DN nào cũng kêu thiếu nhân lực, còn sinh viên nào cũng thấy kêu thất nghiệp. Thực hư của sự mâu thuẫn này ra sao? Bộ TT&TT giải thích:
Vấn đề sinh viên CNTT ra trường không tìm được việc làm ngay mà phải đào tạo thêm một thời gian là một vấn đề thực tế, không chỉ diễn ra đối với ngành CNTT&TT mà còn cả đối với các ngành khác vì trường ĐH chủ yếu đào tạo những kiến thức khoa học cơ bản hơn là đào tạo nghề, do vậy khi làm việc thực tế, các DN cần có những đào tạo bổ sung thích hợp để người mới tốt nghiệp nhanh chóng hoà nhập được với môi trường công việc mới.
Để thu ngắn thời gian làm quen, các trường ĐH cần tăng cường thời gian thực tập tại các DN, cơ quan tổ chức để sinh viên làm quen thực tế và có kinh nghiệm làm việc nhất định. Tháng1/2008, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực CNTT&TT, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tại đó, rất nhiều cơ sở đào tạo và DN đã ký được hợp đồng đào tạo theo yêu cầu DN. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT và Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhằm khuyến khích các trường và DN tăng cường gặp gỡ, đẩy mạnh công tác đào tạo theo yêu cầu DN.
Công việc quản lý hệ thống CNTT là một công việc phức tạp, đòi hỏi không chỉ kỹ năng chuyên môn mà còn cần có kinh nghiệm làm việc, hiểu biết nhất định về hệ thống quản lý, kinh doanh của DN. Để tuyển dụng được những ứng viên thích hợp, DN cần có chiến lược quảng cáo, tìm người thích hợp( ví dụ như qua VietnamWork). Đặc biệt, DN cần có chế độ đãi ngộ mang tính cạnh tranh cao để có thể tuyển dụng và giữ được nhân lực giỏi.
Trong thời gian qua, chất lượng đào tạo nhân lực CNTT còn một số bất cập, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp CNTT chưa cao. Nguyên nhân của vấn đề này là chương trình đào tạo còn chưa kịp cập nhật theo sự phát triển rất nhanh chóng của CNTT, còn thiếu gắn kết giữa nội dung đào tạo với thực tiễn. Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT còn chưa chặt chẽ.
Để khắc phục những bất cập trong đào tạo nhân lực CNTT, Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành liên quan trong việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực CNTT, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực CNTT phục vụ ứng dụng và phát triển CNTT ở nước ta.
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã phối hợp với Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành khác xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến năm 2020, trong đó có những giải pháp về đổi mới nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực CNTT, xây dựng các chương trình đào tạo cập nhật theo sự phát triển nhanh chóng của CNTT, gắn kết giữa nội dung đào tạo với thực tiễn, triển khai các chương trình đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp; phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực CNTT.
Chất lượng đào tạo quá lạc hậu?
Thứ trưởng Trần Đức Lai tại buổi trực tuyến cũng thừa nhận rằng, đa số các chương trình đào tạo CNTT tại các trường ĐH và Cao đẳng của Việt Nam hiện chưa theo kịp thế giới. Một phần là do đặc thù CNTT là ngành có tốc độ thay đổi công nghệ rất nhanh, nên tài liệu học cũng phải liên tục cập nhật, trong khi nhiều trường không có đủ kinh phí để thực hiện điều này.
Từ năm 2006, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã triển khai thí điểm đào tạo theo các chương trình tiên tiến tại 9 trường đại học trong cả nước theo hướng ký cam kết với trường đại học tiên tiến của Hoa Kỳ về sử dụng chương trình đào tạo, tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý của Việt Nam; cũng như việc đầu tư vốn xây dựng cơ sở vật chất, cử giáo viên sang tham gia giảng dạy và giúp kiểm định chương trình. Tuy nhiên, số lượng các đối tượng thụ hưởng chương trình này là không nhiều.
Hiện tại, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế chính sách đặc thù đối với thành lập và hoạt động của các cơ sở giáo dục đào tạo về CNTT. Trong Dự thảo này, có một nội dung quy định nhà nước sẽ mua bản quyền các chương trình đào tạo CNTT tiên tiến trên thế giới và chuyển giao chương trình đó cho các cơ sở đào tạo trên cả nước. Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, số lượng sinh viên được thụ hưởng chương trình đào tạo tiên tiến sẽ tăng lên đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng sinh viên CNTT Việt Nam.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 3 năm qua số lượng các cơ sở đào tạo về CNTT tăng nhanh, năm 2006 trên toàn quốc có 192 cơ sở đào tạo, năm 2007 có 220 và năm 2008 là 235/390cơ sở đào tạo CNTT trên toàn quốc.
Chỉ tiêu tuyển sinh trên toàn quốc ngành CNTT tăng rất nhanh trong 3 năm qua, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2008 khoảng 50.000 tăng 125% so với năm 2007 (39.000) và tăng 160% so với con số 30.000 của năm 2006.
Nếu coi tỉ lệ sinh viên ra trường bình quân là 70%, trong 3 năm 2010-2012 tới hệ thống đào tạo của Việt Nam sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 90.000 lao động CNTT trình độ cao đẳng trở lên.
Các cơ sở đào tạo trên toàn quốc hiện đào tạo khoảng 23 chuyên ngành về CNTT&TT, số lượng ngành nghề là tương đối đa dạng, phong phú, về cơ bản phù hợp với nhu cầu phát triển nhanh chóng của ngành.
Đặc biệt chú trọng đào tạo bậc cao
Để nắm bắt và tiếp thu một cách hiệu quả những thành tựu khoa học công nghệ, đưa ngành Thông tin, Truyền thông phát triển bền vững và hội nhập thành công, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng, cần ưu tiên hàng đầu đối với đào tạo bậc cao, trong đó có 6 việc cần làm ngay:
Một là, tập trung triển khai công tác đào tạo thầy để đào tạo trò
Hai là, triển khai mô hình đào tạo theo phương thức: các cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo trên cơ sở tận dụng tối đa giáo viên giỏi, có kế hoạch mời các chuyên gia giỏi, của các ngành, lĩnh vực cùng tham gia; đồng thời mời các chuyên gia quốc tế vào giảng dạy.
Ba là, nên thành lập Quỹ đào tạo bậc cao trên cơ sở đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.
Bốn là, báo cáo Chính phủ cho phép thành lập trường đại học Thông tin và Truyền thông Quốc gia để tổ chức đào tạo nguồn nhân lực ở bậc cao và chuyên ngành.
Năm là, tổ chức đào tạo từ thực tiễn thông qua công tác luân chuyển cán bộ trong ngành, từ trung ương đến địa phương.
Sáu là, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cấp học bổng đào tạo nguồn nhân lực bậc cao.