Tự mở cánh cửa vào đời
“Tôi thi vào Trường ĐH Bách khoa, khoa xây dựng chỉ vì nghĩ đơn giản con trai chọn những ngành mạnh mẽ, nhưng học rồi mới biết kết cấu gạch ngói, vôi vữa không hợp với tính cách của mình nên khi thi chuyển giai đoạn tôi lại sang ĐK Khoa học tự nhiên, khoa công nghệ thông tin. Học được hai học kỳ, tôi lại một lần nữa quyết định bỏ trường ĐH mà chuyển sang học Lập trình viên Quốc tế. Nhiều người ngăn cản nhưng tôi phải tự quyết định con đường vào đời của mình...”. Bùi Xuân Nguyên kể lại một giai đoạn khó khăn khi tự mở cánh cửa vào đời của mình.
Xuân Nguyên đăng ký khóa học đầu tiên chương trình đào tạo lập trình viên của FPT-Aptech. Thời gian đào tạo hai năm (1999-2001) tương đương cao đẳng nghề nhưng đã kích thích Nguyên hăng say và năng động hơn.
“Tôi học cùng với các anh chị làm việc chuyên về sản xuất phần mềm. Thấy công việc thật hay và thèm được như họ, tôi đặt quyết tâm học để trở thành đồng nghiệp của họ” - Nguyên kể. Xuân Nguyên chọn học ban đêm, ban ngày đi phỏng vấn xin việc để tự tạo cho mình kinh nghiệm sống.
Và bằng nỗ lực vượt bậc, kết quả học tập chương trình đào tạo lập trình viên Nguyên nằm trong số sinh viên được FPT tuyển dụng ngay sau năm học đầu tiên. Ngày ngày đi xe lên Công viên phần mềm Quang Trung, tối ngược về Sài Gòn học ban đêm với một mục tiêu: trở thành một chuyên viên phần mềm số 1 tại TP.HCM.
Ra đi với tinh thần Việt
Một môi trường trẻ với đồng nghiệp đa số là những người giỏi, Nguyên từng bước thâm nhập những đơn hàng khó, dài hạn với khách hàng nước ngoài.
Thói quen của dân IT, với một laptop trong tay Nguyên có thể làm việc ở bất cứ đâu trong mọi điều kiện, gói gọn cả văn phòng trong chiếc cặp nhỏ, Nguyên cùng đồng nghiệp thực hiện các dự án trị giá hàng trăm ngàn USD (nằm trong các dự án lớn của FPT).
Không chỉ “chiến đấu” trong nước, Nguyên còn biến những chuyến xuất ngoại thành môi trường học tập một cách nghiêm túc. Chuyến đi đầu tiên một mình mang chương trình phần mềm cho khách hàng Nhật, doanh nghiệp nằm trong top 50 của thế giới về công nghệ điện tử và kỹ thuật cao.
Nguyên còn nguyên ấn tượng về lối sống công nghiệp của người Nhật “ăn đứng, ngủ đứng”, bước xuống sân bay là lao vào làm việc ngay với cường độ rất cao, thường đến 22-23 giờ, có khi đến 5 giờ sáng hôm sau.
“Trong đầu tôi lúc ấy chỉ có một mệnh lệnh là mang về chiến thắng cho tinh thần Việt” - Nguyên nhớ lại. Kết quả, dự án không chỉ hoàn thành, triển khai trong toàn mạng dịch vụ kinh doanh và quản lý kho bãi của khách hàng, mà còn tiếp nối các dự án tiếp theo từ chính đơn hàng khó này.
Từ những chuyến xuất ngoại một mình, Nguyên ngày càng tự tin và vươn lên trở thành một trong những “top ten” của FPT tại TP.HCM. Hiện nay Nguyên vừa quản lý dự án, quản lý một đội ngũ lập trình viên cao cấp để triển khai nhiều dự án lớn.
Với Nguyên, TP.HCM là một thành phố công nghiệp hàng đầu trong cả nước, cần phải biết phát huy thế mạnh công nghệ thông tin, khả năng của những người trẻ để xứng danh với thành phố anh hùng.
NGUYỄN BAY
(theo báo Tuổi Trẻ)