Ông Đào Ngọc Chuyền, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho hay trong quá trình đảm nhận vai trò tư vấn về thuế, ông nhận thấy rất nhiều điểm còn vướng mắc. Một số ưu đãi thuế hiện hành chưa gắn được với được với thực trạng nền kinh tế. Với những doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn, đôi khi họ làm là vì xã hội chứ chưa chắc đã có lợi nhuận. Do vậy, chính sách ưu đãi thuế cần phải cụ thể, rõ ràng.
Theo ông, trong bối cảnh bão giá hiện nay, chi phí doanh nghiệp phát sinh là rất lớn. Do vậy, để doanh nghiệp yên tâm, Nhà nước quan tâm đến các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và cả thuế VAT. Đối tượng nằm trong diện xem xét là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Chuyền phân tích, hiện nay, thuế thu nhập doanh nghiệp áp mức phổ thông 25%. Mức này đã trở thành lạc hậu so với bối cảnh thực tế chi phí đầu vào đều tăng cao và việc huy động vốn khó khăn. Do vậy, nếu thuế thu nhập doanh nghiệp giảm xuống mức 20% hoặc dưới 25% sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp tích lũy vốn, tái sản xuất đầu tư, kích thích sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, ông Chuyền cũng đề xuất xem xét lại các mức thuế VAT áp dụng với nhiều nhóm mặt hàng, dịch vụ hiện nay để bắt kịp với tốc độ tăng giá và chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Đại diện cho Hiệp hội các doanh nghiệp bảo hiểm, ông Nguyễn Bằng Duy cũng đề xuất miễn thu thuế VAT đối với các dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ. Lý do là, VAT là thuế gián thu, doanh nghiệp chỉ làm nhiệm vụ đóng thuế thay khách hàng. Như vậy, miễn thuế là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho những người dân sử dụng dịch vụ.
Hiệp hội chè VN cũng đề xuất cho các doanh nghiệp được giảm thuế VAT đối với chè sơ chế và hàng bán ra thị trường từ mức 5-10% xuống 0-5%. Việc giảm thuế này theo hiệp hội là nhằm tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Tại cuộc hội thảo, một số vấn đề liên quan đến công tác thu và hoàn thuế cũng được đại diện một số doanh nghiệp đề cập. Đại diện Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank) cho rằng hiện nay có thực trạng thu thuế nhanh mà hoàn thuế lại chậm. Doanh nghiệp chậm nộp thuế thì bị phạt, còn cơ quan thuế chậm hoàn cho doanh nghiệp lại không làm sao. Do vậy, vị đại diện này đề nghị Bộ Tài chính làm rõ các quy định về hoàn thuế, thời gian, cách thức xử lý để doanh nghiệp được biết.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng đây sẽ là cơ sở để cơ quan này cân nhắc các phương án điều chỉnh tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế VAT sửa đổi.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để xây dựng đề án sửa đổi Luật Thuế VAT theo hướng tăng ưu đãi đối với dịch vụ, hàng hóa thiết yếu. Đồng thời, tăng các mức thuế đối với mặt hàng xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng như điện thoại, ôtô, xe máy...
Đối với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa sửa đổi được một điều khoản ưu đãi một số khoản thuế cho cơ quan báo chí. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe để xây dựng các mức thuế mới trong Luật sửa đổi.
Trên thực tế, từ năm 1997 đến nay, thuế suất quy định tại Luật này đã có 3 lần sửa đổi. Nếu như năm 1997, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng mức 32% thì đến năm 2003, Luật sửa đổi, giảm thuế xuất xuống còn 28%. Từ 1/1/2009, Luật thuế mới cho phép áp dụng mức thuế ưu đãi còn 25%.
Hồng Anh
Theo VnExpress