọng sẽ có cơ hội tiếp cận doanh nhân, mở đường cho cháu khởi nghiệp".
Mỗi người đều có lý lẽ riêng để biện minh cho việc làm của mình, nhưng cứ tính, mỗi sinh viên qua bốn năm trên giảng đường đại học tiêu tốn biết bao nhiêu tiền để rồi không đáp ứng được nhu cầu của xã hội thì quả là quá lãng phí. Trong khi đó, những người thợ giỏi tay nghề, những chuyên viên kỹ thuật giỏi chuyên môn thì cung không đủ cầu.
Sự mất cân đối này đã đến hồi báo động cũng như đáng báo động về bệnh hám danh đã trở thành "phong trào thi đua" không hồi kết. Không chừng mai đây sẽ có thêm tiến sĩ a lô.
Theo Tuổi trẻ
Các tin mới:
Sinh viên công nghệ tin chưa đáp ứng yêu cầu.
Phân biệt giữa Front End, Back End và Full Stack Developer.
Tuyến sinh 2018: CNTT vẫn giữ ngôi "vương" nhưng cửa đi vào Đại học "Top" trên đã khép.
6 điều có thể bạn chưa hiểu đúng về lập trình.
5 bí quyết để trở thành lập trình viên xuất sắc.
Các tin cũ hơn:
Vì sao các CEO Ấn Độ thành công.
Aptech - Lựa chọn đầu tư thông minh..
Sinh viên Việt Nam mới ra trường đã muốn làm sếp.
Giáo dục đại học đối mặt với nhiều thách thức: Đi tìm giải pháp.
Đi tìm sự thật ở nhà trường Việt Nam.