Lời bộc bạch của vị cán bộ quản lý ở Hà Nội tâm sự với tôi "bên lề" một cuộc hội thảo khiến người hoạt động trong lĩnh vực tâm lý như tôi không khỏi chạnh lòng. Xuất phát từ đó, tôi muốn đưa ra một vài ý kiến không ngoài mục đích xây dựng kỹ năng giao tiếp hy vọng sẽ được các bạn trẻ "lưu tâm” bởi vì: Mỗi chúng ta, ai cũng muốn được thương yêu, được trọng thị, vì vậy cách cư xử hằng ngày buộc chúng ta cần phải tuân theo một số qui tắc chung hay còn gọi là Kỹ năng giao tiếp. Bạn đừng nghĩ rằng ấn tượng đẹp của bạn với mọi người sẽ được thể hiện ở bằng cấp hay khối lượng các kinh nghiệm có giá trị cùng những mối quan hệ của bạn ở vị trí "quan trọng" nào đó. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Để mang lại lợi ích và xây dựng hình ảnh đẹp cho mình, "sạch" cho môi trường bạn đang sống và làm việc thì ngoài năng lực chuyên môn, bạn còn phải có năng lực gây thiện cảm với mọi người thông qua việc thể hiện khả năng giao tiếp hiệu quả của mình.
Vậy kỹ năng giao tiếp bao gồm những chuẩn mực gì?
Trước hết bạn cần có sự lạc quan, vui vẻ, cởi mở và hoà đồng với tập thể, có thái độ tự tin. Bạn nên nhớ sự khiêm nhường khi nhận được lời tán dương là rất quan trọng thì sự thừa nhận thế mạnh của mình cũng quan trọng không kém. Có sáng tạo và không nản lòng trước những khó khăn trong công việc, có tính cầu thị, luôn muốn học hỏi và rút kinh nghiệm từ những lời phê bình. Đây là một trong những kỹ năng mang tính thử thách nhất, và cũng chính là kỹ năng gây ấn tượng nhất đối với mọi người. Khả năng ứng xử trước lời phê bình phản ánh rất nhiều về thái độ sẵn sàng cải thiện (hay không) của bạn. Đừng bao giờ tỏ thái độ tiêu cực trước những lời phê bình mang tính xây dựng mà nên nhớ rằng ở mức độ nào đó những lời góp ý của người xung quanh sẽ có ích trong cuộc sống của bạn. Bên cạnh việc nhận được những ý kiến phê bình thì bạn cũng nên đóng góp ý kiến với người khác bằng thái độ nhẹ nhàng và chân thành - điều này thể hiện bạn có thiện chí xây dựng môi trường sống và làm việc lành mạnh (cố gắng dự đoán trước phản ứng của người nghe dựa vào tính cách của họ để có cách nói phù hợp nhất). Chìa khóa dẫn đến thành công thực sự là bạn phải biết kết hợp cả hai năng lực này (năng lực chuyên môn và năng lực gây thiện cảm với mọi người thông qua kỹ năng giao tiếp).
Một số nguyên tắc quan trọng trong việc giao tiếp :
- Xác định rõ mục tiêu khi giao tiếp
- Xây dựng lòng tin
- Suy nghĩ kỹ trước khi phát biểu một điều gì
- Lựa chọn thời gian, địa điểm và cách thức giao tiếp phù hợp
- Tạo sự đồng cảm với đối tượng cần giao tiếp
- Sử dụng ngôn ngữ phù hợp
- Kết hợp giao tiếp bằng ngôn ngữ với giao tiếp phi ngôn ngữ (ngôn ngữ cử chỉ, thái độ). Loại ngôn ngữ đặc biệt đóng vai trò quyết định đến thành bại trong giao tiếp đó là ngôn ngữ cử chỉ. (đặc biệt khi xin việc làm và làm việc thì giao tiếp phi ngôn từ càng thể hiện rõ vai trò của nó).
Ngôn ngữ cử chỉ bao gồm:
1. Nụ cười - Chìa khóa mở cửa môi trường giao tiếp:
Là phương tiện tạo ra bầu không khí vui tươi, thoải mái và xây dựng các mối quan hệ đẹp trong giao tiếp. Nụ cười đôi khi cũng được sử dụng khi làm quen hay xin lỗi.
2. Ánh mắt: Ánh mắt có thể hỗ trợ cho ngôn ngữ nói : Giúp lời nói thuyết phục hơn, có khi ánh mắt còn thay thế cho lời nói, cho dù bạn im lặng nhưng đôi mắt vẫn nói lên tất cả những cảm xúc của bạn như yêu thương, tức giận, sợ hãi....
