Đơn giản thôi vì đây là một nghề không hoàn toàn dễ dàng, áp lực rất cao nếu bạn không có một cách nhìn nhận đúng đắn, yêu thích và đam mê sẽ rất khó để theo được nghề này.
Cuộc thi “NGƯỜI VIẾT NHỮNG ƯỚC MƠ” do Stanford - Dạy kinh nghiệm lập trình tổ chức mong muốn các bạn làm trong nghề này tham gia và nói lên cảm nhận của mình. Với cách nhìn nhận và những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc, tôi chia sẻ cùng các bạn mới đang và chuẩn bị theo nghề này một số yếu tố mà theo tôi rất quan trọng đối với lập trình viên như sau:
- Kiến thức:
Nghề nào cũng vậy để có thể phát triển và thành công trên lĩnh vực đó yêu cầu bạn phải có khối kiến thức chuyên môn nhất định và không ngừng trao dồi cập nhật kiến thức, chuyên môn của mình. Với nghề lập trình viên điều này lại càng quan trọng vì bạn luôn phải đặt cho mình kế hoạch trong việc cập nhật kiến thức, nghiên cứu các công nghệ mới. Nếu không đáp ứng được điều này đồng nghĩa với việc bạn tự đào thải mình ra khỏi nghề.
Nghiên cứu và cập nhật những công nghệ mới nó sẽ giúp bạn có những hướng nhìn mới và đánh giá tốt hơn khi lựa chọn để xây dựng và phát triển một dự án công nghệ thông tin mà bạn tham gia.
- Kinh nghiệm:
Như các bạn đã biết nếu chỉ học, có kiến thức không chưa đủ mà chúng ta cần phải có kinh nghiệm. Đây là kỹ năng cần thiết chỉ có được khi làm việc thực tế, nó không phải là khối lý thuyết dài dòng, khó hiểu mà bạn cố gắng phải nhớ rồi quên ngay khi không sử dụng nữa mà nó được hình thành trong quá trình làm việc. Khối kiến thức của bạn luôn được rùi mài, gọt rũa nó sẽ ở trong đầu và được lấy ra sử dụng khi bạn cần.
Có một điều bạn cần phải nhớ rằng có thể bạn rất thông minh nhưng có những vấn đề chỉ thông minh thôi chưa đủ để làm được mà bạn cần phải đưa ra nhận định, đánh giá dựa trên kiến thức tổng hợp, những vấn đề, kinh nghiệm bạn đã gặp để đưa ra phương án giải quyết hợp lý nhất.
Đây cũng là một yêu cầu mà các doanh nghiệp luôn muốn từ những ứng viên của mình. Đơn giản vì họ mong muốn bạn có thể làm việc được ngay mà không phải mất quá nhiều chi phí cho việc hướng dẫn và đào tạo bạn. Do vậy hãy nói ít và làm nhiều hơn, đừng chỉ trên giấy tờ, lý thuyết mà hãy bắt tay vào thực hiện dù những vấn đề bạn nghĩ nó đơn giản và nhỏ nhặt để tích lũy những kinh nghiệm cần thiết cho mình.
- Kỹ năng làm việc:
Có thể nói đây là một kỹ năng rất thiếu đặc biệt là các bạn sinh viên của chúng ta. Kỹ năng mà các bạn không được học trong các trường học. Nhưng lại rất quan trọng để nâng cao thương hiệu bản thân và thể hiện tính chuyên nghiệp hơn.
Hãy làm việc có trách nhiệm và cẩn thận hơn đừng cẩu thả vì đó là một điều rất tệ với nghề này. Có một cái mà tôi thấy nhiều bạn lập trình viên đang làm như sau: Khi nhận được yêu cầu thực hiện của Trưởng nhóm, các bạn không hỏi rõ cho cặn kẽ và chi tiết xem mình đã hiểu đúng yêu cầu mình được giao hay chưa mà lao vào viết code ngay. Hoặc viết xong một chức năng nhưng chẳng kiểm tra lại xem nó đã chạy ổn chưa, có lỗi không,…. Như vậy sẽ rất rủi ro, tốn thời gian vì có thể bạn đang làm sai, thể hiện tính cẩu thả của mình cho người quản lý biết và đương nhiên bạn sẽ không được đánh giá cao. Nếu nhiều lần như vậy việc sa thải chỉ là thời gian sớm hay muộn.
