Bùi Tiến Dũng sinh ra tại làng Trình Phố, An Ninh, Tiền Hải, thuộc quê lúa Thái Bình. Khi lớn lên, ông theo cha mẹ vào sống ở TP Hồ Chí Minh. Năm 17 tuổi, Bùi Tiến Dũng sang Mỹ du học và không ngại dấn thân trong mọi lĩnh vực.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc chuyên ngành kỹ thuật điện - điện tử tại Trường Đại học Minnesota (bang Minnesota), ông nộp đơn xin làm việc tại tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới IBM, có trụ sở chính ở New York và được nhận vào làm ở phòng thí nghiệm Rochester. Sau một năm làm việc tại đây, ông nhận thấy năng lực mình phù hợp với lĩnh vực bán hàng, xin chuyển qua làm sales (marketing và tiêu thụ sản phẩm). Từ đó, ông liên tục được đề bạt và đảm nhiệm những trọng trách trong mảng kinh doanh sản phẩm của tập đoàn IBM, từ Phó chủ tịch phụ trách thị trường Mỹ Latinh, Tổng giám đốc Sales và Marketing châu Âu, Giám đốc điều hành phụ trách chuỗi cung ứng, Tổng giám đốc phụ trách giải pháp IT. Hiện ông là Phó chủ tịch - phụ trách nhóm điều hành kinh doanh toàn cầu của IBM.
Xa quê hương đã hơn 30 năm, song Bùi Tiến Dũng vẫn nói tiếng Việt thành thạo. Ông tâm sự: "Dù ở đâu, tôi luôn nhớ mình là người Việt Nam. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi vẫn cố gắng sử dụng tiếng mẹ đẻ, như khi trò chuyện với các con, làm thơ, viết văn, thậm chí lúc lái xe hay trao đổi với khách hàng. Không chỉ mình tôi mà tất cả các thành viên trong gia đình vẫn giữ nguyên nếp sống đặc trưng của người Việt. Tôi cho rằng điều này rất quan trọng, bởi nó giúp các con tôi sau này luôn hiểu rõ về nguồn gốc của mình”.
Quay trở lại câu chuyện về con đường khởi nghiệp thành công, ông tiết lộ một số bí quyết: "Lúc đầu, cũng giống như những bạn trẻ khác, tôi thường nghĩ rằng dù thế nào mình cũng chỉ là một người châu Á nhỏ bé, liệu có thể đại diện cho một tập đoàn hàng đầu như IBM đi giao dịch và bán hàng với các đối tượng khách hàng trên khắp thế giới? Chính ban lãnh đạo công ty đã khuyên tôi không nên băn khoăn về điều đó, rằng hình thức bên ngoài không phải là vấn đề đối với người thực sự có năng lực. Môi trường doanh nghiệp phải thuận tiện cho những người có năng lực tiến lên và IBM rất chú trọng đến vấn đề này. Họ luôn có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng những người lãnh đạo tương lai (future leaders) cho hãng”.
Ông Dũng cho biết, hiện nay rất nhiều bạn trẻ Việt Nam yếu về kỹ năng mềm (soft skill), đó là khả năng thương thuyết, khả năng trình bày vấn đề, làm việc nhóm... Trong khi hoàn toàn có thể tự trang bị các kỹ năng này cho bản thân bằng nhiều cách. Ông đã đưa ra lời khuyên: "Trong quá trình khởi nghiệp của một người trẻ, yếu tố may mắn có tồn tại, cho dù ở môi trường doanh nghiệp có đội ngũ lãnh đạo sáng suốt nhất đi nữa. Tôi thì cho rằng, bản thân chúng ta phải tạo ra may mắn chứ không thể ngồi chờ nó. Tôi vẫn luôn có bốn lời khuyên cho các nhân viên trẻ của mình.
Thứ nhất, để thành công và luôn thăng tiến trong công việc, phải luôn đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu.
Thứ hai, phải có mục tiêu rõ ràng cho con đường sự nghiệp của mình, và sau đó, có một lộ trình rõ ràng cho mục tiêu đó.
Thứ ba, là luôn tìm cách bổ sung và hoàn thiện các kỹ năng cho bản thân. Kể cả trong lĩnh vực chuyên môn hay các kỹ năng cần thiết như ngoại ngữ, các kỹ năng mềm...
Và cuối cùng, không ngừng xây dựng các mối quan hệ với những người có khả năng ảnh hưởng đến công việc của mình. Nói tóm lại, các bạn trẻ hãy kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu của mình, các bạn còn tương lai, không nên quá nóng vội. Chỉ có không ngừng tự tăng giá trị của bản thân, chúng ta mới nhìn thấy những cơ hội mới. Một điều nữa cũng rất quan trọng là việc tạo ra và linh hoạt nắm bắt các cơ hội tốt cho sự nghiệp của mình!”.
Sinh Nguyễn
theo Đại đoàn kết