3. Cử chỉ: Những cử chỉ như: Hơi ngoảnh đầu, nghiêng đầu, gật đầu, nụ cười, cái bắt tay thân thiện... đều thu hút sự chú ý và làm cho lời nói của bạn thêm sinh động.
4. Tư thế: Bước đi, dáng đứng, kiểu ngồi đều là biểu tượng, minh hoạ, điều tiết quá trình giao tiếp.
5. Ngôn ngữ: Tất cả tư tưởng tình cảm hay bất cứ một suy nghĩ dù thông minh sắc sảo đến đâu đều phải nhờ giọng nói mới đến được tai người nghe. Nếu giọng nói bạn ngọt ngào, êm ái sẽ làm cho con người bạn có sức hấp dẫn hơn rất nhiều, nhất là khi giao tiếp trên điện thoại. Ngược lại, nếu giọng nói khô khan hoặc gắt gỏng sẽ giảm đi rất nhiều sự truyền cảm, chinh phục người nghe. giọng, âm lượng cũng góp phần vào thành công hay thất bại trong quá trình giao tiếp của bạn.
6. Lắng nghe cũng là một nghệ thuật , từ ánh mắt đến tư thế của bạn. Bạn hãy tập cho mình một cách lắng nghe đúng mực, đôi mắt không quá "dán" vào người đang nói, hoặc lại không có sự tập trung; những cái gật đầu nhè nhẹ khi đang nghe người khác nói cũng sẽ giúp mọi người đánh giá cao bạn. Bạn cũng nên ghi nhớ : Nói thật ít và lắng nghe thật nhiều... Kỹ năng giao tiếp thể hiện ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống, trong phạm vi bài viết này, theo nguyện vọng của phần lớn các bạn trẻ, tôi chỉ đưa ra một tình huống cụ thể đó là kỹ năng giao tiếp khi xin việc làm.
Những kỹ năng giao tiếp cần chú ý khi xin việc làm:
1. Trang phục: Một bộ trang phục phù hợp, dễ nhìn có thể sẽ không có tính quyết định cho việc thành công trong cuộc phỏng vấn xin việc. Nhưng: Một bộ trang phục gây phản cảm có thể làm bạn bị loại ngay từ vòng đầu.
2. Đến đúng giờ: Nếu lần đầu gặp nhau trong sự chậm trễ của bạn thì người phỏng vấn sẽ nghĩ gì về bạn? Bởi vậy đến muộn là điều cấm kỵ!
3. Ánh mắt và nét mặt tươi tắn từ khi bắt đầu và suốt buổi nói chuyện thể hiện sự nhiệt tình, vui vẻ, dễ chịu, giúp bạn thoải mái, tự tin hơn rất nhiều. (Nhưng bạn nhớ kiểm soát nụ cười trong những tình huống nghiêm túc).
4. Gật đầu chào ban giám khảo hoặc bắt tay người phỏng vấn (nếu có thể) khi bắt đầu và kết thúc cuộc phỏng vấn.
5. Giọng nói và âm lượng vừa phải, đủ nghe.
6. Cử chỉ và dáng điệu: đứng, ngồi một cách chắc chắn, dứt khoát, nghiêm trang để thể hiện sự đứng đắn và tràn đầy năng lượng của mình. Khi người phỏng vấn đang nói: Bạn hãy ngồi hướng về phía trước một chút, đầu hơi nghiêng (không đáng kể), chăm chú lắng nghe (điều này thể hiện bạn là người biết quan tâm) Khi giới thiệu về bản thân: Hãy ngồi thẳng, lưng dựa ra sau một chút, vẻ mặt điềm tĩnh thể hiện sự tự tin và luôn sẵn sàng. Giữ bàn tay tự nhiên, tránh dùng tay nghịch tóc, bấm bút lách cách, mân mê vạt áo, rung chân, gãi đầu gãi tai lộ vẻ sốt ruột, lo lắng, thiếu tự tin. Ánh mắt giao tiếp: Nhìn vào mắt người phỏng vấn khi trò chuyện thể hiện sự tin cậy, không nên: Nhìn "dán" vào người phỏng vấn thể hiện sự soi mói hoặc nhìn xung quanh khi trò chuyện lộ rõ sự bồn chồn, thiếu tự tin... Giao tiếp là một hoạt động mà bạn phải đối mặt thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi, từ đơn giản đến phức tạp, từ với một người đến đám đông. Để hoàn thiện, bạn cần cả một quá trình rèn luyện và đôi lúc cần được học bài bản. Bởi có được sự thiện cảm trong giao tiếp, bạn sẽ dễ dàng thực hiện được nhiều điều bạn mong muốn mang lại thành công trong cuộc đời...
Bài viết có một số tư liệu trong giáo trình giảng dạy Tâm lý học của trường Đại học quốc gia Hà nội.
Nguồn Saga.vn