Câu chuyện thứ Nhất: Hãy cứ làm những gì mình yêu thích
Steven Jobs bỏ học ở Đại học Reeds - một ngôi trường đắt đỏ ngang với Standford sau 6 tháng đầu tiên theo học bởi ông không có ý tưởng rõ ràng mình sẽ làm gì trong đời, và trường ĐH sẽ giúp được gì cho ông. Tại thời điểm đó, Jobs đã dừng việc tham gia học các môn học bắt buộc để đăng kí các khóa học hấp dẫn, theo sở thích của bản thân và quyết định này đã đúng khi ông học thư pháp.
Có thể bạn cho rằng đối với một mem CNTT thì thư pháp quả thực rất “ vớ vẩn” và chẳng có chút liên quan nào, nhưng Steven Jobs đã chứng minh ngược lại. Chính khóa học này đã giúp ông trong 10 năm sau.
Khi Jobs thiết kế chiếc Macintosh đầu tiên, những kiến thức từ khóa thư pháp đã được ông vận dụng vào để tạo ra chiếc Mac đầu tiên có phông chữ đẹp mắt, tinh tế và phong phú. Chính Steven Jobs đã phải thừa nhận: “ Tôi tin rằng mọi việc trên thế giới này đều có sự liên kết với nhau. Bạn không thể biết trước được việc bạn đang muốn làm có thực sự giúp ích cho tương lai, sự nghiệp của bạn trong 5,10 năm sau. Bạn chỉ có thể biết mình đã làm đúng khi nhìn lại cả quá trình. Hãy tin rằng theo một cách kì diệu nào đó, các sự việc hiện tại có sự liên quan tới tương lai của bạn. Cách suy nghĩ chưa bao giờ làm tôi thất vọng, và nó đã tạo ra tất cả sự khác biệt trong cuộc sống của tôi”.
Câu chuyện thứ Hai: “ Thất bại là mẹ thành công”
Để đạt được những thành công bạn cũng sẽ phải gặp thất bại không ít lần, khi đó bản lĩnh của bạn sẽ được phát huy để quyết định xem bạn có vượt qua được hay không và chính Steven Jobs đã chứng minh cho bạn thấy được điều này.
Woz và Steven Jobs tạo dựng nên Apple trong gara khi Jobs 20 tuổi, nhờ sự chăm chỉ và nỗ lực của bản thân mà họ đã tạo dựng một Apple thành công ty có trị giá 2 tỷ đô với 4000 nhân viên sau 10 năm. Trước một năm sau khi Jobs bước sang tuổi 30, ông và những người đồng hành của mình đã tạo ra sản phẩm thành công nhất – Macintosh, sau đó ông đã bị sa thải do mâu thuẫn với hội đồng quản trị trong chính công ty mình tạo ra.
Điều đó không làm ông gục ngã bởi: “ Tất cả những gì tôi gây dựng đã biến mất nhưng có một điều ngày càng trở nên rõ ràng, tôi vẫn yêu những gì mình đã làm. Sự chuyển hướng của Apple đã không thể thay đổi được điều này. Tôi có thể bị từ chối nhưng tôi vấn còn nguyên vẹn tình yêu. Và tôi quyết định sẽ làm lại” ( Trích tự truyện của Steven Jobs).
Chính tình yêu CNTT đã giúp Steven Jobs miệt mài suốt 5 năm để xây dựng công ty mới NeXT và Pixar ( hãng phim đã tạo ra bộ phim hoạt hình nổi tiếng Toy Story). Khi Apple mua lại NeXT, Jobs đã quay lại và tất cả những công nghệ mà ông phát triển ở NeXT đã trở thành trái tim cho sự phục hưng của Apple.
Với Steven Jobs, việc bị sa thải khỏi Apple giống như một điều khủng khiếp nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất, bởi không có nó thì chưa chắc Jobs đã có được những thành công và ông cho rằng: “Đôi khi cuộc sống ném một viên gạch vào đầu bạn song đừng vội mất đi niềm tin. Bởi tôi tin rằng chỉ cần bạn yêu những gì mình làm thì bạn vẫn sẽ luôn tiến lên được”.
Câu chuyện thứ Ba: Cái chết là động lực thúc đẩy chúng ta sống tốt hơn.
Khi Steven Jobs được chuẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy, bác sĩ đã khuyên ông nên về nhà, sắp xếp lại công việc với ẩn ý rằng ông sẽ chết. Nhưng may mắn thay là có thể phẫu thuật được và Jobs đã có một thời gian ổn định về sức khỏe. Chính khoảng thời gian đó, ông đã khẳng định: “ Không ai muốn chết cả nhưng cái chết là động lực thúc đẩy chúng ta sống tốt hơn. Thời gian của bạn bị hạn chế, đừng lãng phí sống cuộc sống của người khác. Đừng để những tiếng ồn từ ý kiến của người khác đánh chìm tiếng nói nội tâm bạn. Và quan trọng nhất, hãy can đảm để đi theo trái tim và trực giác. Chúng biết điều mà bạn thực sự muốn trở thành. “ Hãy cứ đam mê, hãy cứ dại khờ” – tôi đã luôn luôn mong muốn điều đó cho bản thân mình”.
Có thể nói chính tinh thần trên đã giúp Steven Jobs có thể cống hiến hết mình cho niềm đam mê công nghệ, với ông không có điều gì là không thể thực hiện, cũng không có gì là lãng phí khi bạn không ngừng học hỏi, không ngừng vươn lên.
Những gì Steven Jobs đã sống, đã cống hiến và đã đạt được luôn là những bài học quý báu đối với tất cả chúng ta. Còn các bạn thì sao? Đã có ai dám “ Hãy cứ đam mê, hãy cứ dại khờ” hay chưa?
H.C