Phiên thảo luận "Đại học doanh nghiệp" ở Hội nghị doanh nghiệp toàn cầu 2013 (GES) tại Kuala Lumpur, Malaysia đã thu hút đến 200 người nghe. Hẳn mọi người đã bị hấp dẫn bởi quan niệm về một mô hình mới, gắn kết giảng đường với môi trường kinh doanh ngoài xã hội.
Bằng đại học là tấm giấy lộn?
Ngày nay, ngoài vai trò truyền thống giảng dạy và tiến hành các nghiên cứu học thuật, các trường đại học đang đứng trước sức ép trở thành cầu nối với các ngành công nghiệp, tham gia các hoạt động doanh nghiệp, nghiên cứu và phát triển.
"Nếu bạn muốn làm việc cho các tập đoàn Goldman Sachs, McKinsey hay General Electric, tấm bằng cử nhân chỉ là một tờ giấy lộn. Nếu bạn muốn xây dựng một cái gì đó của riêng mình, kết quả tệ nhất có thể tiêu tốn hơn 140.000 USD là mất hai năm làm việc không lương" - nhà báo J.J. Colao của tờ Forbes từng mô tả thẳng thừng trong một bài viết. Thị trường bên ngoài lớp học khắc nghiệt hơn bất cứ giáo sư nào trong trường học và là một ông sếp bạc bẽo có thể sa thải bạn bất cứ lúc nào.
Hình thức vườn ươm doanh nhân xuất hiện đã nhiều thập niên và thường gắn với các trường đại học để hỗ trợ các doanh nhân trẻ. Ngày nay, các vườn ươm doanh nhân chuyên nghiệp không chỉ cung cấp văn phòng, truyền đạt kinh nghiệm mà còn tư vấn về pháp luật và đầu tư tài chính vào các công ty non trẻ. Colao thậm chí khẳng định rằng về nhiều khía cạnh, các vườn ươm này thật sự còn tốt hơn các bài học lý thuyết trong trường đại học.
Vườn ươm doanh nhân
Tuy nhiên, tại Hội nghị doanh nghiệp toàn cầu 2013 (GES) ở Malaysia, các chuyên gia vẫn nhấn mạnh rằng trường đại học mới là vườn ươm thật sự. Nhiều trường đại học đang đi theo hướng "đại học doanh nghiệp", trong đó sinh viên được đào tạo những kỹ năng của một nhà doanh nghiệp, từ khả năng sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng chấp nhận và vượt qua thất bại. Theo ông Rafik Guindi - đồng sáng lập Công ty SilGenix của Ai Cập, "đại học doanh nghiệp" là một công cụ hiệu quả để giải phóng tiềm năng của các doanh nhân trẻ.
Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra môi trường thuận lợi cho các mầm doanh nghiệp phát triển, "đại học doanh nghiệp" cũng có vai trò trong việc tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế trong việc tăng cường tính đa dạng của doanh nghiệp, thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới. Rất nhiều công ty hàng đầu thế giới khởi đầu từ môi trường đại học, như Tập đoàn công nghệ Google. Tại Mỹ, sau khi quốc hội thông qua luật Bayh - Dole cho phép các trường đại học sở hữu các công trình do liên bang tài trợ, các "mầm ươm" công trình trong môi trường đại học đã phát triển thành hơn 6.000 công ty.
Báo cáo của Viện Giáo dục Hong Kong cho thấy xu hướng toàn cầu hóa đang thôi thúc các trường đại học châu Á phải hướng đến việc trở thành "đại học doanh nghiệp". Theo nhà sáng lập Peter Ng của Tập đoàn UCSI Malaysia, mô hình "đại học doanh nghiệp" tại châu Á hiện còn thấp nhưng ngày càng được chú ý và nhiều trường hiện đang đi đúng hướng. Tại Thái Lan có Trường đại học Chulalongkorn, trong khi Ấn Độ cũng đang đưa các chương trình ươm mầm doanh nhân vào chương trình giáo dục.
Vừa học vừa lập công ty
Trao đổi với Tuổi Trẻ tại phiên thảo luận "Đại học doanh nghiệp" hôm 11-10, chủ tọa Roland Xavier, phó khoa doanh nghiệp thuộc Đại học Tun Abdul Razak, cho biết Chính phủ Malaysia đã đưa ra nhiều chính sách để thúc đẩy sự phát triển của "đại học doanh nghiệp", trong đó việc thành lập khoa doanh nghiệp và doanh nhân thuộc đại học Tun Abdul Razak là một điển hình. Khoa doanh nghiệp, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Rakyat, được Thủ tướng Mohd Najib Tun Abdul Razak thành lập tháng 12-2007 để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một nhân tố đang giữ vai trò quan trọng đối với sự ổn định và đa dạng của nền kinh tế. Mục tiêu là hỗ trợ những nhà doanh nghiệp trẻ vượt qua các thách thức để biến ý tưởng thành hiện thực.
"Các sinh viên của khoa phải thành lập và điều hành một doanh nghiệp ngay trong quá trình học. Sau khi vượt qua các kỳ thi, nếu họ không có trong tay một doanh nghiệp, họ sẽ không được tốt nghiệp" - ông Xavier giải thích. Trường Tun Abdul Razak cũng liên kết với Trường cao đẳng Mỹ Babson - một trường được đánh giá là một hình mẫu của "đại học doanh nghiệp". Theo ông Peter Ng, Trường Babson cho phép sinh viên vay đến 3.000 USD để tập thành lập doanh nghiệp riêng trong khóa học. Lợi nhuận thu được từ những doanh nghiệp này sẽ được đóng góp cho các tổ chức từ thiện.
Ông Xavier cho rằng sự phát triển của "đại học doanh nghiệp" có sự tương tác nhất định với kinh tế. Ông nhấn mạnh: "Tác động và đóng góp của đại học doanh nghiệp đối với xã hội và nền kinh tế là rất lớn bởi nó sẽ góp phần tạo ra nhiều doanh nghiệp". Ông cũng cho rằng vai trò của "đại học doanh nghiệp" sẽ trở nên quan trọng hơn khi khu vực Đông Nam Á hội nhập vào năm 2015.
Trần Phương (từ Kuala Lumpur)
(theo báo Tuổi Trẻ)