Nơi đây đã lưu danh mãi mãi khoảnh khắc bất tử của 11 cô gái và 2 chàng trai thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317- TNXP Nghệ An. Họ đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Cung đường lịch sử
Thấm thoắt đã gần 40 năm kể từ ngày máu lửa (31/10/1968)- ngày mà 11 cô gái và 2 chàng trai của Tiểu đội 2- đại đội 317 TNXP Nghệ An anh dũng hy sinh, địa danh Truông Bồn đã thành bất tử trong lịch sử chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Vào thời kỳ ác liệt nhất của chiến tranh phá hoại năm 1964-1972, tuyến đường 15A trở thành huyết mạch giao thông quan trọng nhất để chi viện hàng hoá, vũ khí, lương thực... từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Bởi thế, giặc Mỹ điên cuồng ném bom bắn phá. Truông Bồn được mệnh danh là cửa tử, là túi bom trên tuyến đường này. Năm 1968, Mỹ chuyển sang tập trung sức mạnh không quân, hải quân ráo riết đánh phá ác liệt nhằm ngăn chặn và cắt đứt con đường chi viện. Tuyến Truông Bồn dài 15 km, vậy mà chỉ tính riêng từ tháng 6 đến tháng 10/1968, Không quân Mỹ đã ném 2.692 quả bom, bắn hàng trăm quả tên lửa, hàng trăm xe ô tô chở hàng và hàng trăm khẩu pháo trên đường vào mặt trận của bộ đội ta bị trúng bom bốc cháy. Để bảo đảm giao thông trên tuyến đường này, hơn 200 cán bộ, chiến sỹ bộ đội phòng không, bộ đội công binh Quân khu 4 và Đại đội TNXP 317, 304 đã hy sinh và bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Riêng xã Mỹ Sơn ( Đô Lương) đã có 41 người chết và bị thương. Con đường chiến lược này cũng đã từng lưu dấu chân đồng chí Lê Duẩn- Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung uơng Đảng, đồng chí Phan Trọng Tuệ- Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và nhiều đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội đã về thăm, kiểm tra, động viên tinh thần chiến đấu và phục vụ chiến đấu của các chiến sỹ bộ đội, TNXP và nhân dân xã Mỹ Sơn trong những năm tháng máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất. Một Truông Bồn kiên cường, bất khuất trong những năm lửa đạn ấy đã đi vào huyền thoại.
Tuổi thanh xuân một thời oanh liệt
|
Đài tưởng niệm Truông Bồn (Mỹ Sơn - Đô Lương) |
Tháng 7/1968, để đảm bảo thông suốt cho tuyến đường vận tải quân sự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài lực lượng bộ đội, còn có màu áo xanh của TNXP. Những cô gái, chàng trai tuổi mưới tám, đôi mươi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã lên đường nhập ngũ, tình nguyện đi đến những trọng điểm ác liệt nhất làm nhiệm vụ san lấp hố bom, ứng cứu, giải toả và bốc chuyển hàng hoá, đảm bảo an toàn cho xe ra tiền tuyến. Họ đến từ các huyện Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh lưu, Hưng Nguyên, Diễn Châu... mang theo khí thế ra trận sục sôi và hào hùng của cả dân tộc những năm tháng chống Mỹ: " Đường Trường Sơn những năm đạn lửa/ Cơn sốt rét rừng theo dọc tuổi thanh xuân". Đại đội 317 lúc bấy giờ là đơn vị chủ lực đã được điều động liên tục đi ứng cứu, vận chuyển, sơ tán hàng hoá, san lấp hố bom, rà phá bom mìn, tại những trọng điểm giao thông như Khe Thần, Cầu Cấm, Cầu Gang.... Ngày 19/02/ 1967, đơn vị được lệnh chuyển đến Truông Bồn, nơi trọng điểm máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất. Nêu cao tinh thần quả cảm, kiên cường: "tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc"; "gãy cầu như gãy xương, đứt cầu như đứt ruột"; " sống anh dũng bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm", Đại đội 317 đã phát động chiến dịch 100 ngày đêm đảm bảo mạch máu giao thông. 14 chiến sỹ thuộc tiểu đội 2 của đại đội 317 vừa làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ hàng ngày, cùng đơn vị bám đường san lấp hố bom, ban đêm thức trắng dùng bẹ chuối trắng rải theo làn xe và mặc áo trắng làm "cọc tiêu sống" dẫn đường cho trùng điệp xe qua, ứng cứu, giải toả, bốc dỡ hàng trung chuyển khi xe sa lầy hố bom.
