Tham gia thảo luận về chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực CNTT” có Hiệu trưởng ĐH FPT, TS. Lê Trường Tùng; ông Quách Tuấn Ngọc - Giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ GD-ĐT, Giáo sư - Viện sỹ Đặng Hữu, Ông Nguyễn Đình Thắng – Phó chủ tịch Hiệp hội VINASA.
Theo TS. Lê Trường Tùng, hiện nay hiện thế giới đang thiếu khoảng 3 triệu nhân lực về CNTT, trong tương lai con số này là 10 triệu người. Việt Nam kỳ vọng sẽ cung cấp 1 triệu nhân lực để bù đắp sự thiếu hụt này và khẳng định trường ĐH FPT sẽ nỗ lực hết sức để đóng góp vào thành công chung của ngành CNTT Việt Nam. TS. Lê Trường Tùng cũng nhấn mạnh: “Thời cơ mới, vận hội mới nay đã đến, chúng ta không được bỏ lỡ mà cần nắm bắt kịp thời, đi thẳng, tiến sâu vào vòng xoáy CNTT thế giới. Chính thế hệ trẻ đang được đào tạo sẽ là chủ nhân tương lai đất nước, thay đổi vận mệnh dân tộc. Vì vậy, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng vừa là mục tiêu cũng là trọng trách lớn lao mà các đơn vị đào tạo CNTT nói chung và trường ĐH FPT luôn hướng tới…”.
Năm nay là năm đầu tiên Vietnam ICT Summit được tổ chức, với sự tham dự của khoảng 300 đại biểu là lãnh đạo của các doanh nghiệp CNTT-TT hàng đầu Việt Nam.
Chủ tịch HĐQT FPT, Chủ tịch Vinasa Trương Gia Bình (giữa) với các đại biểu dự hội nghị.
Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (Vinasa) ông Trương Gia Bình, trong bài phát biểu khai mạc, nhấn mạnh, "CNTT-TT là tương lai của đất nước".
Hội nghị lần này nhằm trao đổi về xu thế phát triển, các chiến lược và cơ hội phát triển CNTT-TT cho Việt Nam và doanh nghiệp, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và TT".
Khác với những hội nghị CNTT khác, Vietnam ICT Summit không đi vào chi tiết các vấn đề cụ thể mà tập trung vào các nội dung vĩ mô về tầm nhìn và xu thế, những yếu tố quyết định đến sự thành hay bại trong chiến lược phát triển của một doanh nghiệp, một địa phương và đất nước.
Trong những năm qua, ngành công nghiệp CNTT-TT Việt Nam liên tục tăng trưởng cao, gấp 3-4 lần mức tăng trưởng GDP hàng năm. Ứng dụng CNTT-TT cũng phát triển rộng rãi trong xã hội, có mặt trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân. Hiện có hơn 1/4 dân số Việt Nam sử dụng Internet, số thuê bao điện thoại di động đã vượt 1,5 lần dân số, hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều đã có sử dụng máy tính, phần mềm, Internet.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu công nghiệp CNTT-TT năm 2010 đã đạt 16 tỷ USD, trong đó phần mềm và nội dung số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
Theo đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và TT" thì CNTT-TT phải là động lực quan trọng góp phần đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước, đến năm 2020 đạt tỷ trọng đóng góp 8-10% GDP, Việt Nam phải nằm trong số 10 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm, nội dung số và nằm trong nhóm 1/3 nước dẫn đầu về mức độ sẵn sàng chính phủ điện tử.
Để thực hiện được mục tiêu đó, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp phải chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng triển khai.
Cũng tại Vietnam ICT Summit 2011 các đại biểu đã được nghe các diễn giả hàng đầu trong nước và quốc tế trao đổi về tầm nhìn và chiến lược phát triển CNTT-TT, các báo cáo về toàn cảnh ngành phần mềm và ngành CNTT Việt Nam sẽ cung cấp thêm nền tảng thông tin để các đại biểu tự đánh giá về tầm nhìn và chiến lược của riêng mình.
[Theo fpt.edu.vn]