>> Thắng Italia sau loạt "đấu súng", TBN bay vào bán kết
>> HLV Donadoni biện minh cho thất bại
>> Chùm ảnh: Niềm vui TBN, nỗi buồn của người Italia
30.000 tifosi, trong khi các CĐV Tây Ban Nha không vượt quá 12.000 người, đã có mặt ở Vienna với hy vọng được hưởng niềm vui chiến thắng của Azzurri trước Tây Ban Nha, điều vẫn thường diễn ra trong suốt 88 năm qua tại các giải đấu chính thức. Nhưng rồi họ đã phải cúi đầu ra về trong nỗi thất vọng ê chề.
"Họ đã phản bội niềm tin của chúng ta, hãy để dành nước mắt cho những ai xứng đáng hơn, còn những con người ấy không đáng được nhận nó", một nhóm CĐV đã tỏ ra tức giận khi lặn lội từ quê nhà sang Áo để rồi chứng kiến một trong những trận đấu tệ hại nhất trong lịch sử Italia.
Italia đã thua một cách toàn diện trước người Tây Ban Nha, và nếu không có sự xuất sắc của thủ môn Gigi Buffon lẫn trung vệ Chiellini, trận đấu đã không phải cần phải phân định thắng thua bằng những loạt đấu súng, để rồi HLV Donadoni không còn đổ lỗi cho sự thiếu may mắn.
Khi mà Gattuso và Pirlo bị treo giò, Italia đã bộc phải từ bỏ hàng tiền vệ "made in Milan" để sử dụng những nhân tố đến từ Roma. Thay vì thay đổi cách bố trí hàng tiền vệ theo đúng chất Roma để thích hợp với những con người trên sân, Donadoni lại "copy" lối chơi mang đậm phong cách Juve.
Hãy điểm qua một chút về Juve. Trong lịch sử thành công của "Lão phu nhân" luôn gắn liền với phong cách thực dụng, đôi khi đến tàn nhẫn. Lối chơi đề cao sự tính toán và chặt chẽ của Juve bị cho là giết chết bóng đá đẹp, nhưng hiệu quả của nó là rất lớn.
Juve không cần tấn công nhiều, họ có thể từ bỏ việc cầm bóng nhưng luôn biết cách làm cho đối thủ của mình sợ hãi để rồi khai thác điểm yếu. Nhưng Italia của Donadoni, dù học theo lối chơi này, nhưng đã không biết cách để áp dụng, và chính sự thực dụng đã quay lại giết chết đội bóng Thiên thanh.
Italia của Donadoni đã không thể làm được như Juve. Trước một Tây Ban Nha vừa đá vừa nơm nớp lo sợ những đợt phản công bất ngờ, Italia lại chủ động kéo cả đội hình về án ngữ trước vòng cấm địa nhà. Những tiền vệ không được phép dâng cao trong khi các tiền đạo thì lạc lõng ở phía trên.
Nếu Juve có thể kiểm soát thế trận khi họ không cầm bóng, thì Italia trong đêm lạnh lẽo ở Vienna lại không làm được điều đó. Họ, những cầu thủ Italia, đã chỉ biết chạy, chạy (theo số liệu thống kê, tổng quãng đường di chuyển của Italia nhiều hơn TBN) và nhìn đối thủ của mình chơi bóng.
|
Phong độ tệ hại của Toni cũng là hình ảnh chung của Italia.
Ảnh: Grazia Neri |
Sự thực dụng thái quá của Italia không chỉ giết chết trận tứ kết được chờ đợi nhất tại EURO 2008, mà nó còn giết chết chính họ. Ngoại trừ tình huống vô-lê của Camoranesi đập vào chân Casillas, những pha tấn công của Italia thiếu đi cái hồn của một người cầm trịch, và chưa đủ để tạo bất ngờ trong lối chơi phòng ngự phản công mà họ đã chọn.
Italia đã chủ động đưa trận đấu về chấm 11m, và HLV Donadoni đã đưa Del Piero vào sân trong hiệp phụ thứ hai với hy vọng anh sẽ là người sút quả quyết định, như Grosso từng làm được ở trận chung kết World Cup 2 năm trước. Nhưng họ đã thất vọng, và Del Piero thậm chí không có cơ hội thực hiện loạt đá của mình.