Khoảnh khắc bất tử của "tiểu đội thép"
Vào thời điểm 4 giờ sáng ngày 31-10-1968 ấy, sau nhiều trận bom phá nát tuyến đường, yêu cầu thông đường trở nên quyết liệt, mạch máu giao thông bị tắc. Phải mở đường máu! Ấy là mệnh lệnh chiến trường. Là mệnh lệnh của trái tim. Tổ trực chiến thuộc Tiểu đội 2 ngày đó do chị Trần Thị Thông làm tiểu đội trưởng, chủ yếu là những cô gái, chàng trai xuất thân từ quê lúa Yên Thành, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu đã được lệnh phải bằng mọi giá san lấp hố bom giải phóng cho đoàn xe Quân sự vượt qua Truông trước khi trời sáng.
Với sự quyết tâm và hết sức khẩn trương của đơn vị, đến 6 giờ 10 phút ngày 31/10, công việc sắp hoàn thành theo kế hoạch. Bất ngờ có báo động. Máy bay Mỹ lao tới bất ngờ trút xuống 2 loạt với 238 quả bom phá. Truông Bồn chìm trong biển khói, mù mịt. Ngớt tiếng bom, cả Đại đội 317, các đơn vị bạn và nhân dân Mỹ Sơn - những người sống đi tìm người mất, nước mắt chứa chan. Từ hiện trường ngổn ngang mảnh bom, đất đá bốc mùi tanh lợm, đồng đội dồn sức đào bới, tìm kiếm, nhưng chỉ duy nhất chỉ còn một mình chị Trần Thị Thông, tiểu đội trưởng may mắn được cứu sống. Sau đó, chị được bà Mẹ Nguyễn Thị Thởm - hiện ở xóm 9- xã Mỹ Sơn cưu mang chăm sóc. Còn lại 11 cô gái, 2 chàng trai đã vĩnh viễn ra đi khi vừa tròn mười tám, đôi mươi, trong đó, có 7 người không tìm được thi thể. Trước đêm cuối cùng ấy, trong số họ có 8 người được xét cho nghỉ, có người nhận được giấy báo nhập học các trường Đại học và Trung học chuyên nghiệp; có người chuẩn bị về làm đám cưới, nhưng họ đã gác lại tình riêng để cùng đồng đội bám trụ, thông đường, và họ đã hy sinh trước thời điểm Chính phủ Mỹ buộc phải ký kết ngừng ném bom Miền Bắc.
Sự hy sinh mất mát của các chị các anh- những người đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho nền độc lập tự do của đất nước, Tổ quốc mãi khắc ghi. Tinh thần quả cảm, kiên cường, bất khuất của TNXP "Tiểu đội thép" - Đại đội 317 - Truông Bồn năm nào đã tấu lên bản anh hùng ca bất tử trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, đã làm nên một huyền thoại Truông Bồn- biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lòng thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc và sự hy sinh anh dũng của 13 liệt sỹ Tiểu đội 2 TNXP C 317 ở Truông Bồn, để ghi ơn các liệt sỹ Truông Bồn đã hy sinh vì sự nghiệp cứu nước, đồng thời nêu gương cho các thế hệ hiện nay và mai sau, Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban thường vụ Tỉnh đoàn- Hội cựu TNXP tỉnh Nghệ An đã có tờ trình kính gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước; Thủ tướng chính phủ ; Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương và các Bộ ban ngành liên quan về việc đề nghị xét truy tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân cho tập thể 13 liệt sỹ TNXP Đại đội 317- Đội 65 Tổng đội TNXP Chống Mỹ cứu nước Nghệ An. Đây là việc làm cấp thiết, thể hiện đạo lý " uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, việc làm này càng có ý nghĩa hơn khi Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày hy sinh của 13 liệt sỹ Truông Bồn: 31/10/1968- 31/10/2008.
|
Hồ Ngân Hà