CNTT thúc đẩy mạnh mẽ việc nâng cao năng suất lao động và kích thích sự sáng tạo ở mọi ngành và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội
Theo số liệu từ 25 nước châu Âu năm 2005, ngành CNTT chỉ chiếm có 5% GDP, "nhưng 5% này đã thúc đẩy đến 25% sự tăng trưởng kinh tế nói chung và khoảng 40% sự tăng trưởng về năng suất lao động" (McGibbon 2005).
Tuyên bố chung cấp bộ trưởng các nước Liên minh châu Âu về Chương trình nghị sự số tại cuộc họp cấp bộ trưởng năm 2010 tại Granada, Tây Ban Nha, cũng đưa ra đánh giá CNTT đóng góp đến 50% sự tăng trưởng về năng suất lao động xã hội (European Union 2010). Ở Mỹ, CNTT còn đóng góp lớn hơn, đến 60% sự tăng trưởng năng suất lao động (McGibbon 2005).
Theo Nhóm Chuyên gia Công nghiệp của Liên minh châu Âu, trên thế giới, phần mềm là bộ phận lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất của thị trường CNTT. Hơn thế, phần mềm được nhúng trong hầu hết các sản phẩm mà ta sử dụng hiện nay và là yếu tố chủ chốt tạo năng lực cho sự sáng tạo, sự tăng trưởng và tạo việc làm có giá trị cao trong hầu hết các ngành của nền kinh tế. Phần mềm đã trở thành trung tâm thần kinh của tất cả các nền kinh tế hiện đại (Report of an Industry Expert Group 2009).
Ngoài những lợi ích về kinh tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin ở nhiều nước đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển cộng đồng, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, và đóng góp đáng kể vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, tăng cường công bằng xã hội (Lallana 2004).
Phát triển Công nghệ thông tin có tính quy luật và là thước đo sự phát triển toàn diện của một nước
Trong thời đại thông tin, thông tin đã trở thành thước đo sự phát triển của mỗi nước chứ không đơn thuần là thước đo của riêng ngành CNTT. Năm 1991, Thủ tướng Malaysia khi đó đã từng phát biểu "không phải ngẫu nhiên mà ngày nay không có nước phát triển giàu có nào mà nghèo về thông tin và cũng không có nước nào giàu về thông tin mà nghèo và kém phát triển cả" (trích theo PIKOM 2010). Câu nói này phản ánh tính quy luật tất yếu của kỷ nguyên thông tin mà theo đó một nước không thể vươn lên thành một quốc gia giàu mạnh được nếu không có nền tảng công nghệ thông tin mạnh và không có lực lượng lao động am hiểu về CNTT.
Sự phát triển kinh tế-xã hội dựa trên nền tảng ứng dụng và phát triển CNTT là sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Sự phát triển lấy CNTT làm động lực chính là sự phát triển bền vững. Nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển CNTT không phải là dầu mỏ, khí đốt, hay tài nguyên thiên nhiên đang ngày một cạn kiệt, mà chính là sự sáng tạo của trí tuệ con người, là nguồn lực không bao giờ cạn kiệt. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế nhưng nguồn lực con người giàu tiềm năng như Việt Nam. Ngày nay người ta thường nói về xã hội như nói về "hệ sinh thái" của thông tin và tinh thần sáng tạo, hay "nền kinh tế do sự sáng tạo thúc đẩy" (Innovation Driven Economy).
Ngành công nghiệp CNTT là ngành có tốc độ phát triển rất nhanh và có đóng góp ngày càng lớn cho GDP
Với tư cách là một nghành công nghiệp, công nghệ thông tin cho thấy sức sống mãnh liệt của mình ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng tài chính làm chấn động đời sống kinh tế của hầu hết các nước trên thế giới. Theo điều tra của Liên hiệp Dịch vụ và Công nghệ Thông tin Thế giới (WITSA, Digital Planet 2008), tổng mức chi tiêu cho công nghệ thông tin trên thế giới vẫn tăng đều ở mức cao (7,7% một năm) trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính thế giới và dự đoán sẽ đạt mức 4,4 nghìn tỷ USD vào năm 2011. Vùng châu Á - Thái Bình Dương có mức tăng trưởng cao nhất (10,5% một năm) và chiếm gần một phần ba tổng chi tiêu về công nghệ thông tin trên thế giới.
Trong 10 năm qua Việt Nam đã có bước tiến rất ấn tượng về sự phát triển và ứng dụng CNTT. Ngành CNTT nói chung, và ngành công nghiệp phần mềm nói riêng, có mức tăng trưởng hàng năm gấp từ 3-4 lần mức tăng trưởng GDP hàng năm. Việc ứng dụng CNTT trong xã hội lan truyền với tốc độ chóng mặt cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đã có hơn 1/4 dân số Việt Nam sử dụng internet, gần 1/2 số hộ gia đình đã có điện thoại cố định, trung bình mỗi người dân có hơn 1 điện thoại di động, tuyệt đại đa số cán bộ/công chức cấp trung ương và hơn 2/3 cán bộ/công chức cấp tỉnh có máy tính, và đa số có kết nối internet. Nhiều dịch vụ công đã được thực hiện trực tuyến. Thực tế phát triển CNTT trong 10 năm qua ở Việt Nam cho thấy CNTT là lĩnh vực mà nước ta có khả năng bắt kịp với các nước tiên tiến trong thời gian ngắn, và cũng là lĩnh vực thúc đẩy sự phát triển các ngành khác mạnh nhất. CNTT trên thực tế đã trở thành điểm tựa cho sự đột phá về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của nước ta.
Tác giả: Vũ Mạnh Lợi
Nhóm Tư vấn Chính sách VINASA
(theo VTV.VN)