Năm 2020 sẽ thành nước công nghiệp?
Trao đổi về vấn đề cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước cho biết: "Giáo dục nói chung của chúng ta, đặc biệt là giáo dục nghề và đại học đang không gắn với việc phát triển KT-XH cho nên hiệu quả kém, lãng phí về mặt thời gian, tiền của, đúng như lời nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương từng khẳng định, chúng ta đang làm thanh niên lãng phí thời gian”.
Vậy, làm sao để giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học gắn với việc đào tạo xây dựng nguồn nhân lực? Theo quan điểm bà Bình, vấn đề hết sức quan trọng là phải có chiến lược phát triển KT-XH rõ ràng hơn
"Cụ thể, nói năm 2020 chúng ta có mục tiêu xây dựng nước Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại? Như vậy là như thế nào? Một nước Việt Nam công nghiệp hiện đại trung bình, chỉ tiêu nó là cái gì, phải đạt cái gì thì mới là nước công nghiệp hiện đại trung bình?", nguyên Phó Chủ tịch nước đặt câu hỏi.
“Tôi hỏi một số đồng chí thì được trả lời là đang bàn. Năm 2020 đến nơi rồi mà bây giờ còn đang bàn! Cho nên những vấn đề này cần phải rõ thì mới có thể xem thử chúng ta cần nguồn nhân lực thế nào”, bà Nguyễn Thị Bình nói thêm.
Theo lời bà Nguyễn Thị Bình, Ủy ban giáo dục nguồn nhân lực quốc gia phải trả lời đến năm 2020 Việt Nam cần cái gì? Công nghiệp cần cái gì, nông nghiệp cần cái gì, các mặt chúng ta cần cái gì?
“Mọi vấn đề đều chưa rõ thì bảo giáo dục đại học có kế hoạch thì rất khó. Tôi nghĩ giải quyết vấn đề này có lẽ phải là Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Lao động Thương bình và Xã hội. Chúng ta phải trả lời những câu hỏi đó rồi mới bàn tiếp”, bà Bình khẳng định.
Để người học có kế hoạch vào đời
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đề nghị phải làm rõ mục tiêu “sau 2015 có 80% thanh niên có trình độ THPT", vậy trình độ này là như thế nào, dù bà hoàn toàn đồng ý với kiến nghị phân luồng sau THCS.
Theo bà Bình, từ cấp THCS, chúng ta có thể đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu nhưng kèm theo đó là chất lượng.
Vấn đề phân luồng sau THCS không còn là mới, khi bà Bình còn là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vấn đề này đã từng được đưa ra nhưng vẫn chưa làm được. Theo bà Bình, lý do chúng ta công bố yêu cầu nguồn nhân lực không rõ ràng.
“Nếu người ta biết yêu cầu công nhân cần như thế nào thì không thi vào đại học mà đi vào con đường nghề nghiệp, nhưng ta không nêu ra nên ai cũng có mong muốn mình có trình độ cao để cuộc sống tốt hơn. Sau THCS phân luồng là đúng”, bà nhận định.
Tuy nhiên, hiện tại chúng ta đang bàn về thi phổ thông và thi đại học, những người không muốn đi tiếp mà muốn đi theo phân luồng thi chúng ta giải quyết như thế nào? Từ thi cử, kiểm tra, đó là vấn đề.
Thực tế, ai cũng muốn đi từ THPT lên tới đại học, nhưng cần làm rõ vấn đề, nếu người đó thấy rằng đi học lên cao sẽ khó hơn, có thể đi theo con đường học nghề (thành công không hẳn bằng cách duy nhất vào đại học) là điều tác động trực tiếp vào thanh niên.
Chi phí thấp, không chất lượng
Về cơ cấu đại học, cao đẳng, theo nguyên Phó Chủ tịch nước, càng trở nên quan trọng hơn nếu đặt vị trí ở từng loại trường, mục tiêu rõ ràng, từ đó xác định chương trình đào tạo như thế nào, không thể chỉ định khung chung mà phải đi vào xác định vị trí của từng loại hình trường.
Bà Bình lưu ý, vấn đề chi phí đào tạo đại học cũng cần phải xem lại, bởi đây là một vấn đề lớn, nếu đào tạo trong khi chi phí thấp thì không thể có chất lượng cao – vấn đề giải quyết trước mắt. Bà Bình ví dụ: "Trường Đại học Tân Tạo chi phí học bổng cho mỗi sinh viên là 3.000 USD, tương đương 60 triệu đồng, các trường khác chỉ 10 triệu đồng thì không thể có chất lượng".
Thêm nữa, trong quy chế trường đại học phải làm rõ phi lợi nhuận và lợi nhuận, vấn đề này có liên quan trực tiếp tới các trường đại học.
“Muốn giải quyết đại học cho tốt thì không những ở hệ thống mà còn là vị trí của từng loại hình, và phải coi lại chi phí đào tạo như vậy đã hợp lý chưa”, nguyên Phó Chủ tịch nước băn khoăn.
Theo Giaoduc.net.vn