Điều mà tôi muốn khuyên các bạn khi làm việc đó là luôn hướng đến việc tư duy xử lý bài toán, để làm được việc này mình cần làm những cái gì, cái gì làm trước, cái nào làm sau, làm xong rồi thì cần kiểm tra thật kỹ,…
Bạn mong muốn vào làm một công ty lớn, được hưởng mức lương cao vậy thì ngay lúc này hãy trao dồi và học cách làm việc chuyên nghiệp: từ việc trình bày CV ấn tượng, viết một bức thư ứng tuyển để sao họ quan tâm đến CV của mình, kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng đàm phán, giao tiếp với đồng nghiệp, cách xử lý để giữ được hình ảnh đẹp và mối quan hệ khi nghỉ việc, luôn đúng giờ với các cuộc hẹn, không ngừng nâng cao và hoàn thiện bản thân mình…Đến một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra rằng tài sản lớn nhất của mình không phải là số tiền bạn có được mà chính là thương hiệu của bản thân bạn.
- Nâng cao khả năng giao tiếp:
Với lập trình viên, máy tính là cả một thế giới thu nhỏ mà họ có thể thỏa sức khám phá và trải nghiệm những điều mình mong muốn. Chính vì vậy mà những người làm nghề này khá khép kín, sống nội tâm và nói ít làm nhiều dẫn đến khả năng giao tiếp có phần hạn chế. Nhưng có một điều mà bạn cần biết đó là nếu muốn đi lên từ con đường này bạn bắt buộc phải nâng cao khả năng giao tiếp mình. Vì khi làm việc, làm dự án bạn sẽ phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng. Họ hoàn toàn xa lạ với bạn do vậy để xóa tan khoảng cách này hãy vận dụng tài ứng phó và giao tiếp của mình để mối quan hệ trở lên thân thiện, cởi mở khi đó bạn sẽ thấy hiệu quả mà nó mang lại kinh ngạc đến mức nào. Nâng cao kỹ năng giao tiếp giúp bạn có thể nói và truyền đạt để người nghe hiểu bạn đang nói gì.
- Giải phóng áp lực:
Như tôi đã chia sẻ ở phần đầu bài viết, lập trình là một công việc áp lực đòi hỏi ở các lập trình viên khả năng tập trung cao độ. Bạn hãy luôn sẵn sàng tâm lý cho việc làm thêm để có thể đảm bảo tiến độ của dự án. Đừng để áp lực đè lên vai mình vì nó sẽ làm bạn mệt mỏi, chán nản với công việc hiện tại và tệ hơn là xin nghỉ việc vì không chịu được nữa. Hãy tham gia một số hoạt động khác ngoài việc lập trình để tạo cho bạn những trải nghiệm, thú vị mới để làm mới mình với công việc của người viết những ước . Đơn giản như cùng bạn bè của mình nhâm nhi trà đá và chém gió chuyện trên trời dưới biển, ngắm ảnh, chụp các ảnh bạn yêu thích, đọc chuyện, ngồi lê facebook,…Nó sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, ý nghĩa hơn và đương nhiên cuộc sống sẽ thú vị hơn rất nhiều các bạn ạ.
Hy vọng với một số chia sẻ của tôi sẽ giúp các bạn có cái nhìn rõ hơn về nghề lập trình - nghề viết những ước mơ, lập trình trái tim theo cách mà chúng ta đang ví von nó.
Hãy luôn giữ ngọn lửa nguồn đam mê công nghệ và yêu thích lập trình của mình.
Chúc các bạn thành công trên con đường mình đã chọn !
Tác giả: BÙI QUANG ĐĂNG – Standford