Nhưng Italia không chỉ thực dụng ở sân Ernst Happel, mà ngay cả tư tưởng của HLV Donadoni cũng thực dụng hơn cái tuổi của ông. Từng gây ấn tượng nhờ phong cách tấn công khi dẫn dắt Livorno, và là một cầu thủ chạy cánh ấn tượng khi còn khoác áo Milan, Donadoni được lựa chọn thay Lippi với hy vọng sẽ mang đến sự cách tân cho Azzurri đang đi vào giai đoạn "lão hóa".
Kết quả? Những cuộc cách mạng đã được thực hiện ít nhiều ở vòng loại, nhưng khi bước vào VCK, Donadoni thậm chí bảo thủ và thực dụng hơn tất cả những người tiền nhiệm trước đó. Ông đã không có được chính kiến, đã không tạo cho mình một phong cách riêng và rồi hết "copy" mô hình Milan đến học theo lối chơi mà Lippi từng đưa Italia lên đỉnh cao thế giới.
Khi mà Donadoni còn chưa thay đổi được tư duy của mình, việc Italia chỉ biết thực hiện lối chơi thực dụng và gục ngã bởi chính vũ khí của mình là một điều tất yếu.
Một tiền đạo suốt 360 phút chính thức (không tính hiệp phụ) như biến thành hậu vệ của đối phương đã luôn được "đóng đinh" một cách chắc chắn trên hàng công (Toni). Một "ông lão" đã quá chậm chạp và xuất thân từ hậu vệ cánh bị ép vào đá trung vệ (Panucci, dù "ông ta" ghi bàn gỡ hòa trận gặp Romania), trong khi những người trẻ tài năng hơn phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị.
Chỉ sử dụng 1 vị trí trên hàng công, hoặc nhiều lắm là 2 người, nhưng lại mang đến 6 tiền đạo là một sự phí phạm. Và trong số đó, người thì luôn thất bại suốt 1 thập niên qua (Del Piero), người thì không có duyên ở một giải đấu lớn như giải VĐQG (Toni, chỉ ghi bàn trong trận tứ kết World Cup 2006, chấm hết), một mới chỉ 2 lần ra sân từ ghế dự bị trong màu áo Thiên thanh (Borriello).
|
Italia nên dành chỗ cho Gamberini (5) và Aquilani (22) hơn là đặt niềm tin vào những cầu thủ lớn tuổi và kém duyên như Del Piero. Ảnh: AFP |
Trong khi đó, những người có khả năng hơn dường như bị bỏ quên. Ở vòng loại, Italia đứng đầu bảng xếp hạng nhờ những trận thắng mang dấu ấn của "đôi cánh" Di Natale và Quagliarella, nhưng đến VCK thì họ gần như bị ném ra đường. Di Natale được vào sân 2 lần, trong khi Quagliarella chỉ xuất hiện được một vài phút ít ỏi.
Italia đã không còn một thủ lĩnh thực sự. Pirlo đã không còn là mình sau mùa giải thất vọng với Milan, và đã bỏ quên mọi phẩm chất tốt nhất của một nhà kiến thiết tại Athens trong một đêm cuối tháng 5/2007. Gattuso cũng không còn là mình, De Rossi thì có thừa quyết tâm nhưng lại yếu tâm lý ở thời khắc quyết định.
Hy vọng duy nhất của Italia ở giải đấu này dựa hết vào đôi tay thủ thành Buffon. Nhưng dù xuất sắc đến mấy thì Buffon cũng không thể đưa Italia đi tiếp một khi những vị trí phía trên anh tự đánh mất mình.
De Rossi không có lỗi, và Di Natale cũng thế. Người ta có thể đổ lỗi cho họ đã sút hỏng những quả phạt đền của mình để biện minh cho thất bại của Italia. Thực tế, Italia đã có thể về nước sớm hơn nếu hàng công Tây Ban Nha không "để quên" phẩm chất ghi bàn của mình ở vòng bảng.
Sau thất bại ở EURO 2008 là kế hoạch bảo vệ danh hiệu thế giới. Nhưng tất cả sẽ là con số 0 nếu Italia không tự thay đổi mình. Những "ông già" đã hết thời và không có duyên cần được loại bỏ để nhường chỗ cho những nhân tố trẻ hơn, khát vọng hơn. Nhưng trước hết, cần thay đổi tư duy của chính Donadoni, hoặc chiếc ghế mà ông đang ngồi.